Song hành trưng cầu ý dân với cơ chế giám sát

Chính trị - Ngày đăng : 06:03, 24/06/2015

(HNM) - Thu hút ý kiến nhân dân đóng góp về những vấn đề hệ trọng của đất nước một cách bài bản, thực chất là bài toán khó Quốc hội

Tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 23-6 về dự thảo mới nhất, một số đại biểu cho rằng, quy trình tập hợp ý dân vừa chung chung vừa nặng nề, rất khó thực hiện, lại thiếu cơ chế giám sát hiệu quả.


Nhiều vấn đề cần làm rõ

Trước đó, kết quả thảo luận ở tổ cũng ghi nhận không ít ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Nhận xét chung, một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật còn một số điểm chưa đáp ứng được mong muốn của dân; có ý kiến đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa trưng cầu dân ý và lấy ý kiến nhân dân. Khi có Luật Trưng cầu ý dân thì có còn hình thức lấy ý kiến nhân dân không? Bên cạnh đó, phải làm rõ phạm vi của việc trưng cầu ý kiến nhân dân có giá trị trên toàn quốc hay ở địa phương và hiệu lực thế nào, có giá trị bắt buộc hay chỉ mang tính tham khảo? Đồng thời, có ĐB còn đề nghị thiết kế một chương riêng về việc đưa ra dân phúc quyết toàn bộ Hiến pháp, không nên trưng cầu từng điều khoản.

Về những vấn đề trên, ban soạn thảo cho hay, Khoản 4 Điều 120 của Hiến pháp quy định: "Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định". Như vậy, có thể hiểu là trưng cầu ý dân về một hoặc một số vấn đề về Hiến pháp hoặc về toàn văn Hiến pháp sẽ do Quốc hội xem xét, cân nhắc, không nên có quy định riêng về phúc quyết Hiến pháp.

Với những vấn đề cụ thể ĐBQH đề nghị cần trưng cầu ý dân, tiêu biểu là tăng thuế, kết hôn đồng giới, vấn đề lãnh thổ, quyết định tham gia các tổ chức quốc tế, liên minh quân sự, các điều ước quốc tế liên quan nhân quyền, Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, để bảo đảm tuổi thọ của luật, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân nên gắn với yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định phương án cuối cùng.

Đánh giá cao những lập luận trên nhưng theo ĐB Trần Hồng Thắm (Đoàn Cần Thơ), trưng cầu ý dân đã được quy định trong Hiến pháp 1946, tới nay chưa thực hiện được. Vì vậy, nên tạo điều kiện cho người dân phát huy quyền dân chủ của mình thể hiện sự trọng dân, tin dân qua cơ chế dân chủ trực tiếp.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Văn Lai (Đoàn Quảng Nam), ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Đoàn Bình Thuận) khẳng định, có luật là bước tiến dài trong quá trình thực thi Hiến pháp. Đây là bước tiến bộ lớn, thỏa mãn sự mong đợi của nhân dân, phù hợp với thế giới.

Song theo dự thảo luật, người dân không có quyền gì khác ngoài đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu với tư cách cử tri. Người dân không có quyền trình bày nguyện vọng của mình để trưng cầu ý dân đến cơ quan đại diện quyền lực cho mình, mặc dù nguyện vọng ấy là hoàn toàn chính đáng. Cũng chưa thấy các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tập hợp ý kiến của nhân dân về nội dung và mục đích trưng cầu ý dân. "Chừng nào chưa giải quyết được ẩn số này, người ta có quyền đặt câu hỏi: Luật này ra đời để làm gì?" - ĐB Đỗ Ngọc Niễn đặt câu hỏi và đề nghị bổ sung: Công dân Việt Nam có quyền đưa ra sáng kiến về nội dung và phạm vi trưng cầu ý dân; giám sát việc tập hợp ý kiến nguyện vọng của nhân dân một cách công khai, minh bạch.

Ý dân có vai trò quyết định

Ở khía cạnh khác, việc xây dựng luật này cũng như nhiều luật khác là dần nâng cao trách nhiệm của nhân dân - đó là quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh). ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích, trưng cầu ý dân nghĩa là ý dân quyết định, đây là quan điểm phù hợp với tư tưởng xây dựng xã hội dân chủ, lấy dân làm gốc. Do đó, quan điểm trọng dân, tin dân phải được quán triệt xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật này. Luật phải thể hiện niềm tin của Quốc hội vào nhân dân. Khi ý kiến của người dân được lắng nghe thì mọi người sẽ quan tâm, tham gia nhiều hơn đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Cứ như thế thì vai trò và trách nhiệm của nhân dân sẽ cao hơn.

Với phạm vi trưng cầu ý dân, ĐB Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) và nhiều ý kiến phát biểu cũng đồng tình với quy định trong dự thảo về phạm vi trưng cầu ý dân phải ở tầm quốc gia, còn địa phương thì lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Cũng theo ĐB Trần Ngọc Vinh, Hiến pháp đã giao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền giám sát, phản biện, đại diện nhân dân thì cũng nên giao quyền đề nghị trưng cầu ý dân cho Đoàn Chủ tịch. Vì qua nhiều kênh, Mặt trận có thể nắm bắt nguyện vọng của nhân dân.

Tuy nhiên, một số ĐBQH có quan điểm, không chỉ Mặt trận, HĐND cũng đóng vai trò quan trọng trong trưng cầu ý dân. ĐB Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Điều 113 Hiến pháp ghi rõ: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương theo luật định và giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương. Nhưng theo dự luật, HĐND hầu như đứng ngoài cuộc trong quá trình trưng cầu ý dân.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị riêng việc thành lập, phân công cơ quan giúp việc ở địa phương, cũng như thành lập các tổ trưng cầu ý dân và giám sát thực hiện cần giao cho HĐND các cấp triển khai mới tương xứng với vai trò đại diện cử tri và nhân dân địa phương của HĐND. Cũng cần bổ sung quy định công dân Việt Nam đang học tập, công tác, lao động ở nước ngoài tham gia bỏ phiếu; quyền của người đang bị tạm giữ, tạm giam tham gia bỏ phiếu để hoàn thiện dự luật hơn nữa.

ĐB Phạm Trường Dân (Đoàn Quảng Nam):
Cần bổ sung quyền của Thủ tướng trong trưng cầu ý dân

Tôi nhất trí với phương án hai của dự thảo luật là ngoài Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Đồng thời, bổ sung quyền của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc trưng cầu ý dân. Vì chủ thể Thủ tướng thể hiện vai trò người đứng đầu của cơ quan hành pháp; Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện vai trò của Mặt trận trong việc tập hợp các tổ chức chính trị - xã hội thuộc thành viên của Mặt trận tham gia kiến nghị.

Hà Phong