Giao cho tòa cấp huyện hay cấp tỉnh?
Chính trị - Ngày đăng : 11:25, 23/06/2015
Theo các đại biểu, Luật tố tụng hành chính thông qua năm 2010 nhưng qua thực hiện đã bộc lộ rất nhiều bất cập, do đó cần phải được sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp 2013 và lộ trình cải cách tư pháp.
Về phân định thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, nhiều đại biểu đề nghị việc sửa đổi quy định này phải quán triệt Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính; đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án. Do đó, nếu quy định như dự thảo, rút thẩm quyền xét xử án hành chính từ cấp huyện lên cấp tỉnh là đi ngược lại quan điểm về cải cách tư pháp vì thu hẹp thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện.
Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh chúng ta đang quyết tâm xây dựng ngành Tòa án ngày càng lớn mạnh, nâng cao chất lượng xét xử của đội ngũ thẩm phán thì việc giao cho Tòa án cấp huyện giải quyết các khiếu kiện hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là hoàn toàn hợp lý; tạo điều kiện để đội ngũ thẩm phán phát huy hết năng lực, tài năng, đạo đức của mình để bảo vệ công lý. Mặt khác, nếu giao Tòa án cấp tỉnh giải quyết các khiếu kiện hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì sẽ dẫn đến án xét xử phúc thẩm dồn lên trên rất nhiều, liệu rằng có khả thi?
“Một trong những lý do được đưa ra để tăng giao thẩm quyền cho tòa án cấp tỉnh trong xử lý các khiếu kiện hành chính của UBND cấp huyện là để đảm bảo tính độc lập là không có cơ sở. Tôi khẳng định chưa bao giờ tòa án độc lập như bây giờ vì hiện chúng ta đã giao cho TAND tối cao quản lý toàn bộ các mặt nên không thể nói là sẽ phụ thuộc vào địa phương, không thể nói là tòa án cấp huyện không độc lập. Nếu chúng ta đưa ra quyết định như vậy thì tạo điều kiện cho tòa án nhưng lại gây khó khăn cho người dân”, đại biểu Phạm Xuân Thường – Thái Bình nói.
“Nếu chúng ta quy định việc này không khéo sẽ không nâng được vai trò của tòa án cấp huyện theo tinh thần cải cách tư pháp, trong khi nguyên tắc giải quyết của tòa án là tuân theo pháp luật, không phụ thuộc vào các bên”, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại – Bạc Liêu nói.
Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác, các đại biểu Đỗ Văn Đương – TP Hồ Chí Minh, Ngô Văn Minh – Quảng Nam cho rằng, không thể phủ nhận, tư pháp càng độc lập với hành pháp bao nhiêu càng tốt, nhất là với án hành chính. Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính khiến án hành chính bị hủy nhiều không phải do trình độ mà là do ngại va chạm với các cơ quan hành chính.
“Nếu chúng ta nói thẩm phán cấp huyện chịu áp lực từ chính quyền thì cũng đúng, nhưng cấp tỉnh cũng chịu áp lực. Chúng ta đã đổi mới, tháo gỡ việc này bằng cách đưa các quyết định của UBND cấp huyện lên cho tòa án cấp tỉnh xử cho đỡ vướng víu. Án hành chính này không nhiều nên tôi ủng hộ việc dịch chuyển, đồng thời khi dịch chuyển thẩm quyền xét xử thì cũng phải dịch chuyển cả thẩm quyền thi hành án cho đồng bộ”, đại biểu Đương nói.
“Tôi ủng hộ việc mở rộng thẩm quyền cho tòa án cấp tỉnh, quyết định hành chính của UBND cấp huyện do tòa cấp tỉnh xử, của cấp tỉnh do toàn án cấp cao hơn xử. Chúng ta không sợ dân phải đi xa hay quy định như vậy là xa dân, nếu vì dân phải đi xa hơn một chút để công lý được khách quan hơn, để độ an toàn pháp lý là có thật thì cũng nên động viên dân”, đại biểu Minh nói.
Đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh |
Ngoài ra, các đại biểu cũng tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính tại Điều 27. Theo các đại biểu, sự có mặt của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính sẽ giúp cho đương sự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đồng thời giúp Tòa án giải quyết vụ án nghiêm minh, đúng pháp luật.
“Vị trí, địa vị pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính theo tôi là điều không cần phải tranh luận vì đã được hiến định trong Hiến pháp. Việc Viện kiểm sát tham gia tố tụng hành chính là để kiểm sát việc tuân thủ pháp luật, tính hợp hiến, hợp pháp của các quyết định hành chính”, đại biểu Trần Tiến Dũng – Hà Tĩnh nói.
Đáng chú ý, các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc việc không đưa các khiếu kiện về quyết định hành chính của cơ quan, tổ chức ra xét xử tại tòa án các cấp. Theo các đại biểu, việc giao thẩm quyền cho tòa án trong xét xử các khiếu kiện với các quyết định hành chính nội bộ sẽ đảm bảo sự công bằng hơn vì tòa án bằng các thủ tục minh bạch, công khai sẽ đảm bảo quyền lợi các bên, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của công dân.
“Nếu chúng ta giao cho cơ quan xử các khiếu kiện của công chức thì không khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vừa rồi, chúng ta cũng đã ủng hộ quy định tòa án không có quyền từ chối khiếu kiện của người dân. Nếu vì lý do chúng ta giao cho tòa án mà lo ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan là không có cơ sở, việc giao cho tòa án xử lý các vụ việc này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan”, đại biểu Trần Văn Độ - An Giang nói.
Chung quan điểm, đại biểu Phương Thị Thanh – Bắc Kạn cũng cho rằng, thực tế nhiều quyết định mang tính chất nội bộ của cơ quan, tổ chức nhưng lại liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân. Nhiều trường hợp quyền của công chức bị vi phạm nhưng không có quy định về khởi kiện nên gây khiếu kiện kéo dài. Vì vậy, Ban soạn thảo cần lựa chọn, đưa một số quyết định của cơ quan tổ chức mang tính chất nội bộ vào quy định trong luật để người lao động có thể khởi kiện.
Tán thành việc giao cho tòa án xử lý một số khiếu kiện về quyết định hành chính nội bộ của cơ quan, tổ chức, đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh lưu ý, điểm khác nhau giữa tố tụng hành chính và dân sự là bên đi kiện là người yếu thế, bên bị kiện có quyền lực trong tay. Đối tượng bị dân kiện theo luật này chính là hệ thống hành chính nhà nước, cơ quan hành pháp. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhóm đối tượng là những người trong bộ máy công chức bị đuổi việc, thôi việc. Theo quy định, khi bị đuổi việc, thôi việc, công chức phải kiện ra tòa lao động, nhưng luật tố tụng hành chính cũng có thể mở rộng xem xét đến quyền lợi của đối tượng này chỉ trong trường hợp bị đuổi việc, thôi việc mà thôi.