Tương lai Châu Âu đang bị đánh cược

Thế giới - Ngày đăng : 06:06, 18/06/2015

(HNM) - Hôm nay (18-6), Hy Lạp và các thành viên Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) sẽ bước vào phiên họp mang tính quyết định đối với khả năng vỡ nợ của Athens cũng như việc xứ các vị Thần có tiếp tục ở lại Eurozone hay không.

Nhiều nhà phân tích cho rằng: Cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Tài chính Eurozone tại Luxembourg là cơ hội cuối nhằm tìm ra "mẫu số chung" để "mở khóa" 7,2 tỷ euro cứu trợ cho Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa là tới thời điểm Athens phải thanh toán tất cả các khoản nợ "khó đòi" cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, trước thềm phiên họp, các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng như Athens đều tuyên bố sẵn sàng tiếp tục đàm phán, nhưng không đưa ra bất kỳ sáng kiến nào nhằm phá vỡ thế bế tắc kéo dài suốt 5 tháng qua.

Những thông tin tiêu cực từ Hy Lạp khiến thị trường chứng khoán và tiền tệ thế giới chao đảo tuần qua.



Phát biểu trước các nghị sĩ đảng cánh tả Syriza tại Athens, Thủ tướng A.Tsipras tuyên bố, đất nước của ông đã tới ngưỡng không thể chịu đựng thêm. Hy Lạp sẵn sàng làm việc cùng các đối tác để tìm ra một giải pháp; song, đó không thể là việc tiếp tục chính sách "thắt lưng buộc bụng", là đổ gánh nặng cho những người hưu trí cũng như các khu vực xã hội. Thủ tướng A.Tsipras cũng cho rằng, những yêu sách hiện nay của các chủ nợ gồm Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và IMF là sai lầm, hà khắc và vô nhân đạo.

Trong khi đó, Người phát ngôn EU Annika Breidthardt khẳng định, EU và IMF đã đưa ra những nhượng bộ quan trọng, nhưng Hy Lạp vẫn tiếp tục bác bỏ các đòi hỏi "thắt lưng buộc bụng" từ EU và IMF mà quên đi thực tế rằng những nhượng bộ như vậy không phải là "đường một chiều".

Theo kế hoạch, ngày 30-6, Athens phải thanh toán cho IMF 3 khoản nợ gồm 305 triệu euro đáo hạn từ ngày 5-6, 458 triệu euro đáo hạn từ ngày 13-6 và 343 triệu euro sẽ đáo hạn trong 24 giờ tới (vào ngày 19-6). Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng, Hy Lạp không muốn trả IMF các khoản nợ đáo hạn trong tháng 6 mà muốn kéo dài thêm thời gian bằng cách vận dụng điều khoản kỹ thuật về đơn phương hoãn thanh toán theo quy định của IMF. Hiện tại, Athens vẫn còn khoản nợ ECB 7,4 tỷ euro hầu như không có khả năng thanh toán trong mùa hè này, nếu cuộc gặp ngày 18-6 thất bại.

Nếu các Bộ trưởng Tài chính Eurozone không thể đạt thỏa thuận với Hy Lạp, thì một Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU có thể sẽ được triệu tập tại Brussels vào tối 19-6, nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị. Trong ngắn hạn, việc Hy Lạp vỡ nợ gần như chắc chắn sẽ dẫn tới việc ECB ngừng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nước này. Khi đó, các nhà băng sẽ phải đóng cửa hàng loạt, Athens sẽ phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn và bất ổn kinh tế lan rộng không chỉ tại Cựu lục địa sẽ là một hệ quả tất yếu.

Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras đang hướng đến kế hoạch vỡ nợ chính phủ. Cụ thể, kịch bản đối phó của Hy Lạp sẽ tương tự như của Iceland khi quốc đảo này vỡ nợ vào năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Theo đó, Athens sẽ quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng và có thể áp dụng hệ thống dùng song tệ. Điều này xảy ra đồng nghĩa với việc Hy Lạp vi phạm các điều khoản đặt ra cho thành viên Eurozone và xứ các vị Thần phải quay về với đồng nội tệ truyền thống là drachma. Tuy nhiên, khác biệt lớn giữa Iceland năm 2008 và Hy Lạp hiện nay là Iceland được IMF và các nước Bắc Âu hỗ trợ tài chính khi vỡ nợ. Còn với Hy Lạp, các chủ nợ Châu Âu từ chối giải ngân gói cứu trợ nếu Athens không cam kết thực hiện cải cách kinh tế và xã hội thích hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng, Hy Lạp không chỉ đánh cược với tương lai của chính họ cũng như tương lai của cả Châu Âu mà còn đẩy quá trình phục hồi kinh tế thế giới tới một viễn cảnh khó lường.

Quỳnh Dương