Báo chí đồng hành với sự phát triển của Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 06:57, 20/06/2015
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, ông đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của báo chí trong quá trình tuyên truyền về diễn biến kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII. Các cơ quan truyền thông đã tập trung phản ánh những điểm mới của các dự án luật đang được xây dựng, công tác giám sát tối cao, tình hình kinh tế - xã hội. Ngoài ra còn thể hiện cả tâm tư, nguyện vọng của cử tri đối với các vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước. Ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu ví dụ, liên quan đến Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), báo chí đã phản ánh những khó khăn của công nhân nếu không được nhận BHXH một lần, giúp ĐBQH nắm chắc thông tin và từ đó đề xuất những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.
Các phóng viên phỏng vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son. Ảnh: Như Ý |
Thông tin cụ thể hơn về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho hay, để đi đến quyết định cuối cùng về việc nên sửa Điều 60 ra sao, Quốc hội đã thận trọng gửi phiếu thăm dò đến từng đại biểu. Có trên 99% ý kiến đồng ý để người lao động (NLĐ) lựa chọn nhận hưởng BHXH một lần đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc và NLĐ tham gia BHXH tự nguyện nhưng không tiếp tục đóng BHXH. Vào chiều 22-6, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần (có hiệu lực từ ngày ký đến năm 2020). Sau thời điểm này sẽ tổng kết, đánh giá và quyết định sửa hay không sửa Điều 60. "Với động thái rất kịp thời này, tôi hiểu rằng, Quốc hội đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của một bộ phận NLĐ gặp khó khăn, muốn nhận BHXH một lần để có đồng ra đồng vào trang trải cho cuộc sống khi không còn làm việc tại doanh nghiệp. Nhưng tôi cũng mong, nếu không có biện pháp nào thì NLĐ hãy nhận BHXH một lần; còn không thì cố gắng tiếp tục đóng góp, tích lũy thời gian, tham gia BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, tránh rủi ro khi về già. Điều 60 là điều luật nhân văn, hướng tới chuẩn mực quốc tế và báo chí nên đẩy mạnh tuyên truyền để NLĐ hiểu về những lợi ích lâu dài họ được hưởng" - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Đề nghị báo chí tham gia giám sát
Không chỉ bám sát các vấn đề thời sự nóng hổi về đời sống NLĐ, tiếng nói cử tri, nhiều bất cập tồn tại đã lâu nhưng chưa có lời giải đã được các cơ quan ngôn luận: Nhân Dân, Hànộimới, Kinh tế Đô thị, Tuổi trẻ, Tiền phong… đặt ra, tiếp tục đề xuất giải pháp tháo gỡ. Trong đó, Hànộimới đã trực tiếp phỏng vấn Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi... về những việc cần làm ngay để giảm tối đa hiện tượng lương không đủ sống, "đếm trứng thu phí"; thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản chủ lực suy giảm cả về sản lượng và kim ngạch; tình trạng nông dân ồ ạt bỏ trồng cây này để đổ xô sang trồng cây khác, lặp lại từ cây khoai lang, đến vải thiều... và cả những cây xuất khẩu chủ lực, một số loại rau an toàn. Ngay sau đó, những vấn đề nêu trên đã được phản ánh đến tư lệnh ngành nông nghiệp, công thương trong phiên chất vấn tại Quốc hội diễn ra ngày 11-6. Đánh giá chung sau hơn hai ngày chất vấn 4 "tư lệnh" ngành, Chủ tịch Quốc hội đã thể hiện sự theo dõi sát sao của mình đối với thông tin về hoạt động của Quốc hội trên các cơ quan thông tấn báo chí. Chủ tịch Quốc hội khen, báo chí đã có đổi mới trong việc đưa tin, bình luận, trực tiếp phỏng vấn trong và sau mỗi buổi chất vấn với sự tham gia của đông đảo cử tri, đại biểu các chuyên gia và người thụ hưởng các chính sách liên quan.
Đặt niềm tin vào các cơ quan báo chí, ĐB Lê Văn Tân (Đoàn Hà Nam) đề nghị Quốc hội bổ sung thành phần báo chí tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp và công khai thông tin đầy đủ về kết quả giám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã gửi lời chúc mừng chân thành tới các cán bộ, phóng viên chịu trách nhiệm tuyên truyền Quốc hội trong những năm qua đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, tuyên truyền đa dạng các mặt công tác, góp phần làm cho hình ảnh Quốc hội tiếp tục tỏa sáng trong lòng nhân dân. Chiều 19-6, Văn phòng Quốc hội cũng đã tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Nhà báo đưa tin Quốc hội với mong muốn các nhà báo tích cực tham gia ngôi nhà chung này, để gắn kết chặt chẽ với nhau trong từng công việc cụ thể.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến:Mong muốn báo chí tham gia sâu hơn vào quy trình làm luật Tôi mong muốn báo chí tham gia sâu rộng hơn đến quá trình làm luật của các ủy ban của Quốc hội. Vì đây chính là "công xưởng", đầu mối các hoạt động của Quốc hội, nơi xuất phát điểm đầu tiên, cũng như là điểm cuối của các văn bản. Không gì tốt hơn nếu các nhà báo đóng vai trò phản ánh thông tin tới dư luận về hoạt động xây dựng dự thảo các dự án luật; giúp cho các đại biểu Quốc hội có thêm kênh thông tin về từng nội dung cụ thể để có thể suy nghĩ, lựa chọn kỹ càng hơn trước khi bấm nút thông qua các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết quan trọng. Hồ Bách thực hiện |