“Thuyền trưởng” một thời của “con tàu” Hànộimới
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:34, 21/06/2015
Tuy sức khỏe không được tốt nhưng cặp mắt ông vẫn sáng lên khi nghe chúng tôi nhắc đến sự phát triển, cũng như về những đồng nghiệp cũ và mới của Báo Hànộimới, nơi ông đã từng có 10 năm gắn bó với nhiều công sức, nhiệt huyết, đóng góp to lớn.
Bối cảnh đầy khó khăn
Sinh ngày 31-5-1938, tại Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội), nhà báo Hồ Xuân Sơn có bề dày kinh nghiệm về vốn sống và nghề nghiệp đáng nể. Ông đã từng kinh qua các vị trí, chức vụ như: Phóng viên Báo Tiền Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa IV; Trưởng ban Chính trị và công tác đoàn Báo Tiền Phong; Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam khóa V; Ủy viên BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XI; Tổng Biên tập Báo Hànộimới; và sau khi về hưu (1998), ông còn làm Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội… Nhà báo Hồ Xuân Sơn tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn (khóa 1960-1964), đi nghiên cứu sinh, làm luận án phó tiến sĩ triết học 4 năm ở Liên Xô cũ (1976-1980). Đầu năm 1988, từ Trung ương Đoàn, ông được điều động về làm Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới và khi Tổng Biên tập Nguyễn Hồng Lĩnh về hưu, ông đã được đề bạt làm Tổng Biên tập.
Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn cùng các Phó Tổng Biên tập Công Nghĩa Hoàn, Nguyễn Xuân Trình (Tổng Biên tập thời kỳ 1998-2006) tại lễ đón Huân chương Độc lập hạng Nhất của Báo Hànộimới. |
Nhà báo Hồ Xuân Sơn đảm nhận sứ mệnh cầm lái "con tàu" Hànộimới trong bối cảnh đầy khó khăn, khi cả đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Làm sao có nguồn thu để không phải dựa vào bao cấp, nâng cao đời sống cán bộ, phóng viên, nhân viên? Cần đổi mới nội dung tờ báo thế nào để thu hút mọi đối tượng độc giả? Làm sao có thể tranh thủ được sự ủng hộ của cấp trên, của thành phố đối với những chủ trương đổi mới của Ban Biên tập?... đó là những câu hỏi luôn khiến người "thuyền trưởng" Hồ Xuân Sơn phải tư duy, trăn trở. Khá nhiều cây viết trẻ, có năng lực như Ngọc Tiến, Xuân Trường, Đoàn Anh Tuấn… đã được tuyển về Báo Hànộimới dưới thời Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn, cùng với các cây viết sắc sảo, có kinh nghiệm như Trần Chiến, Nguyễn Triều, Vương Thức, Vương Tâm… giúp Ban Biên tập thực hiện chiến lược phát triển tờ báo. Việc đổi mới nội dung Báo Hànộimới với hàng loạt chuyên mục hấp dẫn bạn đọc như "Qua các thôn xóm", "Muôn mặt đời thường", "Đất lề quê thói", "Hà Nội tạp văn", "Câu đố cuộc đời", "Mất nghỉ chủ nhật", "Thị trường không cần nước mắt"… cùng với việc tăng trang (từ 4 lên 8 trang báo hằng ngày), tăng thêm một số ấn phẩm Hànộimới Chủ nhật, Hà Nội Ngày nay, mở thêm văn phòng đại diện phía Nam… đã tạo ra những bước ngoặt quan trọng cho tờ báo, thu hút nhiều sự quan tâm của độc giả, khiến số lượng phát hành của báo tăng đáng kể. Phòng Quảng cáo của Báo Hànộimới đã từng chứng kiến một thời hoàng kim, khi khách hàng trong Nam, ngoài Bắc phải "xếp hàng" mới đến lượt được đăng quảng cáo. Thu nhập của cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới hồi đó tăng mạnh, đứng vào top đầu so với nhiều tờ báo khác. Thành ủy, UBND TP Hà Nội đánh giá rất cao về sự phát triển của Báo Hànộimới. Tại Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XI, Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn được bầu làm Ủy viên BCH Đảng bộ thành phố. Đồng thời, ông được bầu làm Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam khóa V.
Nghiệp làm báo
Có lần Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn nói với tôi về "nghiệp nhà báo". Ông cho rằng, nghề báo luôn gắn với cái nghiệp "miệng tiếng" bởi báo chí luôn gắn với dư luận xã hội. Nếu người làm báo kém hiểu biết, chạy theo mục đích tầm thường, viết thiếu công tâm, sai sự thật thì "cái nghiệp" đó rồi có lúc sẽ hại anh. Ngược lại, nếu nhà báo góp phần nâng cao trình độ chung của xã hội, viết trung thực, dũng cảm, vượt qua được những cám dỗ với bản thân của người cầm bút thì lúc đó nghĩa là chúng ta đã hoàn thành tốt cái "nghiệp báo" của mình… Theo nhà báo Hồ Xuân Sơn, mọi sự vật hiện tượng diễn ra hằng ngày ngoài xã hội luôn thôi thúc các nhà báo phải viết, phải đưa tin - Đó là cái nghiệp vốn dĩ của người cầm bút. Nhưng thực tế cho thấy, lực viết và trang báo có hạn, mà cuộc sống thì vô hạn. Cho nên việc định hướng, lựa chọn vấn đề để viết là rất quan trọng, làm sao phải viết, phản ánh đúng yêu cầu của thực tế khách quan…
Suốt quãng đời làm báo mấy chục năm của mình, nhà báo Hồ Xuân Sơn luôn đắm đuối với nghề, sẵn sàng lao vào phản ánh hiện thực cuộc sống. Để viết phóng sự "Từ một tâm hồn thơ tý hon" (đăng Báo Tiền Phong tháng 5-1968) ông đã phải đạp xe xuống tận Nam Sách, Hải Dương, cùng đi câu, cùng trò chuyện với thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, lấy tài liệu rất tỉ mỉ. Đọc ghi nhanh "Hôm nay - Ngày lên đường" (đăng Báo Tiền Phong tháng 5-1972) của ông, có thể thấy bài viết đầy cảm xúc, phản ánh khí thế hừng hực lên đường tòng quân của lớp trẻ! Hoặc nếu ai đó đã đọc bài "Ghi chép ở Bến Đò Quan" (đăng trên Báo Tiền Phong tháng 7-1972) chắc sẽ phải trầm trồ về sự quan sát tinh tế, chi tiết và nhạy bén của tác giả Hồ Xuân Sơn… Năm 1975, ông cũng là một trong những phóng viên mặt trận đầu tiên của Báo Tiền Phong có mặt tại TP Hồ Chí Minh đúng vào đêm 30-4, rạng sáng 1-5 để viết, đưa tin về thời khắc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ông cũng là người đầu tiên tham gia xây dựng Ban Đại diện của Báo Tiền Phong tại thành phố mang tên Bác.
Nhà báo Hồ Xuân Sơn rất mê bóng bàn và nghiêm túc trong tập luyện. Ngoài những lúc bận họp, phải đi công tác, sau giờ làm việc ít khi thấy ông vắng mặt trên bàn bóng của cơ quan. Ông là một trong những người đầu tiên gây dựng nên phong trào bóng bàn của Hội Nhà báo TP Hà Nội, cũng như của Báo Hànộimới. Bên cạnh công tác điều hành, quản lý tờ báo của Thủ đô, Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn còn say sưa với công tác đào tạo các thế hệ nhà báo trẻ. Mười năm công tác tại Báo Hànộimới cũng gần từng ấy năm ông gắn bó tâm huyết với sự nghiệp giảng dạy ở Khoa Báo chí, Trường Đại học KHXH &NV, hoặc ở một số trung tâm đào tạo báo chí khác. Đến nay, nhiều lớp nhà báo trẻ sau này vẫn còn nhắc tới thầy Xuân Sơn (Báo Hànộimới) với sự trân trọng, quý mến…