Hướng tới thiết thực, đồng đều về chất lượng
Chính trị - Ngày đăng : 04:27, 16/06/2015
Hội nghị ĐBND xã Bình Minh, huyện Thanh Oai diễn ra trong không khí cởi mở, sôi nổi, thân thiện và ấm áp. 130 trên tổng số 140 người được mời đã tham gia dự hội nghị thì có tới 80 đại biểu làm nghề buôn bán, người lao động phổ thông và tôn giáo. Tuy đa dạng về thành phần, nghề nghiệp nhưng họ đều hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa hội nghị nhằm bàn về xây dựng đời sống văn hóa, các giải pháp để hạn chế bất cập, yếu kém tại địa phương... Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đỗ Văn Tâm cho biết, 10/10 khu dân cư toàn xã đều tổ chức hội nghị ĐBND, với 2.300/3.400 hộ được mời tham dự. Đáng chú ý là tỷ lệ hộ dự ĐBND các khu dân cư đạt cao so với dự kiến, ý kiến phong phú và có sự thống nhất cao. Để có được kết quả này, theo ông Đỗ Văn Tâm, đó là kinh nghiệm chọn một vấn đề "nóng", hoặc việc quan trọng nhất để thảo luận, quyết định, không bàn nhiều vấn đề làm "loãng" hội nghị. Cách làm này tập trung tối đa được sự quan tâm của người dân và giải quyết được tận gốc yếu kém. Điển hình như năm qua các khu dân cư bàn về vệ sinh môi trường thì kết quả đã xóa bỏ hoàn toàn vấn nạn rác thải, mất vệ sinh kéo dài nhiều năm.
Tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, hội nghị ĐBND hằng năm cũng theo hướng tập trung bàn theo chủ đề từng năm như: Giải pháp xây dựng đình, thôn, làng văn hóa; trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người dân xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an toàn giao thông; thực hiện nếp sống văn minh việc cưới, tang, lễ hội... Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bùi Văn Mạ khẳng định, tổ chức hội nghị ĐBND thành công là động lực mang lại kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực của xã. Cụ thể như xã có 92,5% hộ đạt gia đình văn hóa; 5/5 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 28 triệu đồng/năm; 56% số người qua đời được hỏa táng; trong một năm qua, nhân dân đóng góp tới 19,3 tỷ đồng, hiến 89,5m2 đất thổ cư, góp trên 7.000 ngày công... xây dựng nông thôn mới.
Hai xã trên là đơn vị tiêu biểu của thành phố về sự đổi mới, tính thiết thực và ý nghĩa cộng đồng ngày càng sâu rộng của hội nghị ĐBND. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đa Tốn Bùi Văn Mạ cho rằng, để có nghị quyết hội nghị ĐBND tốt, công tác chuẩn bị nội dung rất quan trọng...
Tại quận Long Biên, xác định rõ hội nghị ĐBND là diễn đàn để nhân dân phát huy dân chủ trong xây dựng đời sống văn hóa nên Trung tâm Văn hóa quận có vai trò quan trọng hỗ trợ, phối hợp tổ chức hội nghị. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Quận ủy, UBND quận, MTTQ và Phòng Văn hóa quận phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn các phường, tổ dân phố về hội nghị ĐBND, lựa chọn đơn vị làm điểm, hướng dẫn xây dựng báo cáo, chương trình hành động, nghị quyết, trang trí, kịch bản hội nghị, cung cấp biểu mẫu, nội dung để nhân dân thảo luận... Cách làm này giúp Long Biên thành điểm sáng về triển khai nhiệm vụ tổ chức hội nghị ĐBND.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Đình Đức, bên cạnh những đơn vị tiêu biểu, một số đơn vị tổ chức hội nghị ĐBND chưa đạt yêu cầu là do thiếu sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, giao khoán cho MTTQ, hoặc lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn không dự hội nghị để nắm bắt, chỉ đạo, chấn chỉnh. Để khắc phục vấn đề này cần có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cùng cấp và MTTQ cần nâng cao trách nhiệm rà soát, tổng hợp, phân loại ý kiến phản ánh của nhân dân để kiến nghị và theo dõi kết quả giải quyết triệt để; tạo niềm tin, phấn khởi để nhân dân phát huy dân chủ, đoàn kết cùng tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...
Năm nay, TP Hà Nội có 584/584 xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị ĐBND đúng tiến độ. Chất lượng hội nghị cao hơn với 77.554 đại biểu tham dự trên tổng số 83.732 đại biểu được mời, đạt tỷ lệ 92,62%, tăng 3% so với năm trước; số lượng ý kiến đóng góp trực tiếp tại các hội nghị đạt tới 15% số người tham dự. Hơn 4.000 ý kiến tại hội nghị phong phú, thẳng thắn, bàn, hiến kế những vấn đề quan trọng cho địa phương. |