Phó Thống đốc: Lãi suất sẽ ổn định như hiện nay
Tài chính - Ngày đăng : 11:28, 23/06/2015
Sáng 23/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015. Chủ trì buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng-Phó Thống đốc NHNN đã trả lời các câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề lãi suất, tỷ giá.
-Thưa bà, thời gian gần đây, một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động VND. Nguyên nhân do đâu?
- Như báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm NHNN đã công bố, mặt bằng lãi suất 6 tháng qua tiếp tục giảm 0,2-0,5 vẫn giảm so với cuối năm trước. Trong đó lãi suất huy động giảm 0,2-0,5%, chủ yếu ở các kỳ hạn dài hơn 6 tháng, tạo điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay giảm khoảng 0,2-0,3%/năm, hiện phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đố với trung và dài hạn.
Qua nắm bắt, chúng tôi biết một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Trước đây, một số ngân hàng này có lợi thế về quy mô huy động vốn nên để lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng thấp hơn nhiều so với trần lãi suất như quy định, vì thế nay họ nâng lãi suất tăng trở lại để tương ứng với mức của các ngân hàng khác. Việc tăng lãi suất không phải là xu hướng phổ biến.
Với lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng, qua theo dõi cho thấy, mặt bằng của lãi suất các kỳ hạn này vẫn tương đối ổn định.
-Vậy, việc NHNN hút mạnh tiền về có phải là nguyên nhân?
-Việc NHNN điều tiết lượng thanh khoản hàng ngày chủ yếu tác động trên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ngân hàng, còn lãi suất huy động, cho vay phụ thuộc vào vốn của tổ chức tín dụng (TCTD), do cung-cầu trên thị trường.
NHNN theo dõi sát diễn biến trên thị trường liên ngân hàng để điều tiết cho phù hợp mục tiêu NHNN đề ra từ đầu năm. Xét trong tương quan điều hành tiền tệ và tỷ giá, NHNN bơm hút tiền linh hoạt để đưa lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ và tỷ giá. Không chỉ NHNN điều tiết thanh khoản cho hệ hệ thông mà còn phối hợp chặt với Bộ Tài chính để phát hành trái phiếu chính phủ.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng |
- Liệu mặt bằng lãi suất thời gian tới có tăng, thưa bà?
-Ngay từ đầu năm, NHNN đã đã xác định điều hành lãi suất cơ bản ổn định. Đến nay tình hình kinh tế vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực, tăng trưởng kinh tế khá tốt, lạm phát cả năm dự báo thấp. Với các yếu tố trên, về cơ bản lãi suất sẽ ổn định như hiện nay. Lãi suất của TCTD phụ thuộc vào cung-cầu vốn trên thị trường. Thời gian qua, tín dụng tăng khá nhanh, NHNN sẽ điều hành bơm hút tiền kịp thời, sẵn sàng tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho TCTD nhưng về tổng thể phải đạt mục tiêu chính sách tiền tệ như NHNN sẽ đề ra đầu năm.
-Những tháng đầu năm, tín dụng bất động sản tăng mạnh, điều này có đáng lo ngại không, thưa bà?
-Số liệu NHNN theo dõi cho thấy, đến cuối tháng 5 tín dụng bất động sản tăng 10,89%, chỉ chiếm tỷ trọng 8,3% trong khi đó 5 tháng cùng kỳ năm trước tăng 7,96%. Tín dụng bất động sản chủ yếu vào xây dựng, hoàn thiện các khu xây dựng nhà ở để bán và cho thuê, chứ không phải kinh doanh. Tín dụng bất động sản tăng góp phần tiêu thụ mặt hàng tồn kho, tạo dòng tiền cho nền kinh tế. Như vậy, tín dụng bất động sản tăng khá mạnh nhưng không đột biến. Nói như vậy không có nghĩa là NHNN chủ quan với diễn biến này. Cũng ngay từ đầu năm, NHNN đã định rõ điều hành tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu qua. Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể đối với các TCTD hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh chủ trương về điều hành tín dụng, sự ra đời của Thông tư 36 là khuôn khổ pháp lý bổ sung một số quy định bảo đảm hoạt động ngânhàng chặt chẽ, đòi hỏi các TCTD phải có quy trình kiểm soát rủi ro tín dụng, thanh khoản. Với quy định như vậy, các TCTD mở rộng tín dụng đã và đang thực hiện theo quy định đề ra.
-Xin bà cho biết định hướng điều hành tỷ giá của NHNN trong những tháng tới?
- Ngay từ đầu năm, Thống đốc đã đề ra định hướng điều hành tỷ giá tăng tối đa không quá 2%. Định hướng này được đánh giá, phân tích trên cơ sở tổng hợp kinh tế vĩ mô, các bộ, ngành, xu hướng và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
3 tháng đầu năm, tỷ giá ổn định, tâm lý thị trường giải tỏa, mặt bằng tỷ giá ổn định trong biên độ kiểm soát sau khi NHNN điều chỉnh 1% vào tháng 1. Tuy nhiên, diễn biến giá đồng USD trên thị trường quốc tế tăng lên, có nhiều tâm lý kỳ vọng giá USD thế giới tăng khi thông tin FED có thể tăng lãi suất vào tháng 6 đã gây áp lực tăng giá USD trong nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng chưa rõ khi nào FED sẽ nâng lãi suất.
Không có nước nào trên thế giới có công thức chính xác về tỷ giá bởi tỷ giá là biến số như biến số kinh tế vĩ mô vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, các yêu tố này tác động đan xen, có yếu tố triệt tiêu nhau.
NHNN điều hành tỷ giá đứng trên mục tiêu tổng thể, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và không chủ quan. Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm.
-Một số chuyên gia nhận định nên tiếp tục phá giá VND trong bối cảnh hiện nay. Từ năm sau, NHNN nên chọn cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, bà nghĩ sao?
-Cuối tháng 5 vừa qua, NHNN đã đưa ra các lý do tiếp tục định hướng cả năm 2015 sẽ điều hành trong phạm vi biên độ 2% như đã định hướng đề ra từ đầu năm.
Đó là:
Thứ nhất, việc phá giá ở mức cao sẽ mang lại lợi ích cho những nhà xuất khẩu, nhưng đối với những ngành sản xuất hàng xuất khẩu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài sẽ chịu tác động bất lợi khi giá nhập khẩu đầu vào tính bằng đồng nội tệ gia tăng.
Thứ hai, với tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam hiện nay lên tới trên 80% GDP, phản ánh sản xuất của nước ta phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu thì rõ ràng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu (theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khoảng 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất và chỉ có 10% là hàng tiêu dùng).
Thứ ba, nếu NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá vượt biên độ định hướng đề ra sẽ làm gia tăng nghĩa vụ nợ nước ngoài của Chính phủ, ảnh hưởng tới việc kiểm soát nợ công khi đang ở sát ngưỡng 65% GDP. Ngoài ra, đối với các khoản nợ doanh nghiệp cũng sẽ bị tăng nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Thứ tư, về lạm phát, mặc dù mức lạm phát hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên không thể chủ quan tới lạm phát khi giá dầu tăng trở lại (giá dầu tăng trở lại ở mức trên 60 USD/thùng, cao hơn mức 47 USD/thùng vào tháng 1/2015), chưa kể lạm phát còn chịu tác động trễ của CSTT hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua, cũng như xu hướng đang tăng trở lại của tín dụng đối với nền kinh tế.
Thứ năm, tỷ giá được NHNN điều chỉnh tăng liên tục trong những năm qua (ngay cả thời gian đồng USD giảm giá, thì tỷ giá của VND/USD vẫn luôn được điều chỉnh tăng), mức điều chỉnh cao nhất là năm 2011 (tăng 9,3%), sau đó mỗi năm tăng từ 1-2%/năm. Bởi vậy VND không còn bị đánh giá quá cao như thời gian trước đây. Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia IMF trong thời gian qua cũng cho thấy tỷ giá VND/USD hiện đang trong vùng phù hợp.
Về việc lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, xuất phát từ lịch sử, tỷ giá biến động khôn lường, trên cơ sở đánh giá tổng kết những biến động, nguyên nhân trong lịch sử, tỷ giá biến động làm NHNN bị động, khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ nên NHNN đã lựa chọn cách điều hành những năm qua là đầu năm định hướng biên độ, thực hiện theo định hướng này. Kết quả cho thấy những định hướng đề ra từ đầu năm đã có hiệu quả.
Về cơ chế điều hành thời gian tới, phải thường xuyên đánh giá, tổng kết cách thức điều hành xem những gì được thì phát huy. Hiện nay mới là thời điểm giữa năm, chúng tôi chưa thể định hướng điều hành ngắn hạn trong năm 2016, phải đến cuối 2015 chúng tôi mới đánh giá tổng kết và đưa ra định hướng điều hành cho năm 2016.