Cần chú trọng phát triển giao thông thông minh
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 27/06/2015
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông tại Việt Nam những năm gần đây đã được triển khai và có những tiến bộ nhất định nhưng thực tế chưa làm thay đổi đáng kể thực trạng lĩnh vực này. Mỗi năm, số người chết vì tai nạn giao thông vẫn xấp xỉ chục nghìn người, nạn tắc đường vẫn phổ biến ở các thành phố lớn, giao thông xuyên Việt bằng đường bộ, đường sắt vẫn tốn quá nhiều thời gian và xảy ra nhiều sự cố… Một phần nguyên nhân là chúng ta chưa ứng dụng tốt công nghệ để có được hệ thống giao thông thông minh, hiệu quả nhất.
Ở nhiều nước, buổi sáng người dân có thể di chuyển hàng trăm kilômét tới chỗ làm việc nhờ hệ thống giao thông tiên tiến, thông suốt, không những tạo tiện lợi cho người dân mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, ngay tại Hà Nội, để di chuyển khoảng trên 10km từ Hà Đông vào trung tâm thành phố giờ cao điểm sáng, phải mất hàng giờ đồng hồ vì tắc đường. Với giao thông đường sắt, gần đây ngành này đã có bước đột phá về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bán vé tàu, thay vì phương thức bán vé truyền thống tại nhà ga nhiều năm trước. Điều này vừa giảm chi phí cho ngành đường sắt vừa giảm thời gian, công sức của hành khách. Thế nhưng, những ứng dụng đấy vẫn chưa đủ. Đến nay, cứ nghĩ đến việc phải mua vé tàu trong các dịp lễ, Tết chắc chắn ai cũng "ớn". Và thay vì lên tàu vẫn có thể tranh thủ làm việc nếu các tiện ích công nghệ thông tin thông thường nhất, như wifi được ứng dụng thì hành khách vẫn phải mất nhiều giờ chỉ để… di chuyển.
Vấn đề ở đây là gì? Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng "quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy". Không chỉ các cơ quan nhà nước phải chủ động, như đặt ra dịch vụ để doanh nghiệp lập dự án cung cấp, mà chính các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng không nên ngồi đợi… mời thầu rồi mới tìm đến. Những doanh nghiệp này cần sáng tạo phát triển các dịch vụ, ứng dụng và chủ động chào hàng các cơ quan nhà nước. Một trong những ví dụ đáng để tham khảo là mới đây, hãng Samsung đã đưa ra giải pháp công nghệ cho phép xe sau có thể "nhìn xuyên thấu" xe trước nhằm tránh những vụ xe đối đầu kinh hoàng…
Ở Nhật Bản, nhiều thập niên trước, giao thông đường bộ cũng khủng khiếp đến nỗi bị gọi là "chiến tranh giao thông". Thế nhưng, người Nhật đã sớm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để xây dựng hệ thống giao thông thông minh, và điều này đã đóng vai trò lớn để thay đổi thực trạng, giúp nước Nhật phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Lợi ích của giao thông thông minh rất rõ rệt. Chúng ta cũng đã đặt ra mục tiêu nhưng việc triển khai lại quá chậm chạp. Những nút thắt - nếu có - đang rất cần tháo gỡ!