Có nên hành chính hóa?
Đời sống - Ngày đăng : 06:36, 23/06/2015
"
Một dạo, dư luận, báo chí "rộ" lên những địa chỉ quán ăn tại Hà Nội nổi tiếng bởi những lời nói thô tục, bậy bạ. Hầu hết đều phê phán thái độ giao tiếp và cách phục vụ của người bán hàng không phù hợp với chuẩn mực xã hội, coi thường "thượng đế" bằng những lời nói khó nghe. Tuy nhiên, thay vì sự góp ý thẳng thắn hay lớn hơn là sự tẩy chay những người thiếu tôn trọng khách hàng để họ có cơ hội nhìn nhận lại bản thân và sửa chữa hành vi cho phù hợp thì ngược lại nhiều thực khách vẫn lui tới hàng quán đó với tâm lý chỉ cần được thưởng thức món ngon, không quan tâm đến việc mình bị đối xử thiếu văn hóa. Khi chấp nhận hành vi sai quy tắc chuẩn mực nào đó, tức là đã để hành vi đó mặc nhiên tồn tại, thành thói quen khó sửa bỏ. Nguy hiểm hơn, khi người lớn có thói quen nói tục, chửi bậy thì đối tượng thụ hưởng gần nhất sẽ là trẻ nhỏ. Trẻ tiếp thu nhanh và lặp lại cũng nhanh, vô hình trung, chính người lớn lại dạy thói quen xấu, ảnh hưởng nhiều đến nhân cách khi trẻ trưởng thành.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (Giảng viên Trường ĐH Thăng Long): Khi chuẩn mực văn hóa bị lệch lạc
Nhớ hồi còn đi học, những bạn hiền lành, ngoan ngoãn thường bị chê bai và trêu chọc là "tẩm", "đụt", "gà gô" không biết gì. Người biết gì phải thể hiện mình khá mạnh dạn trong giao tiếp, ăn nói bỗ bã, nếu có nói tục, chửi bậy thì được xem như sự nổi trội, có cá tính. Một số đông đã không phân biệt được chuẩn mực văn hóa tốt, xấu mà lại có hành động tán dương, hưởng ứng lời nói tục, chửi bậy. A dua theo tâm lý đám đông, tự lúc nào, họ cũng nói tục chửi bậy mà không biết ngượng. Để trẻ phân biệt được đúng sai, rất cần có sự giáo dục kỹ lưỡng ngay từ khi bé tại các môi trường trẻ được tiếp xúc như gia đình, nhà trường, xã hội mà trong đó bố mẹ, người thân, thầy cô giáo phải là người trực tiếp làm gương cho trẻ noi theo. Khi đã có nền tảng giáo dục kỹ lưỡng, trẻ sẽ khẳng định giá trị bản lĩnh của mình bằng cách dám nói "không" với hành vi, lời nói không đúng chuẩn mực.
Ông Nguyễn Công Hồng (phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân): Xử lý thế nào khi chưa có quy định?
Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và Nghị quyết 08/2014/NQ-HĐND của TP Hà Nội quy định mức phạt một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa tại Hà Nội gấp 2 lần mức phạt chung đều không có điều khoản nào xử phạt hành vi nói tục, chửi bậy. Cả trong các luật khác cũng chỉ có quy định về gây rối trật tự công cộng chứ chưa có quy định về nói bậy và chửi bậy. Vậy căn cứ vào đâu để thực hiện khi quy tắc ứng xử chưa phải là văn bản quy phạm hành chính bắt buộc? Chắc sẽ phải nghiên cứu xác định cụ thể giá trị đạo đức nào mang tính quy chuẩn, ngôn ngữ hành vi đến mức nào thì bị phê phán… mới có cơ sở phân biệt, đánh giá. Còn chỉ nêu ra các khái niệm chung chung mang tính ước lệ hình thức thì sẽ khó khả thi.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp): Khó thực hiện bằng giải pháp hành chính
Nói tục, chửi bậy là phản ánh về mặt văn hóa, đạo đức xã hội. Nếu ở một xã hội văn minh, văn hóa thì chắc chắn nói tục và nói bậy không có cơ hội tồn tại. Về mặt ý tưởng, yêu cầu tìm biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng là tốt, nhưng để xây dựng thành Bộ quy tắc ứng xử thì khó khả thi. Nếu xem xét để đưa ra quy định, chế tài xử lý thì phải có đối tượng điều chỉnh và người giám sát thực hiện, kinh phí triển khai cũng là vấn đề đáng bàn. Luật là những quy định hành chính bắt buộc. Nhưng cao hơn luật là văn hóa ứng xử. Những thứ đã được phát triển lên cấp độ văn hóa tạo thành thói quen và ý thức của con người. Luật Giao thông đường bộ đã có từ nhiều năm nay, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng đã đi vào cuộc sống với nhiều chế tài, nhiều mức xử phạt nhưng nét văn hóa giao thông vẫn đang phải kêu gọi rất nhiều vào ý thức của người dân, cũng như hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn tràn lan mà không bị xử lý?
Để nói bậy không còn đất sống cần phải giáo dục từ bé để mọi người, mọi nhà nhận ra đó là hành vi thiếu văn hóa và loại bỏ dần dần ra khỏi đời sống xã hội. Cần nêu các tấm gương, hình ảnh tốt về giao tiếp ứng xử để ngôn ngữ phát triển thành văn hóa chứ không cần việc gì cũng hành chính hóa cứng nhắc.