Điện hạt nhân có đáng sợ?

Công nghệ - Ngày đăng : 06:03, 18/06/2015

(HNM) - An toàn điện hạt nhân là chủ đề khoa học rất phức tạp, rất khó


"Hóa giải" những băn khoăn

Hiện có ba vấn đề chính gây nên những ý kiến lo ngại trong phát triển ĐHN, gồm: Nỗi lo về bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân; nỗi lo về rác thải hạt nhân và nỗi lo về chi phí đầu tư. Trên thực tế, nếu nhìn nhận và phân tích một cách kỹ càng, không khó để "hóa giải" những băn khoăn đó. Về nỗi lo bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, tất cả các quốc gia phát triển ĐHN đều ban hành một quy trình rất chặt chẽ và nghiêm ngặt.

Nga tổ chức giải vô địch về câu cá tại hồ làm mát của Nhà máy Điện hạt nhân Novovoronezhskaia.


Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tiên phát triển ĐHN nhưng tháng 3-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có cả lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Trong khi đó, an toàn, an ninh hạt nhân là vấn đề toàn cầu nên tất cả các quốc gia tham gia phát triển ĐHN đều phải thực hiện nhiều quy định, ràng buộc trách nhiệm với các tổ chức hạt nhân thế giới. Hơn nữa, mục tiêu phát triển ĐHN của Việt Nam luôn nhất quán, rõ ràng là sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Việc Việt Nam tham gia và trở thành thành viên của các tổ chức hạt nhân quốc tế, ký kết nhiều hiệp định với tất cả các cường quốc hạt nhân thế giới đã thể hiện trách nhiệm và cam kết của Chính phủ trong việc bảo đảm an toàn, an ninh khi xây dựng các nhà máy ĐHN.

Về nỗi lo rác thải hạt nhân có thể thấy, khối lượng chất thải phóng xạ phát ra từ nhà máy ĐHN là rất nhỏ so với nhà máy điện sử dụng năng lượng hóa thạch. Ngày nay, các công nghệ giảm bớt thể tích, giảm lượng chất thải cũng như khả năng xử lý trong quá trình làm việc đều góp phần giảm bớt khối lượng chất thải tạo ra. Các chất thải phóng xạ của ĐHN nhỏ về thể tích, khối lượng hoàn toàn có thể kiểm soát bằng công nghệ, thiết bị hiện đại và trên thế giới có những công ty chuyên thực hiện vấn đề này trong nhiều năm qua mà chưa để xảy ra sai sót. Tất nhiên, vì lý do an toàn của con người nên vấn đề rác thải hạt nhân chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế xem nhẹ nên chúng không chỉ được các chính phủ mà nhiều tổ chức quốc tế, cộng đồng giám sát rất chặt chẽ…

Riêng vấn đề phải chi phí lớn khi xây dựng một nhà máy ĐHN so với nhà máy cùng công suất từ nguồn năng lượng thủy điện, hóa thạch, các chuyên gia cho rằng, dù chi phí đầu tư nhà máy ĐHN lớn hơn so với nhà máy điện than, điện khí, song chi phí vận hành lại rẻ hơn. Nhà máy ĐHN có hoạt động hầu như liên tục, khoảng 2 năm mới phải dừng để thay nhiên liệu, trong khi nhà máy thủy điện có thể phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động vào mùa khô. Mặt khác, nếu tính thêm chi phí ngoài do hoạt động của nhà máy điện gây ra đối với xã hội liên quan đến sức khỏe và môi trường thì ĐHN đang tỏ rõ ưu thế so với sản xuất điện từ nguồn khác.

Cần phải khẳng định thêm rằng, ĐHN là hội tụ của nhiều lĩnh vực khoa học đa ngành, nơi hội tụ các đỉnh cao từ nhiều thành tựu khoa học hiện đại. Do đó, phán xét về an toàn ĐHN không hề đơn giản, không thể theo những tư duy hời hợt và rất dễ bị những tâm thức chủ quan chi phối.

Xây dựng "văn hóa an toàn"

Để tránh những hiểu lầm hoặc hiểu chưa đầy đủ về ĐHN, vấn đề tuyên truyền đúng, bao gồm cả ưu điểm và những hạn chế của nó được xem là rất cần thiết. Theo PGS.TS Nguyễn Nhị Điền (Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân), trong phát triển ĐHN, để bảo đảm tính an toàn và hiệu quả thì trong phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN, đầu tiên mỗi quốc gia phải thực hiện 19 nội dung theo khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trong đó có nhấn mạnh đến công tác thông tin, tuyên truyền. Yêu cầu đặt ra là thông tin, tuyên truyền về ĐHN phải đi trước một bước để tạo sự đồng thuận của nhiều tầng lớp trong xã hội.

Tiina Tigerstedt - Giám đốc Quan hệ công chúng và truyền thông quốc tế, Công ty ĐHN Fennovoima (Phần Lan) khẳng định: An toàn luôn là ưu tiên hàng đầu trong ngành công nghiệp hạt nhân. Cốt lõi của nó là sự không ngừng chuẩn hóa, liên tục cải tiến, phát triển, luôn hướng đến những công nghệ vượt trội hơn. Nếu có bất kỳ sự cố nào trên thế giới, cần phải phân tích nguyên nhân để rút kinh nghiệm, từ đó định hướng phải làm gì để tốt hơn, phòng tránh như thế nào...

"Theo tôi, để xây dựng "văn hóa an toàn ĐHN" thì câu chuyện thông tin đến người dân là vô cùng quan trọng. Người dân phải hiểu được về những gì đã diễn ra, tác động của nó, rủi ro của ĐHN và đem so sánh, cân nhắc với nhu cầu điện mà họ luôn cần, để thấy chúng ta có thể làm gì để phát triển ĐHN tốt hơn. Ngoài ra, cũng cần thông tin về hạn chế và rủi ro của tất cả các dạng phát điện khác để công chúng có sự nhìn nhận một cách công bằng. Mục tiêu của vấn đề này là làm thế nào trong tương lai chúng ta có thể sử dụng ĐHN an toàn và hiệu quả hơn. Điều tôi muốn nói là hãy thông tin tuyên truyền thường xuyên với tất cả các bên liên quan của dự án không chỉ trong giai đoạn đầu và trong toàn bộ vòng đời của nhà máy ĐHN" - bà T.Tigerstedt nói.

Rõ ràng, an toàn ĐHN không hề được cài đặt sẵn trong công nghệ mà chỉ nên xem là thành tích của đội ngũ vận hành nó. Do đó, nếu ỷ lại vào công nghệ mà thiếu đội ngũ chuyên nghiệp chính là gieo mầm cho ĐHN mất an toàn. Ngược lại, tai nạn ĐHN rất khó xảy ra nếu đất nước sở hữu được một đội ngũ chuyên gia hùng hậu. Đây chính là hiện thực ở hàng trăm lò phản ứng được thiết kế hơn 40 năm trước đây nhưng vẫn được vận hành an toàn ở các nước tiên tiến.

Hương Chi