Bài 2: Sức mạnh của hệ thống chính trị là nguồn động lực quan trọng
Chính trị - Ngày đăng : 06:18, 23/06/2015
Thực hiện Chương trình 03 đã giúp các cấp ủy đảng có thêm kinh nghiệm và được nâng cao trình độ lãnh đạo phát triển kinh tế. Trong giai đoạn tiếp theo, việc xây dựng một chương trình có ý nghĩa kế thừa những giải pháp của Chương trình 03 là hết sức cần thiết.
Sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô bền vững. Ảnh: Khánh Nguyên |
1. Đầu quý I năm 2015, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã chọn chủ đề "Các biện pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố" giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và đại diện lãnh đạo các sở, ngành. Đây là một trong những nội dung chủ yếu của Chương trình 03 và là một trong nhiều hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế hằng năm. Tại các địa phương, cấp ủy từ quận, huyện, thị xã đến phường, xã, thị trấn đã chủ động xây dựng các chương trình, đề án nhằm lãnh đạo phát triển kinh tế. Đây đã trở thành bài học kinh nghiệm của cán bộ lãnh đạo địa phương. Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ từng chia sẻ: "Kinh nghiệm thực hiện những việc khó, việc phức tạp là nhất định phải tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị". Sự tham gia chủ động của cấp ủy các cấp vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế đã khắc phục những biểu hiện quan liêu, xa rời thực tế.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là một trong những yếu tố mang tính quyết định đem lại những thành tựu phát triển kinh tế của Thủ đô trong giai đoạn 2011-2015. Đơn cử như việc thu ngân sách, dù khó khăn, nhưng kết quả năm nào cũng đạt và vượt kế hoạch. 5 năm 2011-2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 714,5 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 7,1%/năm. Nhìn lại công việc quan trọng này mới thấy hết những khó khăn, bởi có những thời điểm tưởng chừng kết quả thu ngân sách không đạt yêu cầu, sẽ tác động đến đầu tư cho phát triển. Năm 2013 và cả năm 2014, ở thời điểm quý III, nguy cơ hụt thu ngân sách rất rõ. Nhưng với tinh thần thực hiện Chương trình 03, các cấp ủy đảng đã lãnh đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc thực thi nhiệm vụ này. Kết quả cả hai năm đều vượt kế hoạch và dự toán Chính phủ giao.
2. Thực hiện Chương trình 03, Ban cán sự đảng UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 6-3-2012, trong đó phân công cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương. Nhìn lại quá trình thực hiện, bên cạnh những kết quả nổi bật, góp phần thay đổi cả chất và lượng nền kinh tế Thủ đô (như đã đề cập trong bài 1 ra ngày 22-6), vẫn còn một số việc chưa hoàn thành, không ít mục tiêu chưa đạt được và có những việc lẽ ra phải làm sớm hơn, nhưng mới đang ở giai đoạn khởi động.
Kinh tế Thủ đô dù tăng trưởng không đạt như mục tiêu đề ra trong Chương trình 03, nhưng vẫn gấp 1,5 lần trung bình cả nước. Tuy nhiên, ngoài sự thiếu ổn định thì doanh nghiệp chủ yếu vẫn ở mức quy mô nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn còn cao, số thành lập mới còn hạn chế. Trong khi đó, các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề, một số khu, cụm công nghiệp là vấn đề bức xúc, chưa có giải pháp và vốn để xử lý dứt điểm. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại chưa yên tâm, rác thải còn tồn đọng tại các khu vực ngoại thành. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế nhìn chung còn thấp. Đó là chưa kể, hội nhập của nền kinh tế Thủ đô với thế giới, liên kết phát triển vùng hay hợp tác với các tỉnh, thành trên cả nước chưa đem lại hiệu quả cao. Những cuộc làm việc của lãnh đạo thành phố với các tỉnh, thành phố gần đây cho thấy, tiềm năng, khả năng hợp tác phát triển kinh tế giữa Hà Nội với các địa phương rất lớn, nhưng dường như vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Là địa phương có thế mạnh về khoa học, công nghệ, nhưng nhìn chung công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp tại Thủ đô còn lạc hậu so với thế giới và khu vực. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp vẫn đang sử dụng công nghệ đơn giản, tụt hậu so với các nước trong khu vực. Sản phẩm chất lượng thấp, kém chính xác, tính năng sử dụng nghèo nàn và giá trị gia tăng thấp. Các doanh nghiệp sản xuất vẫn phải chịu đựng mức hao tốn nguyên liệu, năng lượng và thời gian sản xuất cao, dẫn tới giảm năng lực cạnh tranh. Những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ mới thì hoặc là số lượng quá ít, hoặc là đầu tư còn dàn trải, thiếu đồng bộ. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố dù đem lại doanh thu không nhỏ, phần nào khẳng định được thương hiệu, có sức hút mạnh so với sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước, nhưng sản phẩm vẫn chưa có đột phá về giá trị, về hàm lượng chất xám. Nhìn vào danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa cho thấy tính thuyết phục.
3. Những hạn chế, tồn tại của nền kinh tế càng cho thấy sự cần thiết phải kéo dài việc thực hiện các giải pháp được đề ra trong Chương trình 03. Đó là các giải pháp hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng sự đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế. Kinh nghiệm thực hiện Chương trình 03 cho thấy, những cơ quan, đơn vị, địa phương nào tận dụng tốt sự lãnh đạo của cấp ủy, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị đều đạt những kết quả rất tích cực, đôi khi là đột phá về phát triển kinh tế.
Ở những huyện như Hoài Đức, Đan Phượng, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, những mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi đem lại thu nhập lên tới hàng tỷ đồng/năm cho nông dân. Có những địa phương ở huyện Hoài Đức đã trở thành "làng tỷ phú" nhờ chuyển đổi cây trồng, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh như xã Yên Sở, Đắc Sở với cây phật thủ là ví dụ.
Trong bối cảnh nền kinh tế Thủ đô đang gặp không ít khó khăn, thử thách, yêu cầu phát triển nhanh và bền vững vẫn được đặt ra hết sức gắt gao. Khi đó, sự tham gia của cấp ủy vào quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế là đòi hỏi tất yếu. Chỉ khi có sự lãnh đạo của cấp ủy, sức mạnh của hệ thống chính trị mới được phát huy. Sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị sẽ là nguồn động lực quan trọng hàng đầu giữ cho con tàu kinh tế đi đúng hướng và đến được những bến bờ thành công. Xây dựng một chương trình nhằm duy trì việc thực hiện các giải pháp của Chương trình 03 trong giai đoạn tiếp theo là nhu cầu từ thực tiễn không thể bỏ qua. Nên Chương trình 03 không chỉ dừng lại trong giai đoạn 2011-2015.