Mở rộng cánh cửa cho TPP
Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 27/06/2015
Trước đó một ngày, TAA đã vượt "ải" Thượng viện Mỹ và với việc được phê chuẩn tại Hạ viện, văn kiện này sẽ được trình lên để Tổng thống B.Obama ký ban hành thành luật. TAA được đính kèm dự luật TPA, hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh, vốn đã được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó. Việc Quốc hội Mỹ thông qua hai dự luật trên là một thắng lợi lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông chủ Nhà Trắng - người coi TPP với 11 quốc gia khác và Hiệp định Đối tác và đầu tư với Liên minh Châu Âu (TTIP) là những ưu tiên cao. Với Tổng thống B.Obama, dự luật Quyền đàm phán nhanh được coi là cực kỳ quan trọng trước khi tiến tới Hiệp định TPP. Một khi được ký thành luật, TPA sẽ có hiệu lực tới năm 2021.
Hiệp định TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nước tham gia. |
Được thông qua lần đầu tiên vào năm 1974, TPA cho phép Tổng thống B.Obama được toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các hiệp định thương mại quốc tế. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết mà không được điều chỉnh, sửa đổi các điều khoản này. Vì thế, TPA được coi là điều kiện tiên quyết để ký kết và triển khai TPP hay TTIP. Trước đó, dự luật TPA đã trải qua 6 tuần lễ giằng co trong Quốc hội Mỹ, hai lần bị bác bỏ bởi các nghị sĩ đảng Dân chủ vì họ lo ngại các hiệp định tự do thương mại sẽ làm cho người lao động Mỹ mất việc làm vào tay những đồng nghiệp ở các nền kinh tế đang phát triển. Trong các lần đăng đàn để thuyết phục Quốc hội thông qua TPA, người đứng đầu nước Mỹ không ngần ngại thừa nhận, bài toán việc làm cho người lao động tuy khó giải nhưng xu thế tất yếu của tự do thương mại và lợi ích từ TPP buộc nước Mỹ phải tham gia cuộc chơi này. Theo tính toán, nếu thông qua và triển khai TPP, TTIP, doanh nghiệp Mỹ sẽ thuận lợi tiếp cận thị trường lên tới 1,3 tỷ người, chiếm tới 60% GDP toàn cầu, giúp thúc đẩy xuất khẩu và khẳng định vai trò dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thương mại. Ngoài ra, việc thông qua TPP cho phép Mỹ tiếp tục là người viết nên các quy tắc của kinh tế toàn cầu, trong một khu vực tự do thương mại không có sự tham gia của Trung Quốc - quốc gia đang cạnh tranh gay gắt ảnh hưởng với Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Trước những lợi ích quá lớn từ TPP, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã điều chỉnh dự luật TAA để hỗ trợ cho tiến trình hoàn tất đàm phán hiệp định này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, những trở ngại phía trước trên con đường tiến tới hoàn tất đàm phán TPP vẫn còn rất lớn. Những người ủng hộ TPP vốn dĩ đã lo ngại cuộc bỏ phiếu cuối cùng về hiệp định này có thể bị đẩy lùi sang mùa bầu cử căng thẳng ở Mỹ vào năm 2016. Khi đó, sự phản đối từ nhiều phía có thể khiến chính sách tự do thương mại gặp khó khăn lớn hơn. Ngay bản thân trong TPP cũng còn nhiều vấn đề nhạy cảm cần được giải quyết trước khi đại diện thương mại Mỹ Michael Froman và 11 bộ trưởng bộ thương mại các nước khác tham gia đàm phán có thể đặt bút ký vào hiệp định này. Những vấn đề lớn chưa được giải quyết trong TPP tính tới thời điểm này phải kể tới mức độ mở cửa thị trường nông nghiệp của Nhật Bản, thời hạn bảo hộ cho thuốc gốc mới của các công ty dược phẩm và việc Canada bảo hộ thị trường sữa cùng một số thị trường khác của nước này. Nếu đàm phán TPP hoàn tất vào tháng 7 tới, có thể sẽ mất 6 tháng hoặc hơn để thỏa thuận này được bỏ phiếu thông qua lần cuối ở Quốc hội. Khả năng các nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu về TPP sớm nhất là vào mùa thu năm nay. Hầu hết doanh nghiệp lớn của Mỹ đều ủng hộ TPP, song các nhà sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường nội địa của nước này đang gây sức ép lên các nghị sĩ nhằm trì hoãn thông qua TPP. Lý do ở đây là TPP sẽ dẫn tới một làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ các nước tham gia hiệp định.
Dẫu vậy, những lợi ích lớn lao về chính trị, ngoại giao mà TPP mang lại cho nước Mỹ cũng như các nước liên quan là một cơ hội hiếm có. Nếu được sớm thông qua, hiệp định này không chỉ là "di sản" kinh tế lớn của Tổng thống B.Obama trước khi ông rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017 mà còn tạo nên một cơ sở lâu dài cho sự hợp tác chặt chẽ, lành mạnh và hiệu quả hơn giữa các nền kinh tế tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.