Quốc hội không nhận được đơn thư tố cáo bà Châu Thị Thu Nga sau khi trúng cử
Chính trị - Ngày đăng : 17:34, 26/06/2015
Chủ trì buổi họp báo là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban thư ký Nguyễn Hạnh Phúc.
Mở đầu buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng đã báo cáo với báo giới kết quả kỳ họp. Ông cho biết, sau 30 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình kỳ họp, trong đó thông qua nhiều bộ luật quan trọng góp phần cụ thể hóa Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, hoàn thiện bộ máy chính quyền các cấp; phê chuẩn Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao...
Tiếp đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời các câu hỏi trực tiếp của phóng viên tại buổi họp báo.
Về thông tin cho rằng bà Châu Thị Thu Nga đã có sai phạm ngay từ khi tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đáng lẽ việc bà trúng cử đã được ngăn chặn từ khi nộp hồ sơ, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc bãi nhiệm bà Nga là một sự việc đáng tiếc, bà Nga đã không giữ được tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc, quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII đã tuân theo những nguyên tắc rất chặt chẽ và ngay phiên đầu tiên xác định tư cách đại biểu của kỳ họp, Quốc hội cũng không nhận được đơn thư tố cáo nào với bất cứ đại biểu nào được bầu. Phải sau 2-3 năm tham gia đại biểu Quốc hội, bà Nga mới có đơn thư tố cáo và ngay sau đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã có văn bản đề nghị Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội với bà Nga.
Tuy nhiên, qua sự việc này, Quốc hội đã rút kinh nghiệm nghiêm khắc, làm chặt chẽ từng khâu, từng quy trình trong lần bầu đại biểu Quốc hội khóa tới, đảm bảo chọn những người xứng đáng bầu làm đại biểu nhân dân.
Về dự kiến nội dung chất vấn tại kỳ họp tới, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, thời lượng chất vấn cơ bản vẫn được giữ nguyên là diễn ra trong 2 ngày rưỡi, nhưng sẽ không chất vấn theo cách như bình thường mà Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo toàn bộ việc thực hiện các nghị quyết chất vấn trong cả khóa Quốc hội XIII, trên cơ sở đó, những nội dung nào Chính phủ thực hiện chưa tốt thì Quốc hội sẽ mời các trưởng ngành trả lời ngay. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến, Quốc hội sẽ phải xin ý kiến quyết định của các đại biểu Quốc hội.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thành lập Ban chuyên trách của Quốc hội để giám sát kiểm tra việc xây dựng dự án sân bay Long Thành, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đây là một dự án được đầu tư theo luật. Quốc hội kỳ này mới quyết chủ trương, còn việc triển khai ra sao thì Chính phủ sẽ có báo cáo. Nghị quyết vừa rồi của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ có báo cáo cụ thể việc thực hiện dự án trong từng giai đoạn. Theo quan điểm cá nhân, Chủ nhiệm cho rằng không nhất thiết phải có Ban giám sát riêng của Quốc hội với dự án này vì đã có Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội phụ trách giám sát các dự án và bản thân dự án khi tiến hành cũng phải thành lập ban giám sát riêng.
Về ý kiến cho rằng tại các kỳ họp Quốc hội, có nhiều phiên làm việc các đại biểu vắng mặt nhiều, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, do đặc thù của Quốc hội nước ta có cả đại biểu kiêm nhiệm và chuyên trách, trong đó đại biểu kiêm nhiệm chiếm 70% thì việc các đại biểu không có mặt trong tất cả các phiên làm việc là bình thường. Vì theo quy định của Luật, các đại biểu kiêm nhiệm chỉ phải thực hiện 30% nhiệm vụ của Quốc hội. Thêm vào đó, trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 9, các địa phương đang tập trung chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc nên khá bận. Chủ nhiệm Văn phòng cho rằng, điều quan trọng nhất là chất lượng của toàn bộ kỳ họp vẫn được đảm bảo.
Về việc tạo điều kiện cho nhân dân vào tham quan Nhà quốc hội mới, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội rất ủng hộ việc này và đang dần triển khai, vì Nhà quốc hội chính là nhà của nhân dân. Tuy nhiên, hiện nhiều hạng mục của tòa nhà chưa xong, sau khi tòa nhà hoàn thiện tổng thể, Quốc hội sẽ mời nhân dân, các đoàn đại biểu vào tham quan, thậm chí có thể mời nhân dân dự thính khi Quốc hội họp.
Về việc góp ý cho các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, lúc đầu Quốc hội dự kiến góp ý tại kỳ họp này, nhưng do các văn kiện này đang được lấy ý kiến nhân dân và các tổ chức cơ sở Đảng nên Quốc hội quyết định sẽ dời nội dung này sang kỳ họp sau.