Không chỉ là tin vui

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:57, 17/06/2015

(HNM) - Trong lúc vấn đề tiêu thụ nông sản tiếp tục "đốt nóng" dư luận thì một tín hiệu vui đã đến: Lô quả vải đầu tiên của Việt Nam đã được đón nhận nồng nhiệt tại Pháp và Malaysia. Những trái vải Lục Ngạn (Bắc Giang) còn tươi rói bán hết rất nhanh dù giá khá cao (240.000 đồng/kg). Nhiều người chấp nhận xếp hàng nhưng vẫn không mua được.

Trả lời truyền hình, những khách hàng này cho biết họ sẵn sàng chờ chuyến máy bay sau để được nếm trái vải Việt Nam, ngọt hơn, hạt nhỏ hơn những quả vải Trung Quốc, Thái Lan mà họ từng biết. Những khách hàng này cũng cho biết thêm, do phải vận chuyển bằng máy bay nên lượng vải đến thị trường nước họ còn quá ít (Pháp 2 chuyến bay thẳng, mỗi chuyến 6 tạ và Malaysia 1,5 tấn). Không rõ ở nơi khác, chỉ riêng các siêu thị ở Kuala Lumpur lượng quả vải tươi tiêu thụ có thể gấp 10 lần.

1.000 tấn vải Lục Ngạn xuất khẩu sang Mỹ và Australia thuận lợi, các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore… đồng loạt mở cửa với quả vải Việt Nam. Một câu hỏi đặt ra: Liệu những quả vải Lục Ngạn đã thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn, được mùa rớt giá, hàng trăm xe vải ùn ứ trên cửa khẩu Tân Thanh và ngay tại Hà Nội bán với giá như cho?

Từ việc những quả vải Việt Nam được đón nhận ở nhiều quốc gia, có thể nghĩ tới gạo, cà phê, cao su, dưa hấu, thanh long, hành tím, khoai lang và nhiều mặt hàng khác. Như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói: Khó khăn của tình trạng được mùa rớt giá là do khâu tiêu thụ. Sở dĩ khâu tiêu thụ khó khăn vì nông sản, thủy sản của ta chất lượng thấp. Chúng ta thường phải xuất loại nguyên liệu thô và chất lượng thấp do khâu khâu chế biến sau thu hoạch chưa tương xứng. Tất cả đều đúng. Nhưng từ những thông tin về quả vải Lục Ngạn, có lẽ cần thêm vào một nguyên nhân nữa là chúng ta không tích cực tìm và mở rộng thị trường, coi nhẹ khâu quảng cáo.

Trước đây không xuất khẩu được, ta thường viện lý do là vùng cây ăn quả nhỏ lẻ, không tập trung. Giờ vải, nhãn, bưởi, cam, dứa, mận… khá tập trung, giao thông dễ dàng nhưng vẫn khó khăn trong tiêu thụ. Có nguyên nhân thiếu cơ sở bảo quản, chế biến nhưng vấn đề đáng nói hơn: Chúng ta chỉ biết thị trường dễ tính là Trung Quốc, còn các thị trường khác, mặc dù khả năng tiêu thụ lớn nhưng gần như không có quan hệ thương mại. Khi có trở ngại từ phía Trung Quốc, thị trường Việt Nam sẽ náo loạn về giá cả, có khi bỏ không thu hoạch, thậm chí đổ đi. Tại sao như vậy?

Một trong những cái cớ để không phát triển thị trường là chất lượng hàng nông sản. Đúng! Chất lượng nông sản hiện nay là một rào cản. Có thể chủng loại không phù hợp. Có thể các loại hạt, quả không đồng đều. Có thể dư lượng hóa chất còn cao. Nhưng những nhà doanh nghiệp đã làm gì để khắc phục tình trạng đó? Sự liên kết "3 nhà", "4 nhà" thế nào? Có phải chỉ ở trên bàn giấy chưa đi vào thực tế. Do công tác tuyên truyền giáo dục sơ sài, việc kiểm tra, kiểm soát không thường xuyên và vì chính tâm lý của người tiêu thụ, chất lượng nông sản ta mới ra như vậy?

Và vì sao khách hàng Pháp, khách hàng Đông Nam Á lại ngạc nhiên một cách thích thú khi lần đầu được ăn quả vải Việt Nam ở một thị trường mà Trung Quốc, Thái Lan đã quen thuộc từ lâu ? Có thể nói việc quảng bá sản phẩm của ta chưa được chú trọng mà với thương mại hiện đại, không quảng cáo có nghĩa là không bán được hàng.

Muốn có thị trường thì phải tìm thị trường và có cơ chế tìm thị trường. Muốn giữ được thị trường phải có chất lượng tốt và giá rẻ. Từ tin vui về quả vải cũng gợi mở rất nhiều vấn đề đáng phải suy nghĩ.

Vũ Duy Thông