Thận trọng khi quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Chính trị - Ngày đăng : 15:17, 16/06/2015
Đánh giá chung về dự án luật, các ý kiến cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, mục tiêu sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Bộ luật hình sự cũng như những quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật hình sự nhằm cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013 và tiếp tục thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về công tác tư pháp.
Thận trọng khi quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Một trong những định hướng quan trọng sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự lần này được xác định là “Đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới . Biểu hiện rõ nét của định hướng này chính là việc bổ sung vào Bộ luật hình sự chế định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân là các tổ chức kinh tế khi thực hiện một số tội phạm do Bộ luật hình sự quy định.
Đại biểu Tô Văn Tám - Kon Tum cho rằng, theo nguyên tắc, quan điểm truyền thống về pháp luật hình sự nước ta thì chủ thể của tội phạm chỉ có thể là thể nhân chứ không phải là pháp nhân. Để không mâu thuẫn với tư duy pháp lý hình sự truyền thống, dự luật phải quy định vấn đề chủ thể chịu trách nhiệm hình sự theo tư duy đổi mới.
“Tôi tán thành với các quan điểm chỉ đạo trong xây dựng Bộ luật hình sự, trong Tờ trình của Chính phủ, đó là đổi mới nhận thức về chính sách hình sự mà trọng tâm đổi mới quan niệm về tội phạm hình phạt. Bởi vậy, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo Bộ luật hình sự là phù hợp”, đại biểu Tám nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu Tám, đây là vấn đề mới, cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn để thuận tiện trong áp dụng, đặc biệt là các quy định về trình tự thủ tục xử lý pháp nhân.
“Hiện nay, chúng ta có nhiều pháp nhân như cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế... Dự luật áp dụng đối với tất cả là pháp nhân, hay chỉ một số pháp nhân và khi xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân có loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân đối với hành vi phạm tội của pháp nhân thực hiện hay không? Hậu quả của việc đình chỉ giải thể pháp nhân ra sao? Xử lý theo trình tự thủ tục nào? Vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động ra sao?..”, đại biểu Tám nêu vấn đề.
Các đại biểu Nguyễn Trọng Trường - Bắc Ninh, Trần Xuân Hùng, Hà Nam cũng tán thành đề xuất quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật hình sự (sửa đổi). Tuy nhiên, do đây là một vấn đề mới nên cần thận trọng và có lộ trình, bước đi phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn trong việc thực hiện chính sách pháp luật hình sự, tạo sự ổn định cho Bộ luật hình sự.
“Tôi nhất trí với quan điểm trước mắt chỉ quy định pháp nhân ở một số tổ chức kinh tế phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi, vi phạm pháp luật của pháp nhân được thực hiện nhân danh pháp nhân, hành vi phạm tội phải được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân và hành vi phạm tội được thực hiện theo sự chỉ đạo hoặc nhận được sự đồng ý, đồng tình của pháp nhân”, đại biểu Hùng nói.
Nhiều đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng quan tâm đến nội dung này.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, không nên khước từ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Trên thực tế, các nước quy định pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp Việt Nam sang nước ngoài vi phạm luật thì bị xử lý hình sự, nhưng doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam vi phạm luật lại chỉ bị xử lý hành chính. Do đó, khi truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân, con đường chứng minh lỗi và chứng minh thiệt hại của pháp nhân bằng con đường tố tụng tư pháp sẽ chặt chẽ, cứng rắn, bài bản, có điều kiện hơn và như thế mới quy được trách nhiệm cụ thể của pháp nhân, buộc pháp nhân phải thay đổi cách xử sự, không được làm những điều gây hại cho xã hội.
Tuy nhiên, các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Lê Đông Phong lưu ý, trong điều kiện thực tế hiện nay, việc xử lý hình sự với pháp nhân chỉ nên áp dụng với những tội danh nhất định, phù hợp với tình hình kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
“Nếu có quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, cần nghiên cứu kỹ hơn để bổ sung hoàn thiện một cách có hệ thống tất cả các quy định có liên quan như đảm bảo tính công bằng với các pháp nhân khi có vi phạm tương tự; hoàn thiện khái niệm tội phạm cũng như lý luận các yếu tố cấu thành tội phạm, nhất là yếu tố chủ thể, chủ quan, xác định thật kỹ, chặt chẽ địa vị pháp lý của từng chủ thể trong pháp nhân để phân hóa về trách nhiệm đối với quyết định thực hiện hành vi”, đại biểu Phong nói.
Không nên bỏ hình phạt tử hình với người trên 70 tuổi
Vấn đề hạn chế hình phạt tử hình được nhiều đại biểu tán thành về quan điểm. Theo các đại biểu, việc hạn chế hình phạt tử hình là cần thiết, thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng trong việc xử lý hình sự nói chung, áp dụng hình phạt từ hình nói riêng.
Tuy nhiên, các đại biểu chưa nhất trí với việc bỏ một số tội danh ra khỏi hình phạt tử hình, đặc biệt là tội phá hoại hòa bình, tội gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh. Các đại biểu cho rằng, đây là những tội phạm hết sức nguy hiểm, gây hậu quả, thiệt hại to lớn về người và tài sản và cũng là vấn đề mang yếu tố chính trị, khi Việt Nam đã và đang tham gia có trách nhiệm về giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới.
Đặc biệt, các đại biểu cũng không tán thành với việc không thi hành án tử hình với các tội danh có mục đích kinh tế mà sau khi kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn; cũng như tội danh vận chuyển ma túy; người bị kết án từ 70 tuổi trở lên.
“Về việc bỏ án tử hình với người bị kết án tử hình về các tội danh có mục đích kinh tế chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do mình gây ra, tôi thấy như vậy là không công bằng với các tội tử hình khác, tạo kẽ hở để tội tham nhũng có thể lợi dụng dùng tiền để đổi mạng. Tham nhũng là tội có mục đích kinh tế, là quốc nạn, là lũng đoạn đất nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Để ngăn chặn loại bỏ quốc nạn này lý ra chúng ta cần phải có hình phạt nghiêm khắc hơn thì chúng ta lại làm ngược lại. Chúng ta có thể cần rất nhiều tiền, cần thu hồi đầy đủ tải sản cho những vụ án tham nhũng, nhưng không vì thế mà chúng ta đánh mất lòng tin của nhân dân, làm thay đổi cán cân lý, vì tiền, khuyến khích, dung túng, bao che cho tham nhũng bằng việc giảm hình phạt tù thay bằng nộp tiền để khắc phục hậu quả”, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn - Bình Thuận nói.
“Trong bối cạnh hiện nay, nhiều vụ án các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, thủ đoạn tinh vi cấu kết chặt chẽ và thường trang bị vũ khí sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng của ta. Rất nhiều gương hy sinh dũng cảm của cán bộ chiến sỹ công an, biên phòng trong cuộc chiến khốc liệt này. Vì vậy cá nhân tôi thấy cần tiếp tục hình phạt tử hình đối với tội này”, đại biểu Trần Thị Dung - Điện Biên nói.
“Đối với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, có nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, đặc biệt lớn. Hiện nay, ma túy đang là vấn nạn của toàn cầu, gây ra cái chết trắng cho nhân loại nhưng vì mục đích siêu lợi nhuận các đối tượng phạm tội vẫn bất chấp pháp luật thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nhiều vụ án lớn mà chúng ta bắt được chủ yếu là người vận chuyển thuê, còn kẻ cầm đầu, chủ mưu đường dây mua bán rất ít khi bắt được. Do đó, tôi đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy như Luật hình sự hiện hành”, đại biểu Giàng Thị Bình - Lào Cai nói.
“Dự luật cần xem xét và quan tâm đến người phạm tội có độ tuổi 70 không áp dụng hoặc không thi hành án phạt tử hình. Tôi cũng nhận thức đây là thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người đã đến độ tuổi thượng thọ, đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Song, trong thực tế cho thấy độ tuổi 70 sức sống hiện nay còn rất khỏe và có đủ điều kiện để hưởng thụ, là tấm gương để con cháu noi gương vậy mà họ phạm tội, xã hội cần lên án kịch liệt. Họ phạm tội gây án thường đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong đời sống xã hội, do vậy tôi đề nghị phải áp dụng và thi hành án tử hình đối với họ”, đại biểu Trương Thái Hiền - Kiên Giang nói.
“Người trên 70 tuổi không áp dụng hình phạt tử hình khi phạm tội hoặc khi xét xử - Tôi không đồng tình với quy định này. Bởi nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên, có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng trị, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Hơn nữa, quy định như vậy không có căn cứ và không thuyết phục, khó có khả thi”, đại biểu Ma Thị Thúy - Tuyên Quang nói.
Ngày mai, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).