Vì sao vênh số liệu thống kê?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 27/06/2015
Xưởng sản xuất bóng đèn tại Công ty cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Mạnh Hà |
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng tới 9,6% so với cùng kỳ, là mức tăng rất cao so với mức tăng 5,8% của cùng kỳ năm trước; mức tiêu thụ sản phẩm công nghiệp tăng trong khi mức tồn kho giảm; nhất là đối với các sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo... Ngoài ra, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 9,8% so với cùng kỳ, cho thấy thị trường đang từng bước sôi động hơn.
Cùng thời gian trên, các doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới đã cam kết bổ sung hơn 282.000 tỷ đồng vào nền kinh tế, tăng 22,3% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ và mức nhập siêu bằng 4,8% kim ngạch xuất khẩu - tức trong giới hạn cho phép.
Không thể so sánh ở mức tuyệt đối
Nội dung quan trọng tại cuộc họp báo được nhiều người quan tâm là vì sao có sự khác nhau của số liệu thống kê? Cụ thể, có sự chênh lệch tới 20 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam do Trung Quốc công bố so với số liệu nhập khẩu của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra với cả phương thức chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Trong đó, giao thương chính ngạch có thể kiểm soát, thống kê số liệu một cách khá chính xác. Tuy nhiên, các hoạt động buôn bán tiểu ngạch rất khó thống kê đầy đủ. Đặc biệt, càng không thể tính cụ thể về số lượng, giá gốc của hàng hóa buôn lậu qua biên giới. Hơn nữa, việc cập nhật, đối chiếu và tổng hợp số liệu thống kê cũng phức tạp, liên quan nhiều đơn vị, ngành nên khó phân định đâu là của quản lý thị trường, công an, hải quan hay thuế… Mặt khác, nếu phân tích một cách thỏa đáng thì việc công bố thống kê là của cơ quan chức năng mỗi nước và mỗi bên không thể truy vấn hay trao đổi, đối chiếu ngay. Các cơ quan liên quan hoạt động xuất - nhập khẩu hay quản lý kinh tế mỗi bên cũng không có cơ chế trao đổi thông tin hoặc nghĩa vụ bắt buộc giải trình về số liệu. Vì vậy, câu hỏi về giá trị buôn bán song phương không thể xác định, so sánh ở mức tuyệt đối.
Theo bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong trường hợp mỗi bên áp dụng một phương pháp thống kê khác nhau, cách hiểu khác nhau cũng có thể dẫn đến kết quả khác nhau. Đơn cử, hải quan Việt Nam chỉ xác nhận hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khi đó là hàng có xuất xứ Trung Quốc. Hàng nước khác dù qua Trung Quốc rồi xuất sang Việt Nam thì sẽ ghi chú là xuất xứ từ "nước khác". Đó cũng là một nguyên nhân khiến số liệu nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn số liệu xuất khẩu của Trung Quốc. Tiếp theo, nếu hàng vào cảng Việt Nam qua phương thức "tạm nhập, tái xuất", trung chuyển thì cơ quan chức năng Việt Nam không thống kê nhưng phía Trung Quốc vẫn có thể ghi là đã xuất khẩu vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, xét về phía DN, không loại trừ việc cố tình khai báo sai lệch số lượng, chủng loại hàng hóa với mục đích "né" thuế. Ví dụ, DN Trung Quốc có thể khai báo tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu để được hưởng ưu đãi. Ngược lại, DN Việt Nam lại khai báo thấp giá trị nhập khẩu để được hưởng mức thuế thấp hơn thực tế đáng ra phải nộp.
Theo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam đang áp dụng chuẩn mực thống kê tiên tiến, với các tiêu chuẩn quốc tế. Việc không đồng nhất về số liệu vẫn diễn ra trong quan hệ thương mại giữa nhiều nước với nhau; chỉ khác ở mức độ.
Nguồn thu từ dầu thô giảm Hương Ly |