Báo chí với trưng cầu ý dân
Đời sống - Ngày đăng : 10:28, 19/06/2015
Có thể nói người dân đóng vai trò quan trọng trong các chính sách của các mô hình xã hội hiện đại. Và ta cũng thường nói Nhà nước ta là Nhà nước “của dân - do dân - vì dân”. Vì thế, việc soạn thảo và ban hành Luật trưng cầu dân ý là nhu cầu cần thiết.
Trưng cầu dân ý là một hình thức dân chủ trực tiếp cho nên nội dung của Luật phải thể hiện đúng như tên gọi của nó đó là tôn trọng ý chí của nhân dân, để dân thể hiện ý chí nhiều nhất có thể về những vấn đề quan trọng của đất nước.
Với quan niệm như vậy, Hội Luật gia Việt Nam đã thiết kế Dự thảo Luật gồm 9 chương, 56 điều và đã đưa trình Quốc hội để các đại biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 9 này. Dự kiến chiều ngày 23/6/2015 Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận thêm về Dự Luật này để có thể thông qua vào kỳ họp tiếp theo.
Hiện trên thế giới đã có 167/214 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc quy định pháp lý về trưng cầu ý dân. Còn ở Việt Nam vấn đề trưng cầu ý dân cũng được nói đến từ rất sớm cụ thể trong các bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1992. Hiến pháp 2013 tiếp tục nói về việc trưng cầu ý dân như cơ quan quyết định trưng cầu ý dân, độ tuổi tham gia biểu quyết ý dân… Luật trưng cầu ý dân sẽ quy định cụ thể những vấn đề mà Hiến Pháp đã đặt ra.
Dự thảo Luật đang nổi lên mấy nội dung chính cần thảo luận, đó là nội dung trưng cầu ý dân phải như thế nào, gồm những gì? Ai có quyền đề nghị trưng cầu dân ý? Phạm vi trưng cầu ý dân đến đâu?
Về nội dung trưng cầu dân ý, Dự thảo Luật hầu như chỉ mới đưa ra những quy định khái quát các nội dung cần trưng cầu dân ý, đó là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. So sánh với một số nước có trưng cầu dân ý cho thấy 65 nước không quy định cụ thể những vấn đề nào cần đưa ra trung cầu ý dân. Có nước chỉ quy định trưng cầu ý dân bắt buộc với Hiến pháp; Đặc biệt có nước quy định cụ thể vấn đề trưng cầu ý dân.
Đối với nước ta, qua thực tế trong 70 năm qua, chúng ta chưa trưng cầu dân ý vì thế vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân có lẽ nên dung hòa các nội dung trên. Nếu về Hiến pháp thì nên quy định đó là những nội dung có tác động trực tiếp đến chủ quyền quốc gia, các cam kết quốc tế quan trọng, quyền công dân trong một số dự thảo Luật; Nếu là những việc quan trọng khác thuộc thẩm quyền Quốc hội phải là những vấn đề còn quá nhiều tranh luận, nhiều quan điểm chưa thể đi đến thống nhất.
Về quyền đề nghị trưng cầu ý dân, Dự thảo Luật có đưa ra hai phương án. Đáng chú ý là trong cả hai phương án đều không đưa quy định số người dân cần thiết đề nghị tổ chức trưng cầu ý dân là bao nhiêu mà chỉ đòi hỏi phải có 1/3 số đại biểu Quốc hội đề nghị trưng cầu ý dân. Đây có lẽ là một bất cập vì sẽ hạn chế tính chủ động của người dân, buộc người dân phải chờ ở các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể hay ít nhất là của 1/3 số đại biểu Quốc hội. Mà theo cơ cấu tổ chức đại biểu Quốc hội như hiện nay thì để đạt tỷ lệ này có lẽ là quá cao.
Vì vậy, nên chăng đề nghị Quốc hội đưa thêm điều kiện cần bao nhiều công dân đồng ý đề nghị trưng cầu ý dân vào Luật và giảm tỷ lệ số đại biểu QH đồng ý xuống. Có thể sẽ xuất hiện những lo ngại về quy định này vì dẫn đến việc khó kiểm soát các nội dung cần trưng cầu ý dân. Nhưng để các chủ thể đề xuất là một chuyện còn QH có chấp thuận nội dung trưng cầu hay không lại là một chuyện khác, hơn nữa nó còn liên quan đến các quy định về những nội dung đưa ra trưng cầu ý dân nữa.
Về phạm vi trưng cầu ý dân là nên tổ chức trên toàn quốc hay có thể trong khu vực hẹp hơn? Dự thảo chỉ nêu quy định tổ chức trên phạm vi cả nước. Đây cũng là vấn đề gây tranh luận vì nó còn phụ thuộc vào nội dung cần trưng cầu ý dân. Sẽ có những vấn đề phải tổ chức trên phạm vi cả nước nhưng có thể có những nội dung chỉ ảnh hưởng đến một số địa phương thì sao? Cách tốt nhất có lẽ nên đề xuất cho cả hai phạm vi, cả nước và khu vực tùy theo nội dung cần trung cầu ý dân.
Hình thức trưng cầu ý dân là một nội dung dân chủ cần thiết. Tuy vậy vẫn còn ý kiến lo lắng nếu người dân đi bỏ phiếu không đủ thông tin, không hiểu sâu, rõ ràng các nội dung trưng cầu sẽ làm kết quả sai lạc với thực tế. Đây là một lo lắng có cơ sở. Vì thế, các nội dung đưa ra trưng cầu ý dân phải cần được thông tin rõ ràng, cụ thể đến từng người dân... Bằng các phương tiện truyền thông của mình, báo chí có trách nhiệm vừa đưa thông tin vừa phản hồi ý của người dân đến cơ quan tổ chức trưng cầu ý dân trước khi bỏ phiếu. Vì thế Dự thảo Luật nên có những quy định cụ thể thêm về trách nhiệm của báo chí đối với vấn đề này.