Chủ động để không bị động

Công nghệ - Ngày đăng : 06:25, 25/06/2015

(HNM) - Gần đây, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên xảy ra tình trạng mất cắp nguồn phóng xạ hoặc quản lý nguồn phóng xạ thiếu chặt chẽ dẫn đến phát tán ra môi trường bên ngoài đã gây lo lắng cho cộng đồng.

Hà Nội là địa bàn có số nguồn phóng xạ thuộc diện nhiều nhất cả nước nên việc quản lý ra sao, có kế hoạch ứng phó sự cố thế nào… là những câu hỏi Báo Hànộimới dành cho ông Đàm Quang Minh (Trưởng phòng An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở KH&CN Hà Nội).

- Thưa ông, trên địa bàn Hà Nội hiện có bao nhiêu nguồn phóng xạ thuộc diện quản lý và những năm gần đây công việc này được tiến hành ra sao?

- Theo quy định của pháp luật, các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ (nghiên cứu, ứng dụng, lưu giữ,...) do Bộ KH&CN cấp giấy phép hoạt động. Sau khi cấp phép, Bộ KH&CN thông báo cho Sở KH&CN địa phương để biết và cùng phối hợp quản lý. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 170 cơ sở tiến hành công việc bức xạ với 1.920 nguồn phóng xạ, với nhiều chủng loại khác nhau. Vì vậy, việc quản lý cũng rất phức tạp và khó khăn.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Bộ KH&CN và UBND thành phố, Sở KH&CN Hà Nội đã triển khai bài bản, toàn diện các hoạt động nhằm bảo đảm công tác an toàn bức xạ (ATBX) và an ninh nguồn phóng xạ trên địa bàn thành phố. Cụ thể, việc cập nhật thông tin về cơ sở bức xạ và nguồn phóng xạ đã được Sở KH&CN thống kê đầy đủ, chi tiết, rõ ràng; việc phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật kiến thức về ATBX cho các cán bộ, nhân viên của cơ sở bức xạ thường xuyên được tổ chức kịp thời; việc kiểm tra sau cấp phép được tổ chức định kỳ hằng năm nhằm xem xét sự tuân thủ, chấp hành pháp luật như thế nào; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ...

Sở KH&CN Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân tổ chức diễn tập "Tìm nguồn phóng xạ bị mất".


- Có nhiều sự cố xảy ra bất ngờ và để không bị động, Sở KH&CN đã có kế hoạch gì để kịp thời ứng phó nhằm góp phần bảo đảm ATBX, an ninh nguồn phóng xạ trên địa bàn?

- Sự cố là điều không mong muốn và luôn bất ngờ. Để hạn chế nó với những việc làm đã nêu ở trên, trong kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, chúng tôi đã xây dựng các kịch bản ứng phó và tổ chức diễn tập. Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên của cả nước tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ từ năm 2007. Hoạt động này giúp chúng tôi luôn chủ động trong phòng ngừa và ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn Thủ đô.

Thời gian qua, Hà Nội rất chủ động và tích cực phối hợp với Cục ATBX và hạt nhân (Bộ KH&CN), trực tiếp là Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật ATBX và Ứng phó sự cố để tập huấn cho các quận, huyện về công tác ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; đã bước đầu trang bị các phương tiện (cọc tiêu, biển cảnh báo bức xạ, dải băng cảnh báo,...) phục vụ ứng phó ban đầu cho một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Hoạt động này góp phần chuẩn hóa, thống nhất phương thức ứng phó sự cố cho cán bộ cấp xã, phường, thị trấn khi có sự cố xảy ra đối với nguồn phóng xạ vô chủ (PXVC).

Năm 2015, Sở KH&CN đã thực hiện nhiệm vụ "Kiểm soát phóng xạ môi trường tại các cơ sở thu mua, gia công, chế biến kim loại phế liệu phục vụ hoạt động ứng phó sự cố bức xạ với nguồn PXVC" nhằm đánh giá và phát hiện nguồn PXVC; góp phần hạn chế, ngăn chặn và rút ngắn thời gian tồn tại của nguồn PXVC ngoài môi trường, cũng như các nguy cơ tiềm ẩn của chúng. Nhiệm vụ này được triển khai thường xuyên tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Với tinh thần chủ động để không bị động nên đến nay, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện được công việc này. Tôi tin rằng nếu có sự cố xảy ra thì việc ngăn ngừa thiệt hại sẽ không bị động, lúng túng như một số địa phương khác gặp phải thời gian qua.

- Theo tôi hiểu, nguồn PXVC là thiết bị có nguồn phóng xạ mà vì lý do nào đó bị phát tán, thất lạc, gây nguy hiểm cho cộng đồng. Vậy Hà Nội đã có biện pháp gì để giảm thiểu tình trạng này?

- Ngoài việc quản lý các cơ sở bức xạ trong việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, chúng tôi rất quan tâm đến các cơ sở thu mua, gia công kim loại phế liệu. Từ thực tế là "đường đi" của các nguồn PXVC thường xuất hiện nhiều ở các điểm mua bán, tập kết sắt thép phế liệu nên chúng tôi rất chú ý đến điều này.

Do đó, Sở KH&CN vừa hoàn thành việc biên soạn và in poster hình ảnh giới thiệu về các loại, kiểu bình chứa nguồn phóng xạ và thiết bị có nguồn phóng xạ kích thước nhỏ (như máy kiểm tra mối hàn, máy kiểm tra độ ẩm và độ chặt của đất,...) và phát cho các cơ sở thu mua, gia công, chế biến kim loại phế liệu trên địa bàn (Sở đã tiến hành điều tra và thu thập thông tin các cơ sở này tại 17/30 quận, huyện, thị xã - PV). Các poster này đã giúp người thu mua, gia công, chế biến kim loại phế liệu dễ dàng nhận diện bình chứa nguồn phóng xạ, thiết bị có nguồn phóng xạ. Đặc biệt, khi phát hiện những vật tương tự như các hình ảnh cảnh báo trong poster ngoài môi trường sẽ nhanh chóng thông báo tới các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thu hồi, tăng cường khả năng ứng phó với nguồn PXVC.

- Trong hoạt động ATBX, tuyên truyền luôn được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm giúp công chúng hiểu, từ đó hỗ trợ các cơ quan chuyên môn, vậy công tác này được Sở KH&CN thực hiện ra sao?

- Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý ATBX, an ninh nguồn phóng xạ nêu trên, hoạt động tuyên truyền luôn được Sở KH&CN đặc biệt quan tâm. Cụ thể là gần đây, chúng tôi đã biên soạn, xuất bản sách "Những điều cần biết về bảo đảm an toàn và an ninh đối với cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ" và phát miễn phí tới 170 cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ trên địa bàn. Cuốn sách như một cẩm nang hướng dẫn, tra cứu giúp các cơ sở tiếp cận tốt hơn với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các kiến thức cơ bản cần thiết liên quan tới bảo đảm ATBX, an ninh nguồn phóng xạ. Hằng năm, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu, rộng về công tác bảo đảm ATBX và an ninh nguồn phóng xạ tới công chúng Thủ đô nói chung và các cơ sở tiến hành công việc bức xạ trên địa bàn nói riêng.

- Xin cảm ơn ông!

Trà My