Bài cuối: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế
Chính trị - Ngày đăng : 05:59, 24/06/2015
- Chương trình 03 đã đặt mục tiêu thay đổi về chất kinh tế Thủ đô, trong đó chú trọng phát triển kinh tế tri thức ở các ngành, lĩnh vực, nhất là tăng sản phẩm sử dụng kỹ thuật công nghệ, hàm lượng “chất xám” cao. Thực hiện mục tiêu ấy trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới, vậy yếu tố nào để Hà Nội tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thế Thảo: Trong những năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, lãi suất tín dụng ở mức cao tác động tiêu cực đến đầu tư, sản xuất kinh doanh; tồn kho hàng hóa và bất động sản lớn... là sự thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong khó khăn, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đoàn kết, thống nhất, thể hiện quyết tâm rất cao. Ngay sau khi Thành ủy ban hành Chương trình công tác số 03, BCĐ Chương trình đã xây dựng Quy chế hoạt động và thành lập Tổ công tác giúp việc; UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch để tổ chức triển khai, trong đó nhấn mạnh và cụ thể hóa 3 nhiệm vụ, 6 giải pháp trọng tâm, phân công rõ trách nhiệm và thời hạn hoàn thành đối với từng công việc cụ thể; đồng thời thường xuyên rà soát, kiểm tra tiến độ. Có thể nói, thành phố đã phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tăng cường hợp tác, liên kết cùng phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm, trong khu vực và quốc tế. Vì thế, 5 năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục có bước phát triển vững chắc. Tổng sản phẩm trên địa bàn có mức tăng trưởng khá, bình quân 5 năm 2011-2015 dự kiến tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế cả nước có nhiều khó khăn. Quy mô GRDP năm 2015 theo giá hiện hành đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân đầu người đạt kế hoạch với khoảng 3.600 USD, gấp 1,8 lần so với năm 2010. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá hàng tiêu dùng giảm nhanh từ 17,1% năm 2011 xuống còn khoảng 6,3% vào năm 2015.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt kế hoạch đặt ra, đó là tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Lĩnh vực thương mại được chú trọng phát triển, hạ tầng thương mại được đầu tư. Hà Nội hiện đang là địa phương đi đầu, tiên phong trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử. Năm 2014, Hà Nội được xếp vị trí thứ nhất so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử nói chung. Ngành du lịch tiếp tục được đầu tư phát triển, giá trị gia tăng chiếm 3,2% GRDP, tăng bình quân hằng năm là 11%. Hà Nội duy trì là điểm đến của khách du lịch và là trung tâm của khu vực đồng bằng sông Hồng, được bình chọn là điểm đến hấp dẫn thứ 5 trong top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu Châu Á. Khoa học - công nghệ tiếp tục được chú trọng, thành phố đã tích cực hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm, làng nghề truyền thống. Giai đoạn 2011-2014 đã triển khai 426 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ; tỷ lệ ứng dụng vào thực tiễn đạt 70% đối với các đề tài và 100% với các đề án. Lĩnh vực thông tin, truyền thông được quan tâm; đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2013 của Bộ TT-TT, Hà Nội xếp thứ 2 (tăng 17 bậc so với năm 2011). Cùng với đó công tác bảo đảm an sinh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được thực hiện hiệu quả cũng là nhân tố tích cực giúp Thủ đô tăng trưởng bền vững.
- Đề nghị đồng chí cho biết những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các kế hoạch, đề án của Chương trình 03?
Đồng chí Nguyễn Thế Thảo: Nhân tố quan trọng quyết định thành công của Chương trình chính là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Thành ủy và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, giữa cấp ủy Đảng và chính quyền trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Chương trình 03 đã chủ động phối hợp hiệu quả với các ban chỉ đạo chương trình công tác khác của Thành ủy để bảo đảm sự phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội của Thủ đô. Thành phố cũng bám sát thực tiễn, dự báo đúng tình hình và những vấn đề lớn phát sinh, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản biện để kịp thời điều chỉnh nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp yêu cầu trong quá trình triển khai các đề án, chương trình nhánh….
Gần 5 năm qua, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp... là nét căn bản giúp hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của chương trình. Trong đó, thành phố đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, sử dụng ngân sách tuân thủ theo định hướng nâng cao hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách nhà nước. Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng và ban hành Kế hoạch trung hạn vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2013-2015, để bảo đảm nguyên tắc đầu tư tập trung, không dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn cao, đồng thời xác định các lĩnh vực trọng tâm đầu tư.
Thành phố đã thực hiện tái cơ cấu đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó danh mục dự án và thứ tự ưu tiên đầu tư giai đoạn 2013-2015 được xác định theo nguyên tắc: Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của thành phố và của các ngành, địa phương.
Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu các tổng công ty, hoàn thiện mô hình công ty mẹ - công ty con. Đến hết tháng 5-2015, thành phố đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới 52 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 42 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề.
Ngoài ra, phải kể đến việc thành phố rất quan tâm củng cố và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại làm nền tảng cho phát triển bền vững. Thành phố đã tích cực chỉ đạo xây dựng cụ thể hóa các cơ chế, chính sách được quy định tại Luật Thủ đô với 11 cơ chế, chính sách đã được ban hành triển khai thực hiện trên địa bàn. Công tác cải cách hành chính cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành của tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Mỗi năm, thành phố đều xác định nội dung trọng tâm để chỉ đạo điều hành như năm 2012 được xác định là “năm quy hoạch”, năm 2013 là “năm kỷ cương hành chính”, năm 2014 và 2015 là “năm trật tự và văn minh đô thị”. Thành phố đã quan tâm cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Đến nay, 100% sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã thực hiện giải quyết TTHC thông qua cơ chế “một cửa”, 91% số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp được thực hiện thông qua cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Thành phố đã có chỉ đạo quyết liệt để tạo sự chuyển biến sâu sắc về tăng cường kỷ cương hành chính, xây dựng lề lối, tác phong làm việc và nếp sống văn minh công sở. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả giải quyết công vụ. Đến nay, 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và hơn 33% số xã, phường, thị trấn đã cài đặt phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp trên môi trường mạng.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, xin đồng chí cho biết những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô trong thời gian tới?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Ảnh: Internet |
Đồng chí Nguyễn Thế Thảo: Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Thủ đô đạt mức khá trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về kinh tế (tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, xuất khẩu, tăng thu ngân sách bình quân) dự báo không đạt kế hoạch 5 năm đã đề ra. Thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta thấy, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn. Thị trường bất động sản tuy có chuyển biến, song tồn kho còn cao trong khi nhu cầu của một bộ phận nhân dân quan tâm đến nhà ở thu nhập thấp vẫn chưa được đáp ứng. Công tác quy hoạch tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quản lý đô thị còn bất cập, bên cạnh các đô thị hiện đại còn nhiều khu, tuyến phố xuống cấp, thiếu đồng bộ. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định; khiếu kiện, nhất là liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều.
Những hạn chế cơ bản trên sẽ được thảo luận, phân tích cả nguyên nhân chủ quan và khách quan tại hội nghị tổng kết Chương trình 03. Trước mắt, có thể nêu một số nét căn bản trong chỉ đạo, điều hành thời gian tới. Cụ thể, thành phố sẽ quyết liệt trong lãnh đạo, quản lý, điều hành các ngành, lĩnh vực; tăng cường công tác cảnh báo, dự báo thị trường, chiến lược đầu tư. Thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong nước và khu vực; chú trọng phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch, tập trung nhóm ngành có thế mạnh như cơ khí, điện tử, dệt may - da giày, chế biến thực phẩm và đồ uống. Đồng thời, thành phố cũng đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm; tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, quỹ đất. Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quan tâm công tác an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!