Đựng đồ ăn bằng túi nilon: Cẩn thận kẻo ung thư
Xã hội - Ngày đăng : 08:13, 18/06/2015
Mua đồ ăn là có túi nilon
Một khảo sát của Quỹ tái chế TP.HCM cho thấy, 93% người dân khi đi mua hàng thường không đem theo túi đựng vì chắc chắn người bán sẽ cung cấp túi đựng hàng. Mức sử dụng túi nilong ở chợ lên đến 70%, siêu thị 25% và trung tâm thương mại là 3%.
Giá túi nilong khá rẻ, chỉ từ 20.000 – 25.000 đồng là người bán hàng đã có một kg túi nilong đủ loại đa dạng đựng hàng cho khách rất tiện dụng.
Từ mớ rau, lạng thịt đến chai mắm, chai dầu hay quần áo, mỹ phẩm, giày dép... người bán đều sử dụng túi nilong để bao gói hàng cho khách.
Giá rẻ, nhẹ, mỏng, lại tiện dụng nên túi nilong được ưa chuộng dùng nhất trong các loại vật dụng khá như hộp nhựa, hộp giấy, làn nhựa...
Hình ảnh quá quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam là dùng túi nilon khi đi chợ. Các bà nội trợ đi chợ thường tay không và mang về rất nhiều túi nilon, mỗi túi đựng một mặt hàng như mớ rau, con cái, lạng thịt, quả trứng, cân gạo...Ước tính, mỗi buổi đi chợ của một gia đình có khoảng 4 người lớn sẽ dùng khoảng 5 - 10 chiếc túi nilon mới đủ đựng hết các loại thực phẩm.
Hình ảnh mỗi buổi chiều tối hàng xe thu gom rác từ các ngõ phố, con hẻm đi ra với hàng loạt những bao túi nilong đựng rác không còn xa lạ với bất cứ người dân Việt Nam.
Tác hại của túi nilon vô cùng lớn với sức khỏe con người và môi trường |
Chưa kể ngày nào nếu các thành viên trong gia đình sắm thêm bộ quần áo hay bất kể một món hàng hóa nào đó đa phần đều được người bán bao gói bằng các loại túi nilong để mang về. Sau quá trình sử dụng các túi này lại được gom hết chung vào thùng rác và đổ ra xe rác mà không hề biết những chiếc túi nilong đó sẽ đi đâu, về đâu, gây ra những hậu quả như thế nào với môi trường sống quanh.
Tiềm ần nguy cơ ung thư vì tác hại của túi nilon
Không thể phủ nhận tính tiện dụng của túi nilong trong đời sống hàng ngày. “Tẩy chay” núi nilong không hề đơn giản, nhiều chương trình từ chính sách đến vận động cộng đồng đều đã được đưa ra nhưng đa số đều thất bại như chương trình đánh thuế túi nilong, chương trình vận động người dân chuyển từ sử dụng túi nilong sang các loại túi thân thiện với môi trường.
Ở Việt Nam, túi nilon chủ yếu làm bằng nhựa PE hoặc nhựa PP có nguồn gốc từ dầu mỏ. Thành phần các loại nhựa này không chứa độc nhưng các chất phụ gia làm mềm dẻo lại gây độc cho con người.
Theo các nhà khoa học, trong một số loại túi nilon có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, khi bị đốt cháy, gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit, rất có hại cho phổi.
Việc đốt túi nilon diễn ra khá phổ biến ở các vùng nông thôn. Khi đốt túi nilon sẽ tạo ra khí thải có chứa chất độc Dioxin và Furan gây ngộ độc, khó thở, nôn ra máu gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Túi nilon chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonic, mê tan và khí dioxin cực độc.
Một số túi nilon làm từ chất dẻo không độc hại nhưng phân tử đơn lẻ của chất này lại có khả năng gây ung thư |
Theo quy định các loại giấy, túi, bao bì dùng để đựng, gói thực phẩm phải đạt chuẩn vệ sinh không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, không gây độc cho con người. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, một số túi nilon làm từ chất dẻo không độc hại nhưng phân tử đơn lẻ của chất này lại có khả năng gây ung thư. Đấy là chưa kể đến khả năng các loại túi này bị nhiễm vi sinh vật do không qua quá trình khử trùng và bảo quản khoa học.
Đối với các loại túi nilon tái chế từ rác thải, công đoạn tái chế xử lý rất thủ công, trong quá trình sản xuất được trộn các loại hóa chất làm tăng độ bền và dẻo của sản phẩm tiềm ẩn nhiều hóa chất độc hại.
Đặc biệt, những túi nilon nhuộm màu xanh, đỏ, vàng ngoài đang dùng đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây độc hại cho thực phẩm do chứa kim loại như chì, cadimi. Đây là những chất gây tác hại cho bộ não và là nguyên nhân chính gây ung thư.
Theo phân tích của các chuyên gia Viện Công nghệ hóa học, thì túi nilon được làm từ nhựa PTE không độc hại nhưng các chất phụ gia thêm vào để làm túi nilon mềm, dẻo, dai lại vô cùng độc hại. Nếu đựng đồ nóng ở nhiệt độ từ 70-80 độ C thì những chất phụ gia sẽ có phản ứng phụ và khó mà biết được nó độc hại tới đâu.