Cần ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm

Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 22/06/2015

(HNM) - Theo thống kê của Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão (PCLB) Hà Nội, hiện tại trên địa bàn huyện Thường Tín còn tồn tại 11 trường hợp tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng ven Sông Hồng.

Các điểm tập kết này sử dụng tổng diện tích 17,84ha, trong đó 10 trường hợp hoạt động không phép, 1 trường hợp có phép nhưng hoạt động sai phép. Các trường hợp này có diện tích chất tải và xây dựng công trình (cách chân đê từ 30 đến 400m) chiếm 26.377m2, trong đó các công trình nhà xây mái lợp fibrô xi măng, nhà cấp 4 và mái bằng 2 tầng có diện tích từ 12m2 đến 102m2. Riêng những trường hợp xây công trình, đổ đất ở khu vực hành lang bảo vệ đê, xẻ mái đê… vi phạm Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Thường Tín xảy ra ít. Năm 2014, toàn huyện chỉ có 5 trường hợp vi phạm dựng lều lán khung sắt, đổ đất san nền, đào móng nhà, bạt mái đê làm dốc thoải... chủ yếu tập trung ở khu vực K85+700 đến K88+600 đê hữu Hồng, thuộc địa phận xã Hồng Vân và Ninh Sở.

Đất thải đổ lên mái, cơ đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Ninh Sở đang được giải tỏa.



Tuy nhiên, trong hai tháng 4 và 5-2015, trên địa bàn các xã Ninh Sở, Hồng Vân, Chương Dương đã phát sinh tới 11 vụ vi phạm Luật Đê điều. Cụ thể: Tại K91+415 thượng lưu đê hữu Hồng, thuộc địa bàn xã Hồng Vân, trụ trì chùa Vân La Thượng đã cắt xẻ đê, chạch làm dốc với kích thước 13m x 5m. Khu vực K90+410, cách chân đê 16m; trường hợp ông Đặng Xuân Chiển (xã Hồng Vân) đào móng xây nhà tại bãi sông. Tại xã Chương Dương, khu vực K95+890 hạ lưu đê hữu Hồng, có trường hợp ông Đỗ Danh Triệu đã bạt mái, cơ đê, đổ gạch vỡ làm dốc lên xuống với kích thước dài 28m, rộng 3m, sâu 0,4m. Riêng địa bàn xã Ninh Sở có tới 8 trường hợp vi phạm với các hình thức: Dựng khung sắt, dựng xưởng sản xuất cách chân đê thượng lưu khoảng 11m, đào móng xây nhà, xây công trình phụ trong hành lang bảo vệ đê, xây mố cầu trong phạm vi bảo vệ kè Xâm Thị, đổ đất lên mái, cơ đê và xây móng tường…

Đặc biệt nghiêm trọng là ở khu vực thượng lưu đê hữu Hồng, từ K85+990 đến K87+015, thuộc địa bàn làng Xâm Dương (xã Ninh Sở) có trường hợp vi phạm đổ đất thải lên mặt, mái, cơ đê để san lấp mặt bằng với chiều dài 15m, rộng 3,5m, cao 0,7m. Ngay sau khi phát hiện vi phạm, Hạt Quản lý (HQL) đê Thường Tín đã phối hợp với UBND xã Ninh Sở, kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định tạm đình chỉ, ngày 31-3-2015. Nhưng, từ đầu tháng 4 đến trung tuần tháng 5-2015, HQL đê Thường Tín đã nhiều lần kiểm tra hiện trường vi phạm, cho thấy tình trạng đổ đất, san lấp mặt bằng vẫn tiếp diễn với khối lượng lớn (dài 180m, rộng 7-15m, cao trung bình 3m). Ngoài ra, phía bãi sông tại khu vực này còn được xây tường đá, tôn nền cao trung bình 1,2m… Trên cơ sở tiếp nhận báo cáo của Chi cục Đê điều & PCLB Hà Nội và kiểm tra thực tế, ngày 21-5-2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 926/SNN-ĐĐ, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện Thường Tín xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm Luật Đê điều thuộc địa bàn làng Xâm Dương, xã Ninh Sở. Đến thời điểm này, vi phạm đổ đất thải lên mặt, mái, cơ đê để san lấp mặt bằng ở làng Xâm Dương (gồm các thôn Xâm Dương 1, 2 và 3) đã ở mức độ nghiêm trọng với khối lượng rất lớn. Ngày 25-5, đại diện HQL đê Thường Tín, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế huyện Thường Tín phối hợp với UBND xã Ninh Sở kiểm tra vị trí vi phạm đê điều cho thấy: Từ K85+900 đến K85+990 (dài 90m), thuộc khu Rặng Gạo, thôn Đại Lộ, xã Ninh Sở có một số đối tượng đổ đất lên cơ đê, mặt mái đê, hiện đã san gạt xuống mái cơ đê, khối lượng đất đổ khoảng 2.700m3. Từ K86+00 đến K86+200, thuộc các thôn Xâm Dương 1, 2 và 3, các ông Phạm Văn Được, Phạm Văn Thuật, Nguyễn Văn Toan đã đổ đất trên mái đê, cơ đê, san gạt xuống mái cơ đê để san lấp các thùng, hố thuộc nghĩa trang chung của làng Xâm Dương. Đại diện các cơ quan chức năng huyện Thường Tín đã lập biên bản, đề nghị UBND xã Ninh Sở có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ vi phạm Luật Đê điều...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND xã Ninh Sở Đặng Văn Phùng cho biết: Trong đề án xây dựng nông thôn mới của xã, khu vực làng Xâm Dương có quy hoạch xây dựng sân thể thao, tôn tạo nghĩa trang chung của làng và phía trước Đền Lộ (thôn Đại Lộ) được quy hoạch đổ đất, tôn nền làm bãi để xe... Tuy nhiên, người dân đã thực hiện đổ đất khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương. Về nguồn gốc đất đổ vào các điểm ven đê đang được các cơ quan chức năng kiểm tra. UBND xã đã thiết lập hồ sơ vi phạm, tích cực đôn đốc khắc phục hậu quả, nên đến nay đã cơ bản giải tỏa được 60% vi phạm đổ đất thải lên mái, cơ đê khu vực làng Xâm Dương...

Đối với những trường hợp vi phạm đào móng xây tường, nhà, dựng lán xưởng, bạt mái đê, cơ đê làm dốc trên địa bàn các xã Ninh Sở, Hồng Vân và Chương Dương, lãnh đạo Phòng Kinh tế thừa nhận "rất khó khăn" để giải tỏa vi phạm, vì có nhiều trường hợp làm nhà trên đất thổ cư nằm trong hành lang bảo vệ đê, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Hiện đang vào mùa mưa bão, lũ, việc xẻ mái đê, đổ đất, phế thải lên mặt, mái, cơ đê với khối lượng lớn như hiện nay sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây sạt, trượt làm mất an toàn công trình đê điều, ảnh hưởng đến sự an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố đê điều... Việc xây dựng công trình, tôn nền bãi sông trong hành lang thoát lũ làm cản trở việc tiêu thoát lũ khu vực, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở bờ, bãi sông, mất an toàn công trình đê điều. Đặc biệt, lưu lượng xe vận tải chở đất cát qua lại hằng ngày trên đê nhiều cũng "góp phần" làm cho mặt đê hữu Hồng mặc dù đã được thảm nhựa, nhưng cũng nhanh chóng bị lún nứt, xuống cấp... Đề nghị UBND huyện Thường Tín cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm Luật Đê điều nêu trên.

Bài, ảnh: Trần Lê