Hướng đến đô thị khoa học và công nghệ thông minh
Công nghệ - Ngày đăng : 06:27, 25/06/2015
Phối cảnh Khu công nghệ cao Hòa Lạc. |
Hạ tầng hiện đại, đồng bộ là điều kiện tiên quyết
Được Chính phủ Việt Nam phê duyệt từ năm 2010, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc là một trong các dự án lớn của Chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản, sử dụng vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Quy mô của dự án gồm 5 gói thầu chính: CP-1A Phát triển hạ tầng chính (bao gồm các hạng mục hệ thống đường, cầu cống, viễn thông, cấp nước, thoát nước, nước thải, cấp điện), CP-1B Cải tạo hồ Tân Xã và bảo vệ suối Dứa Gai, CP-2 Nhà máy Xử lý nước thải, CP-3 Trạm điện và ES-II Tư vấn giám sát.
Năm 2012, Bộ Tài chính Việt Nam và JICA đã ký Hiệp định vay lần 1 trị giá 15,218 tỷ yên cho giai đoạn xây dựng của dự án. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được khởi công từ năm 2013 và hoàn thành vào năm 2016. Tuy nhiên, do mặt bằng của dự án còn nhiều vướng mắc nên Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã báo cáo Bộ KH&CN và trình Chính phủ để tạm lùi thời gian triển khai. Việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng cũng là vấn đề mà Khu CNC Hòa Lạc luôn phải quan tâm khắc phục trong nhiều năm qua.
Năm 2014, cùng với sự vào cuộc một cách tích cực của các bộ ngành, UBND TP Hà Nội và chính quyền địa phương các cấp, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Cho đến nay, phần lớn mặt bằng của dự án đã được giải phóng và theo kế hoạch, toàn bộ mặt bằng sẽ được bàn giao cho các đơn vị thi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra.
Cơ sở hạ tầng của Khu CNC Hòa Lạc hiện nay đã được xây dựng một phần bằng nguồn ngân sách nhà nước để đáp ứng nhu cầu trước mắt của các nhà đầu tư trong Khu CNC. Đến nay, có khoảng 70 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động như Trung tâm CNC Viettel, Đại học FPT, Công ty Phần mềm FPT và các dự án nghiên cứu, sản xuất CNC như dự án Trung tâm Vũ trụ quốc gia, Trung tâm Điều khiển vệ tinh nhỏ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật ô tô Hòa Lạc của Công ty Nissan Techno, Trung tâm CNC về thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Nghiên cứu phát triển của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Nhà máy Sản xuất thiết bị y tế của Liên doanh Y học Việt - Hàn...
Trong thời gian tới, còn rất nhiều dự án lớn được Chính phủ các nước hỗ trợ sẽ được triển khai tại Khu CNC Hòa Lạc như: Dự án Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Chính phủ Pháp và Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ; Dự án Trường ĐH Việt Nhật do Chính phủ Nhật Bản tài trợ; Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ và các dự án của các doanh nghiệp, tổ chức trong những lĩnh vực CNC khác. Để đáp ứng được nhu cầu triển khai hoạt động của các dự án lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đào tạo, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo mô hình hiện đại, đồng bộ là một trong những điều kiện tiên quyết.
Tập trung phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ
Đặt trọng tâm vào việc phát triển tiềm lực KH&CN, Khu CNC Hòa Lạc chú trọng đầu tư cho hoạt động ươm tạo CNC. Đơn vị trực thuộc là Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp CNC đã được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và hằng năm đều duy trì 8-10 nhóm tham gia ươm tạo, được tuyển chọn từ nhiều nguồn, trong đó có nhiều nhóm từ chương trình "Nhân tài đất Việt", ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam... Đến nay, có tổng số 28 nhóm ươm tạo, trong đó 6 nhóm đã tốt nghiệp. Trung tâm là cầu nối cho hoạt động nghiên cứu, triển khai, thương mại hóa sản phẩm của các trường ĐH, viện nghiên cứu, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp dựa trên thành quả nghiên cứu của các nhóm. Một số sản phẩm tiêu biểu đóng góp cho cộng đồng và xã hội như: Sản phẩm chế phẩm hóa sinh xử lý môi trường LTH-68, LTH-79, LTH-100, LTH-200, Bio catalyst, Water plasma; công nghệ nhận dạng giọng nói; công nghệ tế bào gốc; giải pháp đào tạo, khám chữa bệnh trực tuyến hàng đầu của Việt Nam (Công ty Trí tuệ nhân tạo AI); sản phẩm "Hộp đen"; sản phẩm kích dục tố PMSG, HCG, PG600 giải quyết chậm sinh sản và cho sinh sản đồng loạt trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản; gammaglobulin tăng cường sức đề kháng cho cơ thể; đạm thủy phân bổ sung các acid amin cần thiết cho cơ thể con người; hệ thống an ninh chống phá két máy ATM; sản phẩm lò đốt rác thải rắn y tế BL230; phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện; thiết bị tiết kiệm điện cho đèn tuýp...
Với việc tập trung và quy tụ được nhiều đơn vị nghiên cứu ở trong và ngoài nước, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã lên kế hoạch, lộ trình để tăng cường công tác tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kết nối cung - cầu về công nghệ tại Khu CNC Hòa Lạc với các tổ chức, đối tác nhằm đưa nơi đây thành trung tâm trình diễn, chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực phía Bắc, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại hóa công nghệ phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cho đến cuối năm 2018, khi Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc được triển khai và hoàn thành, Khu CNC sẽ có một hệ thống hạ tầng hiện đại phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNC, hướng đến mô hình một đô thị KH&CN thông minh, góp phần vào sự phát triển KH&CN của đất nước.