Kỳ thi THPT quốc gia: Hà Nội đã sẵn sàng ở mức độ cao nhất

Giáo dục - Ngày đăng : 06:09, 24/06/2015

(HNM) - Hơn 118 nghìn thí sinh sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại 9 cụm thi trên địa bàn Hà Nội. Công tác phục vụ kỳ thi về cơ sở vật chất và nhân lực đã cơ bản hoàn tất...



Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo (BCĐ) thi và tuyển sinh thành phố Hà Nội - diễn ra ngày 23-6, do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì.

Các cụm thi đã sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Nhật Nam


"Dõi theo từng thí sinh"

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, tinh thần được quán triệt tới mọi thành viên Ban chỉ đạo tổ chức kỳ thi này là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho TS dự thi. Đến nay, toàn bộ 164 điểm thi trên địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn tất các điều kiện bảo đảm tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy định.

Là một cụm thi có số lượng TS dự thi lớn nhất thành phố - gần 16 nghìn em, GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cho biết: Trong số này, có 3.750 TS của tỉnh Hà Nam, còn lại là TS của quận Đống Đa, Thanh Xuân và Hà Đông. 10 điểm thi của trường năm nay đều sử dụng cơ sở vật chất của các trường ĐH, điều kiện tổ chức thi rất thuận lợi. Ngoài 1.400 cán bộ làm công tác coi thi, trường cũng đã chốt danh sách 400 cán bộ chấm thi. Phương án vận chuyển đề, bài thi; bảo vệ an toàn tuyệt đối tại các điểm thi cũng đã hoàn thiện.

Không chỉ chủ trì một cụm thi có quy mô lớn với hơn 15 nghìn TS, Trường ĐH Bách khoa còn được giao nhiệm vụ tổ chức in sao đề thi cho các cụm thi trên địa bàn. PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo (ĐH Bách khoa) cho biết hiện vẫn tạo điều kiện để TS tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký dự thi và điều chỉnh các thông tin về môn thi theo nguyện vọng. Trường đang rà soát công tác chuẩn bị lần thứ hai tại 11 điểm thi.

Với điểm khác biệt của kỳ thi năm nay là vừa công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH, CĐ, mục tiêu chung của BCĐ là tổ chức tiếp đón các TS ở tỉnh ngoài về dự thi với tinh thần "dõi bước theo từng TS", bảo đảm điều kiện thuận lợi và an toàn nhất cho TS và người nhà TS. Đại tá Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an thành phố, khẳng định đã chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn ở tất cả các khâu: In sao đề, vận chuyển, bảo quản đề, bài thi; phân công nhiệm vụ cho cán bộ, bảo vệ nghiêm ngặt cả vòng trong và vòng ngoài tại từng điểm thi...

Không chủ quan vì ít thí sinh

Kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Nội, diễn ra từ ngày 1 đến 4-7, với gần 118 nghìn TS dự thi, giảm 100 nghìn TS so với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm trước. Mặc dù các cụm thi đều khẳng định đã sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi song theo chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Sơn, đây là kỳ thi lần đầu tiên với mục tiêu "hai trong một" nên công tác chuẩn bị phải được bảo đảm tốt nhất, không vì lượng TS ít hơn mà chủ quan. Hà Nội phải quyết tâm, đồng lòng tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng cao.

Điểm khác biệt của kỳ thi năm nay là trong số 9 cụm thi trên địa bàn, Sở GD-ĐT chỉ chủ trì 1 cụm thi với 27 điểm thi, phục vụ cho hơn 11 nghìn TS chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT. Dù vậy, phần việc của Sở GD-ĐT Hà Nội còn là tham gia phục vụ đối với 8 cụm thi còn lại do các trường ĐH chủ trì như bố trí địa điểm, huy động nhân lực tham gia coi thi, chấm thi… Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, tại kỳ thi này, Hà Nội tiếp tục duy trì công tác hậu kiểm khi học quy chế, dứt khoát không giao nhiệm vụ cho những người thiếu trách nhiệm và chưa "thuộc bài".

Trong các ngày thi, Hà Nội sẽ thành lập sở chỉ huy và thiết lập đường dây nóng tại các quận, huyện, thị xã để tiếp nhận và xử lý các tình huống bất thường; tổ chức 9 đoàn kiểm tra để giám sát, kịp thời hỗ trợ tại 9 cụm thi. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng (01628.167646) nhằm nắm bắt tình hình, theo dõi và xử lý các thông tin liên quan đến kỳ thi. Trường ĐH Lâm nghiệp có điểm thi cách xa trường 22km nên đã chuẩn bị xe đưa đón TS, bố trí ăn trưa tại chỗ và huy động 500 sinh viên tình nguyện hỗ trợ đưa đón, hướng dẫn TS. Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với lực lượng giao thông, đã hoàn thiện phương án 2 đề phòng ùn tắc tại các nút giao thông trọng yếu như ngã tư Trâu Quỳ, đường lên cầu Thanh Trì…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng, mặc dù công tác chuẩn bị tại 9 cụm thi đã cơ bản hoàn tất song các đơn vị phải coi trọng việc tổ chức ứng trực thường xuyên trước và trong 4 ngày thi, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ theo phương châm "4 tại chỗ": Chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Hai lực lượng được giao nhiệm vụ ứng trực và sẵn sàng phương án ứng phó trong các ngày thi là BCĐ phòng chống thiên tai và BCĐ tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong mọi tình huống, bảo đảm các mục tiêu của kỳ thi.

Thí sinh được 3/10 điểm là đạt yêu cầu tốt nghiệp

(HNM) - Ngày 23-6, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có hơn 1 triệu thí sinh dự thi, trong đó 27,8% dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, 59% dự thi vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ và 13,2% thí sinh tự do chỉ thi ĐH.

Sau thời gian công bố đề thi minh họa và phân tích ý kiến đóng góp, Bộ GD-ĐT đã có sự căn chỉnh đề thi chính thức cho phù hợp. Cụ thể, đề thi THPT quốc gia năm 2015 có khoảng 60% câu hỏi nằm trong phạm vi kiến thức, kỹ năng cơ bản để xét công nhận tốt nghiệp, 40% câu hỏi mang tính phân hóa cao để lựa chọn những thí sinh có năng lực vào ĐH, CĐ. Thí sinh chỉ cần làm được 50% nội dung câu hỏi cơ bản, tức 3/10 điểm là đạt yêu cầu tốt nghiệp. Khi xét điểm tốt nghiệp, thí sinh được cộng điểm quá trình học tập.

Khánh Vũ

Thống Nhất