"Thuốc" chữa bệnh "cất ngăn kéo"
Công nghệ - Ngày đăng : 07:14, 19/06/2015
Sử dụng hiệu quả ngân sách
Hiện nay ở Việt Nam kinh phí đầu tư từ ngân sách vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm tới 65-70% tổng mức đầu tư toàn xã hội cho hoạt động KH&CN. Điều này trái ngược với các nước có nền KH&CN phát triển, khi đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước chiếm đa số. Ví dụ tại Hàn Quốc, đầu tư của Nhà nước chỉ chiếm 1/10 đầu tư của tư nhân cho KH&CN.
Cần có sự đầu tư trọng điểm cho nghiên cứu khoa học. Ảnh:Hải Anh |
Tuy vậy, trong thời gian qua, KH&CN nước nhà đã có nhiều kết quả nổi bật. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: Trong 5 năm qua, chúng ta đã có những con số ấn tượng, những sản phẩm tốt. Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 nước trên thế giới sản xuất được vắc xin tiêu chảy Rota; đã tự thiết kế, đóng được giàn khoan, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giàn khoan 90m nước, 120m nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tự lực được trong việc chế tạo tàu hộ vệ tên lửa, thế hệ tương đối hiện đại theo thiết kế của Liên bang Nga, trang bị cho lực lượng hải quân. Đặc biệt, lần đầu tiên chúng ta vượt qua ngưỡng 2.000 công bố quốc tế trên các tạp chí có uy tín về KH&CN.
Trong 5 năm qua chúng ta đã có xấp xỉ 10.000 bài báo quốc tế, gấp 4 lần so với giai đoạn 5 năm trước đây. Việt Nam cũng là nước dẫn đầu khu vực về mổ nội soi, ghép đa tạng. Chúng ta nước bắt đầu thành công với sản xuất thiết kế chế tạo vi mạch điện tử. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp điện lực 3 pha 500 kV- 3 x150MVA, là thiết bị cỡ lớn, chủ lực của hệ thống truyền tải
điện quốc gia với chất lượng tương đương Châu Âu.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, hiệu quả sử dụng ngân sách cho KH&CN cũng có thể được nhìn nhận thông qua đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tổng sản phẩm quốc dân (GDP). Theo kết quả tính toán ban đầu của Viện Năng suất Việt Nam, với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, KH&CN là yếu tố chủ đạo chiếm khoảng 65-70% trong tăng TFP. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính theo đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thì năm 2014, TFP đã đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng GDP. Như vậy, đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN, mà trong đó ngân sách đang chiếm phần lớn, đã góp phần đóng góp rất lớn cho tăng trưởng GDP thông qua yếu tố năng suất tổng hợp TFP.
Thực hiện triệt để cơ chế đặt hàng
Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, KH&CN nước nhà đạt được nhiều thành tựu. Đội ngũ nghiên cứu ở các lĩnh vực, cả trí thức, công nhân, nông dân, cán bộ, chiến sĩ đều nghiên cứu khoa học và có nhiều ứng dụng tốt. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập cả về cơ chế chính sách, thị trường khoa học công nghệ, định giá sản phẩm, thực hiện tự chủ trong khoa học công nghệ… Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, để tháo gỡ triệt để vướng mắc nêu trên, giải pháp quan trọng đặt ra là tiếp tục nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia, triển khai các biện pháp huy động nguồn lực xã hội trong nước và nguồn vốn nước ngoài nhằm gia tăng đầu tư cho KH&CN. Việc này thực thi thông qua cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ cho hoạt động KH&CN, hình thành và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống quỹ phát triển KH&CN của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Các nhiệm vụ nghiên cứu theo nghị định thư và chương trình hợp tác nghiên cứu song phương, đa phương cần được đẩy mạnh bên cạnh việc khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư phát triển các tổ chức KH&CN, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu cho một số tổ chức KH&CN đạt trình độ khu vực và thế giới; xây dựng một số tổ chức KH&CN theo mô hình tiên tiến của thế giới như Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST). Bên cạnh việc hoàn thành việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cần khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu và phát triển có vốn đầu tư nước ngoài và thành lập chi nhánh của các viện nghiên cứu có uy tín của nước ngoài ở Việt Nam. Đặc biệt, chính sách thu hút và trọng dụng cán bộ KH&CN cần được thực hiện hiệu quả. Việc đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ KH&CN theo hướng giao quyền tự chủ cao cho thủ trưởng tổ chức KH&CN cũng cần được quan tâm hơn. Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh, việc thực hiện triệt để cơ chế đặt hàng nhằm nâng cao tính thực tiễn, tính ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN. Nhiệm vụ KH&CN phải được thực hiện đồng bộ từ khâu đề xuất, đặt hàng, tuyển chọn, triển khai thực hiện và tiếp nhận, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Cơ chế này bảo đảm cho nhiệm vụ KH&CN được triển khai sát với yêu cầu thực tiễn, khắc phục tình trạng kết quả nghiên cứu "cất ngăn kéo", không có địa chỉ và nơi tiếp nhận, ứng dụng. Bên cạnh đó, áp dụng cơ chế khoán chi nhiệm vụ KH&CN (khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và khoán chi từng phần) tạo thuận lợi cho các nhà khoa học tập trung thời gian và sức lực để tạo ra những sản phẩm có chất lượng.