Tác nghiệp ở Hoàng Sa
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:31, 19/06/2015
Ấn tượng sâu sắc trong tôi đó
là tình người, là sự đùm bọc của bà con thuyền viên trên tàu ĐNa90508TS do Thuyền trưởng Nguyễn Đình Sinh, ở Thanh Khê, Đà Nẵng chèo lái. Khi bước lên tàu, tôi là thành viên thứ 11. Lo lắng rất nhiều bởi chưa có bất kỳ một khái niệm nào khi ra khơi, trong khi đó những người quanh tôi ít cũng đã có thâm niên 15 năm đi biển. Những tưởng vài anh em báo chí có thể dựa vào nhau tác nghiệp, nhưng rồi mỗi người một tàu, không ai có bất kỳ liên lạc nào với nhau nên chẳng thể nói đến chuyện trao đổi thông tin. Thực sự, lúc đó tôi rất lo về nhiệm vụ được giao, nhưng thầm nghĩ, đây là cơ hội đầu tiên và sớm nhất để tiếp cận giàn khoan Haiyang Shiyou - 981, nên tôi tự nhủ lòng mình phải quyết tâm ở mức cao nhất.
Tác giả (áo đen) cùng Thuyền trưởng Nguyễn Đình Sinh trong chuyến công tác tại Hoàng Sa. |
Những ngày tác nghiệp trên tàu gỗ của ngư dân, tôi mới thấm thía nỗi lo lắng của anh em trong đoàn công tác Báo Hànộimới trong lúc chia tay. Trên tàu cá này không giống như tàu cảnh sát biển, kiểm ngư có đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Mọi việc từ ăn uống, tắm giặt... tất cả ở đuôi tàu. Dù biển không động, nhưng sóng cấp 3, cấp 4 đã khiến tàu gỗ rung lên, ngồi còn không vững thì nói gì tới các sinh hoạt khác. Nước ngọt cũng hết sức hạn chế vì không có máy lọc nước biển như ở các tàu hiện đại. Còn phương tiện để kết nối truyền tin, bài về chỉ là con số 0 tròn chĩnh. Ra khơi gấp, không có điện thoại vệ tinh, điện thoại di động thì không có sóng, máy tính không có internet trở nên vô dụng. Duy nhất có máy ảnh, sổ ghi chép và bút. Căng mình quan sát mọi diễn biến trên biển khi đầu váng vất vì sóng biển, tiếng ồn của động cơ, máy nổ, cộng với mùi dầu mỡ từ khoang máy bốc lên thực sự là một thách thức. Thế nhưng, ở hoàn cảnh ấy, tôi mới hiểu rõ hơn tình nghĩa đồng bào. Ngư dân trên tàu giúp đỡ tôi rất nhiều. Những lúc mệt bỏ bữa, tôi nhận được khi thì cốc sữa đặc nóng, lúc thì bát canh cá chua... Là người lạ trên tàu, nhưng giữa chúng tôi đã không có khoảng cách. Anh Sinh còn bảo: "Không vì cái giàn khoan kia, chắc gì chúng ta đã được gặp nhau, anh em mình phải lấy đó làm cái may để có cơ hội được sống cùng nhau trên một con tàu". Trong lúc căng thẳng khi bị đâm va, các anh em trên tàu đều dành cho tôi những vị trí tốt nhất để chụp hình, quan sát và che chắn không để tàu cá Trung Quốc với lố nhố vài người quay phim chụp ảnh trên đó nhìn thấy. Những phút bình yên hiếm hoi trên biển, anh em trên tàu kể cho tôi những kỷ niệm khi ra khơi, kinh nghiệm phát hiện luồng cá, cách đánh bắt sao cho hiệu quả. Nhiều ngư dân còn kể về sự đoàn kết giữa các đội tàu trên biển khi gặp tàu lạ tấn công. Phải nói rằng, sự chân tình đã giúp cho tôi rất nhiều. Nhờ đó mà tôi đã tích lũy thêm được nhiều kiến thức về nghề đi biển. Những đêm giữa Hoàng Sa, các anh dạy cho tôi cách chong đèn vớt cá chuồn làm mồi câu mực, cá ngừ, dũa...
Trên biển Hoàng Sa, các tàu cá Trung Quốc luôn đeo bám tàu cá Việt Nam, cản trở việc đánh bắt của ngư dân trên vùng biển đặc quyền kinh tế của mình. |
Bảy ngày cùng ngư dân bám biển, không lúc nào chúng tôi được nghỉ ngơi trọn vẹn. Tàu cá vỏ sắt Trung Quốc với số lượng lớn, được gia cố, lắp mũ sắt nhọn như lưỡi lê đằng mũi, cùng mỏ neo nhọn, bên sườn gồ lên đoạn sắt được tạo răng cưa, liên tục truy đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam. Thậm chí, có lúc tàu cá mình neo dù thả trôi cũng bị những khối sắt đen sì truy đuổi, cố tình đâm va. Trong thời khắc ấy, chúng tôi trào lên sự tức giận, phẫn nộ và cũng ở vào thời khắc đó, mới thấy bản lĩnh của ngư dân mình. Các đội tàu đi khai thác cùng nhau đã nhiều năm nên có nhiều kinh nghiệm. Các anh bảo ban nhau, giữ liên lạc giữa các đội tàu và bằng kinh nghiệm đi biển lâu năm để tìm cách tránh sự đâm va. Có lúc tàu của chúng tôi bị 3-4 tàu cá Trung Quốc kèm sát, có tàu bổ xuống chỉ cách đuôi tàu chừng gang tay, nhưng với tài đi biển của ngư dân, chúng tôi vẫn thoát khỏi sự kìm kẹp trong an toàn. Và nhờ sự liên kết giữa các đội tàu qua sóng icom, tôi đã có thể liên lạc về đất liền để phản ánh qua sóng icom những diễn biến trên biển.
Bảy ngày ở tọa độ "nóng", sống cùng ngư dân, đương đầu với hiểm nguy đã cho tôi một trải nghiệm sống động. Thực tế, với bà con, Hoàng Sa đã là "ruộng đồng" của người nông dân trên biển, là nơi đánh bắt từ bao đời nay của cha ông ta. Sống cùng ngư dân trong khoảng thời gian không dài nhưng tôi cảm nhận rõ ràng việc có hay không nhiều tàu Trung Quốc cũng chẳng thể nào xoay chuyển ý chí của ngư dân bám biển. Sống trong những ngày Hoàng Sa "dậy sóng" tôi hiểu rõ hơn tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước. Tất cả đang dồn sức, dồn lực cho trùng khơi. Với tôi, người làm báo Thủ đô được tác nghiệp giữa những thời khắc cam go đó là một vinh dự. Nhưng trên hết, nhờ có những phút giây hiểm nguy khi đối mặt với tàu Trung Quốc, tôi càng cảm nhận rõ hơn hai tiếng thiêng liêng Tổ quốc. Khi lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm, bất kể là ai cũng đều dốc hết tâm huyết, sức lực để đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của đất nước mình.
Bảy ngày sống cùng ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa đã giúp tôi thêm yêu dải đất hình chữ S. Hoàng Sa đẹp. Tôi đã được thỏa chí quẫy vùng ở vùng biển Tổ quốc, nơi có độ sâu 2.000m. Vùng biển trù phú giàu nguồn lợi thủy sản đã mang lại cho người dân nhiều "mùa vàng" khai thác và những chuyến tàu cập bến của bà con các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... luôn trĩu nặng khoang thuyền. Tôi đã được câu, được bắt những con cá dũa, chìa vôi, được ăn mực lá nặng gần 2kg cùng bà con ngư dân nơi Hoàng Sa thân yêu.
Kết thúc chuyến công tác, loạt bài phóng sự "Cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi" đăng 7 kỳ trên Báo Hànộimới đã nhận được sự đánh giá cao của bạn đọc. Xúc động hơn nữa khi đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-2015), tôi được Hội Nhà báo TP Hà Nội trao giải Nhất - Giải Báo chí Ngô Tất Tố cho loạt bài của mình.
Bảy ngày đó mãi là kỷ niệm không thể quên của cuộc đời làm báo của tôi, tôi tin chắc là thế.