Ý thức và đạo đức người làm báo giữ vai trò quyết định
Chính trị - Ngày đăng : 05:59, 19/06/2015
Báo chí cách mạng luôn có những nét riêng
Nhà báo lão thành Phan Quang mở đầu tham luận với lời khẳng định: "Báo chí Việt Nam đã đi từ không đến có. Với tầm nhìn xa và trí tuệ kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng hai bàn tay không cùng vài học trò thân cận, Người đã tạo dựng Báo Thanh Niên (1925), mở ra kỷ nguyên mới cho báo chí Việt Nam". Nhà báo Phan Quang ví những tờ báo lưu hành bí mật sau đó như những mạch nước ngầm, dù lớn hay nhỏ đã góp phần làm nên "ngọn sóng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trào lên lật nhào tất tật".
Các phóng viên tác nghiệp trên vùng biển Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Thế hệ những người "lấy cây bút, trang giấy làm vũ khí" đã đi vào lịch sử với những cống hiến, hy sinh to lớn. Đã có hơn 500 nhà báo, liệt sĩ ngã xuống các chiến trường trong lúc đang tác nghiệp nhằm thực hành chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Trên thế giới, không có quốc gia nào có nhiều người làm báo bỏ mình tại chiến trường nhiều đến vậy - nhà báo Phan Quang nói. Dù còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa, nhưng trong quan điểm của nhà báo lão thành, báo chí cách mạng luôn có những nét riêng đáng tự hào. Ông nói: "Báo chí Việt Nam có những nổi trội mà ít nước sánh bằng, tỏa sáng trong sự nghiệp giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bản lĩnh người làm báo là tự hào với báo chí đất nước mình, thủy chung với nghề nghiệp mình, không vênh vang kiêu ngạo và chẳng có gì phải tự ty trước bất kỳ ai".
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: Cả nước hiện có 849 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh, truyền hình, 98 báo, tạp chí điện tử; 1 hãng thông tấn quốc gia. Nguồn nhân lực báo chí hằng năm tăng khoảng 6,5%. Năm 2009 có 31.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí thì đến nay con số này đã tăng lên 35.000 người, trong đó có 18.000 người được cấp thẻ nhà báo. "Với sự phát triển lớn mạnh ấy, báo chí nước ta đã có sự đóng góp quan trọng vào thành quả chung của công cuộc đổi mới: Tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; tham gia giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin của dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa... Báo chí đã trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân" - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá.
Nhà báo phải biết lựa chọn sự thật
90 năm lịch sử vẻ vang, bên cạnh những ưu điểm, những mặt tích cực nổi trội, chiếm đa số, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước những thử thách, nguy cơ lớn. Nhà báo lão thành Hữu Thọ cảnh báo rằng: "Uy tín của giới báo chí đang giảm sút". Nhà báo Phan Quang ví von: Báo chí Việt Nam hôm nay đã vươn lên như một đấng nam nhi cao to vạm vỡ, vóc dáng chẳng kém mấy ai. Nhưng nhìn kỹ một chút, không cần tinh ý lắm vẫn có thể nhận ra đấng nam nhi này sớm có hội chứng béo phì. "Nếu không có giải pháp xử lý quyết liệt, kịp thời thì cùng với thời gian, hội chứng trở thành trọng bệnh, khó có thuốc trị đặc hiệu, hậu quả sẽ khôn lường" - nhà báo Phan Quang nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Thành Phong, Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội đặt câu hỏi: "Tại sao trong truyền thông của chúng ta lại nhiều câu chuyện đời tư, cả những câu chuyện phòng the, chuyện ăn mặc, mua sắm, phát ngôn hớ hênh của những nhân vật "hot" đến vậy? Và tại sao nó lại là câu chuyện hấp dẫn? Bây giờ đã có một khoa học ứng xử với truyền thông, rồi có đúc kết kinh nghiệm xử lý "khủng hoảng truyền thông", kỹ năng biến "đám cháy" thành "hoa đăng" trong môi trường truyền thông. Hay nhỉ? Nhà báo đã biến thành một đối tượng cần hết sức cảnh giác trong ứng xử từ bao giờ vậy?". Và ông tự trả lời: "Nếu các nhà báo là những con người luôn biết lựa chọn các sự thật, không vụ lợi cá nhân, vì cộng đồng lớn, vì hình ảnh và phẩm cách dân tộc mình, vì đổi mới, phát triển, thì xã hội đâu cần phải có những kinh nghiệm và kỹ năng ấy".
Nhận định về nguyên nhân, PGS. TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Trong hàng loạt sai phạm gần đây của báo chí, có nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ sự yếu kém về năng lực tiếp nhận, khai thác và xử lý thông tin cũng như kiến thức của người làm báo... Ông cho biết, Học viện đang tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo theo hướng thiết thực, hiện đại, giảm tải lý thuyết, tăng kỹ năng thực hành, coi trọng giáo dục toàn diện - cả phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho học viên, sinh viên.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị hội nhà báo các cấp cần thảo luận kỹ, sâu về vấn đề đạo đức, trách nhiệm xã hội của người làm báo trong quá trình đại hội sắp tới nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều cho rằng: Ý thức và đạo đức của người làm báo giữ vai trò quyết định đối với tác phẩm báo chí nên cần đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong làng báo.