Thị trường truyền hình trả tiền: Phải nói chuyện giá sàn!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:49, 18/06/2015
Như đã thông tin, cuối năm 2014, Hiệp hội Truyền hình trả tiền (THTT) Việt Nam đã trình Bộ Thông tin và Truyền thông bản Đề án xây dựng đơn giá dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có đề xuất mức giá sàn áp dụng. Tuy nhiên, bản đề án này sau đó đã bị Bộ TT-TT trả lời cho rằng đây là lĩnh vực không nằm trong danh mục phải bình ổn giá hay định giá theo quy định của Pháp lệnh về giá. Như vậy, bản đề án này tạm thời chưa được xem xét.
Có lẽ đó cũng là lý do của cuộc hội thảo do Hiệp hội THTT Việt Nam tổ chức ngày 16-6 với chủ đề “Xây dựng giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền”. Đáng chú ý, tại hội thảo, nhiều nhà đài địa phương đã đồng loạt “tố” 3 "đại gia” SCTV-nhà đài có nhiều thuê bao THTT nhất cả nước và 2 DN viễn thông mạnh về tài chính là Viettel và FPT là cạnh tranh không lành mạnh.
Ảnh minh họa |
SCTV, Viettel, FPT đồng loạt bị “tố”
Theo lãnh đạo Truyền hình cáp Hải Dương, thị trường truyền hình cáp tại Hải Dương đang có sự cạnh tranh không lành mạnh với việc SCTV giảm giá thuê bao hàng tháng xuống 33.000 đồng/tháng. Viettel áp dụng chương trình khuyến mại lắp internet, được lắp truyền hình số, truyền hình analog tặng 1 năm không thu cước.
Đại diện Truyền hình cáp Thái Bình cho biết, giá mỗi nhà cung cấp đưa ra tại mỗi nơi một khác, ví dụ, SCTV thu mức giá 50.000 đồng/thuê bao/tháng với khu vực thị xã, thành phố, ở huyện chỉ 30.000 đồng/thuê bao/tháng. Vị lãnh đạo này cũng cho biết, qua tìm hiểu thì SCTV thực hiện chính sách thu mỗi nơi một giá khác với các tỉnh thành khu vực phía Bắc (tính từ Nghệ An trở ra), có nơi chênh nhau tới 50%. Chẳng hạn, Quảng Ninh, có nơi chỉ 66.000 đồng/thuê bao/tháng, nhưng TP. Cẩm Phả cước thuê bao là 88.000 đồng/tháng; TX Hòn Gai lại chỉ có 50.000 đồng/tháng…
Lãnh đạo các nhà đài kể trên cũng cho biết, với việc đưa ra giá thấp hơn cộng với thực hiện khuyến mại tràn lan đã buộc các nhà đài truyền hình cáp địa phương phải giảm giá (đang áp dụng mức giá 110.000 đồng/tháng/thuê bao) phải hạ giá theo. Đồng thời cũng cảnh báo, cả SCTV, Viettel, FPT vốn có thế mạnh của DN lớn khi thực hiện chính sách giảm giá khiến các DN nhỏ phải chịu thua thiệt và dần đuối sức, thậm chí có thể “chết” trong vài năm tới. Có ý kiến cũng đặt ra vấn đề, sau khi các “nhà đài” lớn thực hiện phá giá khiến DN nhỏ không chịu nổi hoặc “chết” hoặc phải tự rời bỏ thị trường, sẽ quay lại tăng giá và phần thiệt thuộc về khách hàng…Vì vậy, đại diện các nhà đài đồng loạt kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần phải có sự can thiệp về giá, hoặc có hình thức quản lý về giá để bảo đảm thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Một lần nữa, việc “tố” nhau giữa các nhà đài lại bùng phát trở lại. Chỉ có điều khác với những lần trước, lần này là nhà đài “tố” nhau ở các tỉnh, thành, còn những lần trước, chủ yếu là tại Hà Nội. Những lần trước là “tố” nhau “chơi bẩn”, chơi xấu khi các đối thủ cắt cáp, ngắt cáp (tại nhà thuê bao) lẫn nhau…thì lần này là tố bán phá giá để “ép chết” đối thủ.
Có cần tới giá sàn?
Trước khi nói về câu chuyện giá sàn, trở lại với việc cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Phải nói rằng, trước thời điểm năm 2012-thời điểm SCTV được cung cấp dịch vụ toàn quốc và bắt đầu ra Hà Nội (cuối năm 2012), thị trường truyền hình cáp tại Thủ đô chủ yếu là VTV Cab và HcaTV. Chất luợng dịch vụ có thể nói là kém với màn hình liên tục nhiễu, không ổn định, trong khi đó, giá dịch vụ liên tục tăng. Cũng thời điểm năm 2012, Tập đoàn Viettel khi đó đã chính thức làm thủ tục xin đuợc cấp phép cung cấp dịch vụ này. SCTV “bắc tiến”, Viettel rục rịch gia nhập và được cấp phép tháng 4-2013 đã buộc các nhà đài tại Hà Nội phái thực hiện một loạt động thái như bắt đầu quan tâm đến chất lượng đường truyền bằng việc đầu tư cho truyền dẫn, có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn hơn. Cũng trong năm 2013, FPT cũng được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (tương tự như Viettel và đều không được làm nội dung).
Với thế mạnh là nhà cung cấp truyền hình cáp lớn nhất cả nuớc, có một thời gian SCTV đã làm mưa, làm gió ở một số quận, huyện của Hà Nội trong đó có Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông và có lượng thuê bao tăng nhanh chóng. Và cho đến giờ, không thể phủ nhận vai trò của SCTV, Viettel đã khiến các nhà đài VTV Cab, HcaTV phải thay đổi như tăng chất lượng dịch vụ cùng với những hình thức ưu đãi cho khách hàng-điều mà trước đây khách hàng ở Hà Nội đăng ký lắp đặt mới còn phải chờ “dài cổ” nữa là được hưởng khuyến mại!
Về câu chuyện như các nhà đài địa phương đã “tố” 3 đại gia như đã nêu. Ngay sau khi thông tin Vietel gia nhập thị truờng, Hiệp hội THTT cũng đã có kiến nghị các cơ quan nhà nước không cấp phép cho Viettel vì lo ngại Viettel có thể mạnh về tài chính sẽ thực hiện bù chéo dịch vụ, giảm giá, cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng đến thị trường. Tất nhiên, Viettel vẫn được cấp phép và chính thức cung cấp dịch vụ từ tháng 5-2015 vừa qua.
Theo thống kê của Bộ TT-TT cả nước có khoảng 21 triệu hộ gia đình, tuy nhiên đến nay thuê bao THTT mới chỉ dao động ở mức 7-8 triệu, có nghĩa là “miếng bánh” THTT vẫn còn lớn. Song, có một thực tế là trong số 21 triệu hộ gia đình lại có rất nhiều hộ gia đình sống ở vùng nông thôn, nhiều trong số đó là hộ gia đình còn khó khăn. Từ đó đặt ra vấn đề về để đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì không thể thu giá cao và trong trường hợp này, những nhà đài có hạ tầng truyền dẫn mạnh như Viettel là có lợi thế. Và thực tế, chính sách giá rẻ, giá phù hợp mà Viettel hoặc SCTV…đang thực hiện sẽ đem lại lợi ích cho người dân. Dư luận cũng đặt ra vấn đề, Viettel đang áp dụng cách thức kinh doanh đã thành công từ viễn thông và để kinh doanh THTT! Tất nhiên, một điều mà ai cũng hiểu rằng, đằng sau câu chuyện giá rẻ THTT này, cái mà DN hướng tới còn là nguồn thu quảng cáo khi đã đạt đến một lượng thuê bao nhất định.
Nhưng vấn đề ở chỗ, khi thị trường có các DN đưa ra giá bán thấp hơn, sẽ buộc các DN còn lại buộc phải giảm giá theo nếu không muốn mất thuê bao đồng nghĩa với mất nguồn thu quảng cáo. Theo đó, có thể xảy ra “cuộc chiến” về giá, ắt hẳn sẽ có không ít DN thiệt hại, mà trong số các DN THTT , phần nhiều là DN nhà nước (ví dụ ngay SCTV thì VTV “nắm” tới 51%), khi đó thiệt hại lại thuộc về nhà nước. Mặt khác, cũng cần nhấn mạnh đến câu chuyện về sự khác nhau cơ bản giữa viễn thông và THTT. Đó là chi phí cho truyền hình chỉ có tăng chứ không giảm vì phải trả tiền cho chất xám (gồm sản xuất nội dung, bản quyền), trong khi viễn thông càng dùng nhiều, giá càng giảm. Để thấy rằng, nếu cứ áp dụng chiêu giảm giá và duy trì nó, cuối cùng thiệt hại lại thuộc về chính người dân.
Các nhà đài đang yếu thế mong muốn quản lý nhà nước ban hành chính sách giá sàn cho THTT là dễ hiểu vì nó được coi là công cụ để chống bán phá giá. Song như đã nêu, Bộ TT-TT cho rằng dịch vụ này không nằm trong danh mục nhà nước phải quản lý giá. Vậy, áp dụng hình thức quản lý như thế nào? Vậy còn Luật Cạnh tranh với những quy định xử lý vi phạm khi bán dưới giá thành, vậy lại phải chứng minh như thế nào là bán dưới giá thành. Tại hội thảo, đại diện Cục quản lý cạnh tranh (thuộc Bộ Công thương) cũng cho biết thì việc chứng minh được giá dịch vụ thấp hơn giá thành là một quá trình "rất phức tạp, rất khó"...đồng thời khuyến nghị các DN THTT chuyển hướng sang công khai chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng... để tăng sức cạnh tranh.
Như vậy, để thấy, “cuộc chiến” về giá giữa 3 nhà đài “đại gia” có lẽ chưa thể kết thúc và tiếp diễn trong cả nước. Và như vậy, câu chuyện về việc họ “tố” nhau có lẽ cũng sẽ như cơm bữa trong thời gian tới!?