Không thích cũng phải thích nghi
Thể thao - Ngày đăng : 07:02, 21/06/2015
Hoàng Quý Phước trả lời phỏng vấn tại SEA Games 28. |
Đơn cử từ chuyện ứng xử với truyền thông của HLV T.Miura và sau đó là của BTC SEA Games 28. Thời các HLV trước ông T.Miura nắm quyền ở đội tuyển bóng đá quốc gia hay U23 quốc gia, hầu như không có quy định tác nghiệp với giới phóng viên tại các buổi tập của đội tuyển. Lúc ấy, các phóng viên cả viết lẫn hình “rải” khắp sân trong suốt buổi tập. Trông cảnh này cũng không chuyên nghiệp lắm nhưng được cái phóng viên “bắt” được nhiều hình ảnh sống động trong buổi tập hơn. Rồi kết thúc buổi tập, các HLV phải nán lại sân khá lâu để trả lời phỏng vấn.
Mất thời gian nhất là trả lời phỏng vấn các Đài truyền hình khi vừa trả lời Đài này thì sau đó lại trả lời Đài khác cũng với câu hỏi tương tự. Mà không trả lời Đài đến sau thì lại ngại mang tiếng “trọng bên này, khinh bên kia”.
Đến khi ông T.Miura nắm đội tuyển, có thể coi một cuộc cách mạng trong ứng xử với giới truyền thông đã xảy ra. Chỉ sau thời gian đầu, ông thầy người Nhật đã biết cần phải làm gì để cả mình lẫn giới phóng viên cùng làm việc, cùng đạt hiệu quả và quan trọng là tiết kiệm thời gian, thứ mà những người sống trong một đất nước như Nhật Bản luôn coi trọng. Thế nên mới có việc ông đề xuất LĐBĐ Việt Nam ra quy định với các phóng viên tác nghiệp trong các buổi tập của đội tuyển là ở một khu vực nhất định, mỗi tuần ông trả lời phỏng vấn bao nhiêu buổi, bắt đầu từ mấy giờ.
Đấy là những quy định không mới, đều đã được áp dụng ở các nền thể thao chuyên nghiệp phát triển. Tất cả đều được quy định cụ thể, thực hiện nghiêm túc và thực tế là các buổi tập của đội tuyển trong bầu không khí chuyên nghiệp hơn hẳn. Hồi đầu, các phóng viên cũng khá “bứt rứt” nhưng sau rồi cũng thành quen và thấy bình thường. Để rồi sau này, đến khi ông N.Takashi cầm quân đội tuyển nữ quốc gia, quy định tương tự cũng được áp dụng và nhận được sự tôn trọng, chấp nhận từ các phóng viên.
Đến SEA Games 28, nhiều phóng viên từng dự các kỳ SEA Games trước cũng khá bất ngờ trước quy định chặt chẽ của BTC. Những kỳ SEA Games trước, họ thoải mái đi lại quanh khu vực thi đấu, đến gần VĐV đang thi đấu đến mức có thể. Đương nhiên, họ dễ dàng tác nghiệp, nhất là chụp ảnh rồi sau đó dễ dàng phỏng vấn VĐV. Họ cứ giữ nếp làm này qua các kỳ SEA Games vì đơn giản không bị BTC ra quy định hay ngăn cản. Nhưng lần này là ở Singapore, quốc gia đề cao sự chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật, quy định.
BTC SEA Games 28 áp hoàn toàn chuẩn tổ chức các giải thế giới, Olympic vào SEA Games nên các phóng viên mới không được xuống khu vực thi đấu tác nghiệp trừ phóng viên của hãng truyền thông là đối tác chính thức của BTC. Tất cả đều phải ở trên khán đài như các khán giả để quan sát và chụp ảnh. Muốn phỏng vấn VĐV thì phải đợi VĐV ở khu vực dành để phỏng vấn VĐV. Quy định này áp dụng với mọi phóng viên và được làm nghiêm nên các phóng viên chẳng còn cách nào khác là phải chấp nhận, thích nghi. Thực tế, ai cũng thấy sự hợp lý trong các quy định ấy nên chẳng có lý do gì để phản đối. Vì thế, khu vực thi đấu thực sự là của VĐV.
Đổi lại, những điều kiện kỹ thuật cũng như dinh dưỡng cho cho các phóng viên ở Trung tâm báo chí hay các địa điểm thi đấu khác cũng được phục vụ tốt nhất đến mức có thể, hầu như không tìm được khiếm khuyết. SEA Games 28 vì thế thực sự bớt hẳn tính chất “hội làng” như từng bị gán ghép. Và chẳng phải ngẫu nhiên mà SEA Games 28 đã được coi là mô hình chuẩn cho các quốc gia đăng cai sau này, từ khâu tổ chức đến khâu truyền thông. Tất cả đều ở mức chuyên nghiệp, bài bản và quy củ nhất.
Những câu chuyện trên dù xảy ra trong một lĩnh vực nhỏ nhưng bài học về sự chuyên nghiệp, thực thi nghiêm túc những quy định đặt ra có thể soi được vào nhiều lĩnh vực khác. Chuyện xem ra chẳng khó. Khó hay không ở người có trách nhiệm mà thôi.