Minh bạch giá điện

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 25/06/2015

(HNM) - Thông tin về tiền điện sinh hoạt tháng 5-2015 tăng cao bất thường đang "làm nóng" các trang báo và mạng xã hội. Đã có không ít người dân bày tỏ bức xúc, nghi ngờ về việc hóa đơn tiền điện bỗng dưng tăng vọt gấp nhiều lần mức bình thường.

Lý giải việc tiền điện sinh hoạt của người dân trong tháng 5 tăng cao, ngành điện cho rằng đây là chuyện tất yếu, bởi thời điểm tháng 5, tháng 6 thời tiết nắng nóng ở mức kỷ lục, kéo dài nên lượng điện tiêu thụ tăng mạnh. Đáng kể là giá điện sinh hoạt cũng đã tăng từ ngày 16-3 (với cách tính biểu giá lũy tiến theo 6 mức, từ 50kW đến trên 400kW), gần với thời điểm nắng nóng. Do hội tụ các yếu tố đột biến nên tiền điện tăng cao hơn các tháng liền kề trước đó…

Phải khẳng định, chuyện nắng nóng kéo dài nên sản lượng điện tiêu thụ tăng 15-20%, riêng khu vực Hà Nội tăng đến 28% là bình thường, mùa hè năm nào cũng xảy ra, tuy mức độ có khác nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hóa đơn tiền điện của hàng triệu hộ dân bỗng dưng cao 2-3 lần, thậm chí gấp 4 lần mức bình thường có thể nhận thấy một số vấn đề bất thường.

Đầu tiên là chuyện ghi chỉ số công tơ. Lâu nay ngành điện ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, áp dụng kiểu ghi chỉ số điện rất… độc quyền! Đó là công tơ để trong hộp, thường treo cao trên cột điện hoặc tường nhà, nhân viên "nhà đèn" ghi lúc nào, chỉ số bao nhiêu dân không hề hay biết, khi người thu tiền điện đến đưa hóa đơn "thượng đế" chỉ biết móc ví trả tiền, có nghi ngờ cũng đành bấm bụng vì sợ bị cắt điện, hoặc do tâm lý có kêu cũng chẳng ăn thua gì, phần thiệt bao giờ cũng ở phía người dân…

Cách tính giá điện hiện nay cũng rất đáng nói. Thực tế thì số tiền điện các hộ dân phải chi trả đã tăng rất lớn chứ không phải chỉ là 7,5% như ngành điện đã đưa ra để thuyết phục các cơ quan quản lý trước thời điểm tăng giá (16-3). Việc chia nhỏ biểu giá thành 6 mức lũy tiến, có sự chênh lệch rất lớn giữa các mức chính là nguyên nhân khiến người dân phải trả một số tiền lớn hơn rất nhiều lần, cho dù mức tiêu thụ chỉ nhỉnh hơn bình thường một chút. Hơn nữa, lý giải lâu nay của ngành điện về việc áp dụng cách tính lũy kế, càng dùng nhiều giá càng cao "để người dân có ý thức sử dụng điện tiết kiệm" không có sức thuyết phục, bởi quan điểm này trái với quy luật thị trường, đi ngược lại với thế giới. Phải khẳng định điện là một thứ hàng hóa và đã là hàng hóa thì càng mua nhiều thì giá càng phải rẻ. Rõ ràng cách tính giá điện theo lũy tiến như vậy chỉ thỏa mãn lợi ích của ngành điện và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Một vấn đề nữa là lâu nay, khi tăng giá điện ngành điện thường lấy lý do"giá điện thấp hơn khu vực và thế giới", tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng so sánh này là khập khiễng, bởi đơn cử giá điện của Singapore là 21 cent/kW, nhưng 100% sản xuất điện của nước này sử dụng dầu, trong khi 40% nguồn điện Việt Nam là từ thủy điện, chi phí đầu vào thấp bằng một nửa. Theo các chuyên gia kinh tế, ngành điện đang tồn tại những vấn đề như tỷ lệ thất thoát cao, bộ máy cồng kềnh, quản trị yếu kém, đầu tư ngoài ngành không hiệu quả… Đáng nói là tất cả những yếu tố bất hợp lý này đều được tính vào chi phí đầu vào của ngành điện và người tiêu dùng lãnh đủ.

Để không còn hoài nghi, bức xúc trước những tờ hóa đơn điện, trước tiên là người tiêu dùng phải có ý thức, hình thành thói quen tiết kiệm điện sinh hoạt, nhất là trong thời điểm nắng nóng. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là phải tăng cường tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của ngành điện, từ ghi chỉ số công tơ đến cách tính giá điện; có thể thuê tư vấn độc lập, khách quan để xem xét các yếu tố hình thành giá điện theo thị trường. Về lâu dài, việc xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh sẽ khắc phục được tình trạng độc quyền, một mình một sân chơi như hiện nay. Rõ ràng chỉ có một cuộc "đại phẫu" quyết liệt, tái cơ cấu ngành điện một cách mạnh mẽ mới tạo được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Hà Anh