Rèn luyện ngòi bút chính nghĩa theo lời dạy của Bác
Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 19/06/2015
Nhà báo Hữu Thọ đã chia sẻ với Báo Hànộimới về một trong những vấn đề đang được cả làng báo quan tâm, thảo luận thời gian gần đây là đạo đức nghề báo, trách nhiệm xã hội của người làm báo.
Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ chuyện nghề với các phóng viên trẻ. |
- Bên cạnh những ưu điểm, những đóng góp quan trọng, báo chí hiện nay có nhiều mặt trái đáng lo ngại, xin ông cho biết nhận định của mình?
- Báo chí hiện nay tồn tại không ít và có việc không nhỏ, nổi lên là thông tin sai sự thật quá nhiều, thậm chí bịa đặt, suy diễn gây bức xúc xã hội, có những sai sót mà chúng tôi cũng không thể ngờ... Tôi nói một cách chân thành với tấm lòng yêu quý các bạn làm báo là chưa bao giờ tôi thấy uy tín của giới báo chí giảm sút như bây giờ.
- Theo ông đâu là những nguyên nhân chính dẫn tới những sai sót?
- Theo tôi có mấy nguyên nhân. Thứ nhất, là làm báo chí đang gặp khó khăn về tài chính, người lãnh đạo cơ quan báo chí phải lo đủ thứ: Phải bán được báo để có quảng cáo, cân đối thu chi, đặc biệt là làm sao để giữ được những cây bút giỏi. Đó là nguồn gốc của thương mại hóa báo chí. Thứ hai, là bản thân sự rèn luyện của những người làm báo. Chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ. Phương Tây là nơi có truyền thống báo chí lâu đời và rất nhiều kỹ thuật mới. Chúng ta rất cần học tập kỹ năng mới, công nghệ mới để phát triển nền báo chí cách mạng của mình, nhưng một số bạn làm báo lại sùng bái kỹ thuật phương Tây, đặc biệt là khi học tập phương Tây đã đánh rơi bản lĩnh và đạo đức của báo chí cách mạng Việt Nam. Thứ ba, là trách nhiệm của những người quản lý. Nói thật, nếu lãnh đạo cơ quan báo chí mà nghiêm khắc thì không ai dám làm sai. Nên phải nói một câu, đồng tiền và danh vọng hão không chỉ đe dọa những người làm báo bình thường đâu mà nó còn đe dọa những người lãnh đạo báo chí. Nó cũng không phải chỉ rung chuyển lòng tin của lớp trẻ mà còn làm rung chuyển cả lòng tin của những người làm báo giàu kinh nghiệm.
- Sắp tới đây, Hội Nhà báo các cấp sẽ tiến hành đại hội, ông có đề xuất gì liên quan đến vấn đề này?
- Đạo đức người làm báo, nói rộng ra là văn hóa báo chí đang có những vấn đề không nhỏ. Tôi nghĩ, Đại hội Nhà báo sắp tới nên có thời gian thỏa đáng từ đại hội cơ sở để bàn sâu sắc trên tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm khắc theo tinh thần lời dạy của Bác Hồ - người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam mà vừa qua chúng ta đã kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người với nhiều hoạt động phong phú. Trong đó có triển lãm “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam” do Hội Nhà báo tổ chức đã cho chúng ta thấy rõ hơn bản lĩnh, đạo đức và phong cách của Người với tư cách nhà báo.
- Với 50 năm kinh nghiệm cầm bút, lời khuyên của ông đối với người làm báo trẻ hôm nay là gì?
- Bác Hồ dạy rất nhiều điều bổ ích về báo chí mà chúng ta có thể học tập. Báo chí chúng ta phải thông tin sự thật. Nhưng cần nhớ một câu Bác dạy là chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa hiểu rõ thì chớ nói, chớ viết, mà Bác gọi đấy là viết bậy, viết càn. Bây giờ nhiều bạn đang mắc phải lỗi viết bậy, viết càn.
Nghề làm báo chúng ta, khi khen chê, ủng hộ và không ủng hộ phải tỏ thái độ rõ ràng. Mỗi bài báo là một thử thách, chắc chắn một bài báo thất bại khi đưa ra câu trả lời mà làm vừa lòng tất cả mọi người. Kẻ xấu, người tốt, người thật, người giả đều ủng hộ anh thì chưa chắc anh đã là người tốt. Cho nên làm báo phải tỏ thái độ khen chê. Nhưng khen thì không được thổi phồng. Chê thì nhớ ba chữ Bác dặn: Thật thà, là có thế nào nói thế ấy, không bịa đặt, suy diễn; chân thành, là như người trong cuộc, không phải là bề trên; chừng mực, sai đến đâu nói đến đấy. Đó là những điều rất tâm đắc trong suốt đời Bác.
Hôm trước 17-6, trong buổi gặp Chủ tịch nước, tôi có nói rằng, cuộc đời làm báo của tôi, có việc làm được, có việc chưa làm được, có ưu điểm, cũng có không ít khuyết điểm, nhưng chưa bao giờ mắc sai lầm, đặc biệt là mắc sai lầm chính trị. Đó là nhờ không ngừng rèn luyện ngòi bút chính nghĩa theo lời dạy của Bác.
- Trân trọng cảm ơn ông!