Cần giải pháp căn cơ hơn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 26/06/2015

(HNM) - Mùa vải năm nay, dự kiến thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ tiêu thụ khoảng 80.000 tấn vải. Hiện nay, Sở Công thương, các chợ đầu mối, các hệ thống phân phối đã cùng ký kết tiêu thụ quả vải với hai tỉnh có sản lượng lớn là Bắc Giang và Hải Dương.

Khách hàng mua vải thiều tại siêu thị Big C.


Ngậm ngùi nhìn… quả vải
!

Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2015 vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh cho rằng, thị trường vải năm nay có nhiều tín hiệu tốt, kể cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm nay, sản lượng vải ở tỉnh Bắc Giang là khoảng 160.000 tấn, tỉnh Hải Dương khoảng 50.000 tấn và đang được tiêu thụ mạnh. Ở thị trường trong nước, riêng TP Hồ Chí Minh năm nay dự kiến tiêu thụ khoảng 80.000 tấn. Hiện các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh và các siêu thị lớn như Co.opmart, Big C… đã ký kết các hợp đồng tiêu thụ quả vải với hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và đang phối hợp với các đầu mối ở các địa phương này để thực hiện. Xuất khẩu ra nước ngoài cũng khả quan khi quả vải đã có mặt ở thị trường khó tính như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Australia… Năm nay, quả vải xuất sang Trung Quốc cũng thuận lợi hơn khi thương nhân Trung Quốc sang sớm và ký kết hợp đồng mua bán bài bản hơn. Ở Cửa khẩu Lào Cai, hải quan phía Trung Quốc cũng đã dành luồng riêng cho quả vải, bố trí làm thêm giờ để quả vải kịp xuất đi trong ngày.

Trong khi quả vải được tiêu thụ mạnh và giá vẫn "giữ vững" ở mức trung bình khoảng 18.000 đồng/kg thì hàng loạt loại trái cây khác ở miền Nam đang "dội chợ" và rớt giá thê thảm do đang vào giữa vụ. Chôm chôm có giá 25.000-30.000 đồng/kg hiện còn khoảng 10.000-15.000 đồng/kg tùy loại; thanh long đổ đống ngoài đường với giá 10.000 đồng/3kg; quả na giảm từ 60.000 đồng/kg xuống còn 40.000 đồng; măng cụt giảm từ 70.000 đồng/kg xuống 40.000 đồng…

Cần nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm

Là địa phương có lượng tiêu thụ lớn và kết hợp rất chặt chẽ với hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang để tiêu thụ quả vải, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thành phố đã và sẽ tiếp tục hợp tác ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, vấn đề đặt ra là phải có một kế hoạch tiêu thụ nông sản bền vững chứ không phải cứ mỗi năm "đến hẹn lại lên", cứ đến mùa là các bộ, ngành lại lục tục đi xúc tiến tiêu thụ. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, cần phải sản xuất theo chuỗi cũng như áp dụng công nghệ để kéo dài thời gian tiêu thụ trái vải tươi và nghiên cứu đầu tư sản xuất các sản phẩm khác từ quả vải để tránh tính thời vụ của hàng nông sản tươi.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa trên sản xuất hộ cá thể, quy mô nhỏ là một trong những yếu tố cản trở ứng dụng tiến bộ khoa học, cũng như tạo ra vùng nguyên liệu ổn định. Chính vì vậy, nông sản của Việt Nam thiếu đi lợi thế cạnh tranh. Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ không chỉ kết nối tiêu thụ trái vải mà còn nhiều mặt hàng nông sản khác, bởi đang có rất nhiều mặt hàng cần cơ chế chính sách hợp lý để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng và bài toán về tiêu thụ nông sản nói chung, quả vải nói riêng cho người nông dân càng phải bền vững hơn. Sản lượng vải hiện dao động trong khoảng 250-300 nghìn tấn/năm. Thị trường phần lớn là tiêu thụ trong nước với khoảng 60% và xuất khẩu 40%. Tỷ lệ này sẽ biến động tùy thuộc vào hoạt động phát triển thị trường như mở thị trường mới cho xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm… Cho dù tỷ lệ thay đổi thế nào thì yếu tố bảo đảm sự bền vững vẫn phụ thuộc đầu tiên vào khâu sản xuất, phải bảo đảm quy cách và chất lượng sản phẩm. Hiện diện tích Vietgap và GlobalGAP ở các địa phương đã tăng đáng kể, tạo ra sự ổn định về chất lượng và là tiền đề để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển tại vùng sản xuất nhằm phát triển thị trường tiêu thụ.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, những nỗ lực trong thời gian qua là nhiều nhưng chưa đầy đủ, cần phải nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm. Việt Nam đã mất từ 5 đến 10 năm để mở được thị trường Mỹ, Australia nhưng việc mở được thị trường là một vấn đề, điều khó hơn là phải giữ được thị trường. Chính vì vậy, đòi hỏi việc sản xuất, cung ứng sản phẩm phải ổn định và đạt chất lượng. Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ chủ trì xây dựng đề án thí điểm về tổ chức canh tác, sản xuất và tiêu thụ quả vải theo chuỗi giá trị từ khâu tổ chức sản xuất đến chế biến, tiêu thụ… để có những giải pháp toàn diện cho mặt hàng rau quả, trái cây nói chung và quả vải nói riêng.

Đặng Loan