Súng đạn - thách thức nan giải ở Mỹ
Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 20/06/2015
Hung thủ là Dylann Roof - một thanh niên da trắng 21 tuổi - bị bắt sau gần một ngày săn lùng, cách nơi gây án khoảng 350km. Cảnh sát cho biết, khẩu súng Dylann gây án chính là món quà tặng của người cha nhân ngày sinh nhật của hắn hồi tháng 4-2015. Dylann được cho là có tâm lý phân biệt chủng tộc khi tự coi mình và người da trắng là siêu việt. Bằng chứng là khi bị bắt, Dylann khoác trên người một chiếc áo in cờ của chế độ Aparthai Nam Phi, quốc gia Châu Phi từng nằm dưới sự cai trị của thiểu số người da trắng.
Nghi phạm D.Roof (áo đen), kẻ xả súng tối 17-6 tại Carolina khiến 9 người thiệt mạng đang bị cảnh sát dẫn giải. |
Trước vụ việc này, giới chức nước Mỹ cho rằng, vụ xả súng tối 17-6 là "thảm kịch không thể mô tả hết được". Trong bài phát biểu tại phòng họp báo Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ tâm trạng đau buồn, thất vọng và tức giận. Ông B.Obama cho rằng, một trong những nguyên nhân gia tăng các vụ xả súng là "không khí chính trị của nước Mỹ đã ngăn cản việc siết chặt các giới hạn với những người được quyền mua và sở hữu súng đạn". Đây là tuyên bố thứ 14 của người đứng đầu nước Mỹ về các vụ xả súng giết người bừa bãi kể từ khi lên cầm quyền năm 2009. Theo ông B.Obama, đây là thời điểm chia buồn với các gia đình nạn nhân, nhưng cũng là thời điểm để thừa nhận một thực tế đáng buồn là các vụ xả súng giết người bừa bãi không xảy ra tại các nước phát triển khác, nhưng lại thường xảy ra trên lãnh thổ Mỹ.
Sự kiện này cùng với một loạt thảm kịch trước đó một lần nữa cho thấy bạo lực súng đạn ngày càng lan tràn như một "dịch bệnh", là mối đe dọa lớn cho tính mạng của người dân Mỹ. Súng đạn đứng thứ 13 trong danh mục các nguyên nhân gây chết người hàng năm nhiều nhất ở xứ Cờ hoa. Kết quả điều tra của Liên hợp quốc cho thấy, từ năm 2003 đến nay đã có gần 90 nghìn người Mỹ thiệt mạng trong các vụ bạo lực súng đạn.
Từ đầu năm 2013, sau vụ nổ súng sát hại 20 học sinh ở độ tuổi từ 6-8 tại một trường tiểu học ở thành phố Newtown, bang Connecticut, Tổng thống B.Obama đã tập trung nỗ lực thuyết phục nhưng cho tới nay dự luật siết chặt các quy định về kinh doanh và sở hữu súng do Nhà Trắng soạn thảo vẫn bị Quốc hội, đứng sau là Hiệp hội Súng đạn toàn quốc (NRA) ngăn chặn. Theo thống kê, doanh số bán súng đạn ở Mỹ mỗi năm đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Với 310 triệu khẩu súng đang lưu hành đã và đang biến Mỹ thành một trong những quốc gia sử dụng vũ khí nhiều nhất trên thế giới.
Như nhiều quốc gia, súng từng là một phần của lịch sử và "văn hóa" Mỹ, đất nước của những người nhập cư, khai hoang những vùng đất mới. Nhưng, một nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều trong hơn 200 năm qua. Và, quyền sở hữu súng đạn đã và đang đi cùng tội ác, những vụ thảm sát, gieo rắc chết chóc, nỗi sợ hãi, hoang mang và nhiều di chứng khác trên xứ Cờ hoa. Sự dễ dàng trong sở hữu vũ khí cá nhân tại Mỹ khiến súng đạn trở thành phương tiện gây tội ác của những phần tử cực đoan; thậm chí trở thành "phương tiện" được những kẻ hoang tưởng lựa chọn mà vụ thảm sát Carolina Nam là hệ quả mới nhất.
Thế nhưng, quyền được sở hữu và sử dụng súng đạn được quy định trong Hiến pháp Mỹ đã trao quyền "tự do" sử dụng súng cho những kẻ sát nhân tiềm ẩn và các vụ thảm sát. Vì thế, một vụ Carolina mới được dự báo sẽ vẫn tiếp diễn. Và, sau mỗi vụ xả súng ở Mỹ, dư luận lại dấy lên những cuộc tranh cãi về kiểm soát súng đạn nhưng những cuộc tranh cãi sẽ lại nối tiếp nhau rơi vào quên lãng. Càng chậm trễ trong cải cách Luật Sở hữu súng đạn, nước Mỹ sẽ chỉ tiếp tục chứng kiến thêm các vụ nổ súng đẫm máu và nước mắt với mức độ ngày càng nghiêm trọng và liều lĩnh hơn.