Sẽ chia tách Vietnam Airlines thành hai hãng hàng không?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:38, 24/06/2015
Câu chuyện chia tách lĩnh vực viễn thông đã được phóng viên đưa ra làm dẫn chứng khi đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng bên hành lang Quốc hội chiều 23/6, về những vấn đề hậu cổ phần hóa Vietnam Airlines cùng với ý kiến thành lập hai Tổng Công ty Hàng không miền Bắc và miền Nam trên cơ sở chia tách Vietnam Airlines.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu quan điểm: “Chia tách Vietnam Airines làm 2 đơn vị và thành 2 hãng hàng không quốc gia Việt Nam? Không được!”.
Không thể chia tách Vietnam Airlines thành 2 Tổng Công ty hàng không. |
Theo Bộ trưởng Thăng, ở các nước đều xây dựng và phát triển hàng không dựa trên nền tảng của một hãng hàng không quốc gia. Tư nhân gì thì tư nhân vẫn cần phải có một hãng hàng không mạnh mang thương hiệu quốc gia.
“Đó là hình ảnh của một đất nước, là thương hiệu của đất nước, dù là hãng hàng không của nhà nước hay tư nhân. Ngoài thương hiệu quốc gia thì phải kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng để khi đất nước có biến động thì hãng hàng không quốc gia sẽ được chuyển sang phục vụ mục đích quốc phòng” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Về hậu cổ phần Vietnam Airlines, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng hãng hàng không này vẫn ì ạch và chậm đổi mới. Bởi, khi cổ phần hóa, nếu thay đổi được bản chất quản trị doanh nghiệp sẽ thay đổi còn hiện giờ Vietnam Airlines chưa thay đổi, chỉ bán mấy phần trăm cổ phần thì chưa có ý nghĩa gì cả, chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Người đứng đầu ngành GTVT cũng nêu ý kiến khi phải lựa chọn giữa hình ảnh quốc gia và sự phát triển, theo thông lệ quốc tế: “Khi tính toán hiệu quả phải tính chung trong một hiệu quả tổng hợp. Không chỉ thuần túy về tài chính mà phải gắn đến quốc phòng an ninh, chủ quyền và thương hiệu quốc gia”.
Trên thực tế, Việt Nam đang mở rộng thị trường hàng không và tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng hàng không nội địa, tuy nhiên trong những năm qua nhiều hãng hàng không tư nhân lại “chết” yểu, như: Indochina Airlines, Trãi Thiên, Air Mekong.
Vietnam Airlines vốn được coi là “con cưng” của Nhà nước nên hãng này từng chiếm giữ thị phần nội địa lớn nhất - 80%. Nhưng, kể từ khi hãng hàng không tư nhân Vietjet Air ra đời, thị phần hàng không nội địa của Vietnam Airlines giảm xuống còn 60%, Vietjet Air có hơn 30% và số còn lại chia cho các hãng Jetstar Pacific, Vasco.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay: “Vietnam Airlines không giảm thị phần mà do Vietjet Air tăng mạnh và tỷ trọng tăng cao hơn nên tổng số thị phần của Vietnam Airlines bị giảm xuống. Như thế là tốt, đúng mục tiêu đặt ra là tăng tính cạnh tranh. Cạnh tranh thì thị phần phải cân bằng một chút, chứ cạnh tranh mà ông bé tí, ông to đùng thì cũng không ý nghĩa gì”.
Về các hãng hàng không tư nhân “chết yểu”, Bộ trưởng Thăng giải thích vì các hãng này chưa chuẩn bị đầy đủ nên thất bại. Trong kinh doanh hàng không, phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện, có thị trường tốt, phải có chiến lược lâu dài và phải triển khai thật.