Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ vướng trong cải tạo chung cư cũ
Bất động sản - Ngày đăng : 07:23, 30/01/2023
Những tín hiệu mới
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo là ngôi nhà 3 tầng trên khoảnh đất rộng khoảng 240m2, có 21 hộ dân sinh sống từ trước năm 1975. Năm 2017, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã xác định chung cư xuống cấp trầm trọng, xếp loại D (rất nguy hiểm), cần di dời dân và tháo dỡ gấp. Ngay trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều hộ dân tại đây đã đồng thuận di dời đến nơi ở tạm cách đó khoảng 4km, trong khu vực nhộn nhịp tại quận 6.
Là một trong những hộ dân di dời, ông Nguyễn Phúc chia sẻ: “Chúng tôi chấp thuận đến nơi ở tạm mới trong 2 năm, vì khu này khang trang, thuận tiện đi lại, làm ăn và được ở miễn phí. Người dân rất mong chính quyền sớm có phương án tái định cư lâu dài. Nếu không thể xây chung cư mới để tái định cư trên đất cũ do diện tích quá nhỏ thì chính quyền tổ chức bán đấu giá đất. Nguồn tiền thu được dành để hỗ trợ người dân tái định cư nơi phù hợp”.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường 11 (quận 5) Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết: “Dù mới chỉ là tạm di dời, nhưng việc một số hộ dân đồng thuận chuyển đến nơi ở mới khiến chúng tôi rất mừng. Từ nay đến hết ngày 15-2, UBND quận giữ mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ dân và sẽ thuyết phục bà con chuyển hết khỏi chung cư trong quý I-2023”.
Trước đó, chính quyền quận 1 cũng tổ chức di dời thành công cư dân sống trong 2 chung cư cấp D trên địa bàn là chung cư 23 Lý Tự Trọng và chung cư 128 Hai Bà Trưng. Đáng chú ý, theo UBND quận 1, người dân sống trong 2 tòa nhà 4 và 7 tầng trên diện tích đất hơn 1.200m2 tại 23 Lý Tự Trọng sẽ được tái định cư tại chỗ trong chung cư cao cấp mới cao 21 tầng, quy mô 160 căn hộ đã được khởi công xây dựng.
Theo Sở Xây dựng, qua rà soát 474 chung cư cũ trên địa bàn từ năm 2017, Sở đã xác định 15 chung cư cấp D cần di dời dân và tháo dỡ gấp. Hiện thành phố đã di dời toàn bộ dân ở 6 chung cư (đã tháo dỡ 4 chung cư trong số này); đang di dời dân ở 5 chung cư khác. Số còn lại chưa thể di dời, do chưa đạt được sự đồng thuận của các hộ dân ngụ tại đây.
Những khó khăn cần giải quyết
Đại diện Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hai khó khăn lớn nhất cần giải quyết trong di dời người dân đang ở trong các chung cư cũ cấp D là có phương án tái định cư khả thi, thuyết phục người dân tạm dời nhà cũ đến nơi ở mới và kêu gọi doanh nghiệp cải tạo, xây mới chung cư cũ.
Chung cư số 155-157 Bùi Viện (quận 1) là một điển hình. Tòa chung cư 7 tầng này đã qua hơn 50 năm tồn tại trên mảnh đất rộng 400m2, bao gồm các căn hộ rộng từ 18m2 đến 45m2 và bị xếp hạng cấp D từ năm 2016. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, UBND quận 1 mới có thể di dời hết những hộ dân ra khỏi tòa nhà nguy hiểm này.
“Các hộ dân mong muốn được tái định cư tại chỗ, với những căn hộ rộng ít nhất 45m2 theo chuẩn nhà ở mới. Trong khi đó, cũng theo các quy định hiện hành, diện tích đất quá nhỏ trong khu vực trung tâm quận 1 như phố Bùi Viện không được xây chung cư cao tầng. Vì vậy, rất khó tìm được chủ đầu tư đáp ứng những yêu cầu này, bởi doanh nghiệp không thấy lợi nhuận khi tham gia dự án”, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh thông tin.
Để từng bước giải quyết những vấn đề này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phân cấp cho UBND cấp huyện chủ động xây dựng phương án thuyết phục, cưỡng chế các hộ dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm cấp D đến tạm cư tại nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn nơi cũ; các sở, ngành của thành phố hỗ trợ tìm nhà đầu tư cải tạo hoặc xây công trình mới trên đất cũ. Cùng với đó, thành phố kiến nghị bộ, ngành trung ương xem xét tháo gỡ một số vướng mắc pháp lý.
Cụ thể, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Theo đó, các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không phải dành diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội; được tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc… Các nhà đầu tư thỏa thuận thành công để người dân không tái định cư tại chỗ và đầu tư xây công trình mới trên đất cũ vẫn được hưởng các ưu đãi về cơ chế, chính sách…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh: “Trong năm 2023, Sở Xây dựng phải nhìn nhận và đánh giá lại những hạn chế trong xử lý chung cư cấp D để đeo bám, giải quyết dứt điểm; chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có cách làm linh hoạt, sáng tạo để đẩy nhanh tiến độ công việc”.