Bình Thuận gồng mình trong nứt nẻ!
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:54, 16/06/2015
Diện tích không có nước không sản xuất vụ đông xuân. Diện tích đất có thể trồng cấy cũng được tính đếm kỹ. Có một nhà thơ viết, "đất nứt nẻ như da người nứt nẻ". Những vết nứt cứa vào lòng đất, lòng người như những vết thương. Hết thảy đã nỗ lực nhưng những "vết thương" của đồng ruộng vẫn loang ra. Bình Thuận có 525ha lúa, 450ha cây thanh long bị hạn hán nghiêm trọng, thiệt hại từ 30% đến 70% sản lượng. Đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân lên tới hơn 78,4 tỷ đồng.
Do hạn hán lâu ngày, người dân phải nhận từng can nước cứu trợ của tỉnh... |
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra trên diện rộng tại Bình Thuận sẽ còn kéo dài tới tháng 7, tháng 8 - 2015. Tính đến ngày 22-4-2015 lượng nước hữu ích còn lại trong các hệ thống công trình thủy lợi 27,29 triệu mét khối/216,60 triệu mét khối, chỉ đạt 12,6% dung tích hữu ích thiết kế. Ba hồ chứa nước Tà Mon, Sông Phan, Trà Tân đã dưới cao trình mực nước chết. Năm hồ Đá Bạc, Cà Giây, Sông Khán, Suối Đá, Núi Đất đã xuống sát cao trình mực nước chết. Lượng nước còn lại trong các hệ thống công trình thủy lợi chỉ có thể duy trì sinh hoạt và sản xuất trong một thời gian ngắn. Hiện tại 23.870 hộ dân với 119.350 khẩu đang rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm có nguồn nước, dù là nhỏ nhoi từ các khe suối để chống hạn, cứu lúa, cứu cây trồng đã được đưa ra. Người dân đã khoan giếng, đào giếng, khai thông nạo vét những dòng kênh, dòng sông để khai thác nguồn nước ngầm và nước mặt, nhưng phần lớn các giếng đều không có nước. Hy vọng mong manh từ nỗ lực đầu tư tìm kiếm ở độ sâu của đất và các ngọn núi có tia nước đem lại sự sống cho những ruộng lúa, những đàn gia súc cũng dần tan biến. Huyện Hàm Tân có 15ha lúa, 537ha cây ăn quả mất trắng, huyện Bắc Bình có 500ha lúa bị thiệt hại từ 30% đến 70% sản lượng, huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam có 450ha cây thanh long bị thiệt hại từ 30% đến 70%...
Thượng úy Trần Sỹ Hùng, Đồn biên phòng Hòa Thắng, huyện Bắc Bình nói với chúng tôi: "Để khắc phục hạn hán, UBND tỉnh đã có nhiều hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là cây đậu phộng và dưa. Bộ đội cũng chung sức giúp dân khơi thông dòng chảy, tuyên truyền để người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, cùng nhân dân thu hoạch vụ mùa sớm để hạn chế thiệt hại". Còn chị Nguyễn Thị Hải Thúy, giáo viên Trường THCS Hòa Thắng xót xa: "Trận hạn hán lịch sử bây giờ tôi mới được chứng kiến. Nắng nóng, sinh hoạt của nhân dân bị đảo lộn, sản xuất nông nghiệp còn chật vật, khó khăn hơn nhiều. Bao nhiêu nỗ lực của người dân hóa thành "công cốc, công cò", giáo viên chúng tôi không biết làm gì hơn chỉ tập trung tuyên truyền để học sinh, nhân dân có ý thức gìn giữ những cánh rừng và làm sạch những hồ nước để sử dụng khi cần thiết".
Những khát vọng bình dị
Hạn hán kéo dài, biện pháp trước mắt mà UBND các huyện, thị xã... phải thường xuyên thực hiện là kiểm tra cơ sở để có giải pháp hữu hiệu nhất nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân. Căn cứ vào thông báo của Tổng cục Thủy lợi về cấp nước hạ du của Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, chỉ khu vực Đồng bằng sông La Ngà (gồm vùng sản xuất của hai huyện Tánh Linh, Đức Linh) triển khai sản xuất vụ hè thu theo kế hoạch. Còn 7 địa phương, gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và TP Phan Thiết chờ có mưa bảo đảm nguồn nước mới bắt tay vào sản xuất vụ hè thu 2015. Nếu đến ngày 30-6-2015 không có mưa thì... buộc phải ngưng sản xuất. Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết: "Hạn hán còn có thể kéo dài, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, huyện, thị xã, thành phố phải có giải pháp cụ thể trước mắt và lâu dài tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt nhằm giảm thiệt hại. Là cơ quan thường trực, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phòng chuyên môn tập trung thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Nghiêm cấm nhân dân tự ý sản xuất tại các khu vực không nằm trong kế hoạch, không bảo đảm nguồn nước để tránh thiệt hại do thiếu nước xảy ra".
Về lâu dài, tỉnh Bình Thuận tập trung đầu tư kênh tiếp nước từ hồ Sông Dinh 3 về đập Cô Kiều để cấp nước cho 3 xã Tân Thắng, Thắng Hải, Sơn Mỹ của huyện Hàm Tân; kênh tiếp nước từ hồ Sông Dinh 3 về hồ Núi Đất cấp nước sinh hoạt cho xã Tân Tiến, các xã, phường, cơ quan hành chính khu vực nội thị của thị xã La Gi; kênh tiếp nước từ hồ Sông Móng về đập Hàm Cần cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho các xã đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Cần, Hàm Thạnh của huyện Hàm Thuận Nam. Các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận để quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước, tránh thất thoát lãng phí. Đồng thời, tỉnh tổ chức nạo vét kênh mương, cửa vào đập dâng, trạm bơm, cống lấy nước, lắp đặt thêm các trạm dã chiến, sẵn sàng cấp nước phục vụ chống hạn…
Để khắc phục tình hình hạn hán đang diễn ra hết sức gay gắt với mục tiêu giảm thiệt hại ở mức thấp nhất, tỉnh Bình Thuận đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, trước mắt và lâu dài nhằm huy động tổng lực, chung tay chống hạn. Tình trạng hạn hán tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề nhưng từng bước đã được khắc phục, người dân 2 huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc đã có thêm niềm vui từ việc UBND tỉnh cho phép triển khai sản xuất vụ hè thu 2015. Anh Nguyễn Như Vượng, xã Hòa Thắng huyện Bắc Bình tiễn chúng tôi ra về trong tâm sự: "Không sản xuất bà con nơi đây không biết làm gì để ổn định cuộc sống. Tuy có phải một nắng, hai sương, nhưng chúng tôi vẫn bám ruộng, không rời. Nhờ nhà báo chuyển hộ khát vọng này của người dân chúng tôi lên cơ quan có thẩm quyền để có giải pháp chống hạn lâu dài". Lời tâm sự mộc mạc này cứ theo tôi suốt dọc đường về. Hình ảnh đồng bào Chăm với những dải cát hồng trải dài vút tầm mắt và khí hậu khắc nghiệt của vùng đất Bình Thuận cho chúng tôi thấy khát vọng rất đỗi bình dị từ sâu thẳm đáy tim mỗi con người.