Cảnh báo nhiều, người dân vẫn thờ ơ!

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:28, 15/06/2015

(HNM) - Món tiết canh lợn từ lâu đã trở thành món

Theo quan sát của chúng tôi, tại các quán ăn chuyên bán lòng lợn, tiết canh (chủ yếu vào buổi sáng và trưa) vẫn có nhiều thực khách "ngon miệng" với món tiết canh lợn tươi đỏ. Khi được hỏi, ăn tiết canh không sợ mắc liên cầu khuẩn lợn? Nhiều thực khách vẫn thản nhiên: "Ăn suốt, có sao đâu?!".

Nhiễm liên cầu lợn sẽ gây nhiều hậu quả khó lường. Ảnh: Thái Hiền



Nhưng theo các bác sĩ, thời gian qua, dù cảnh báo nhiều về mối nguy hại từ nguồn bệnh liên cầu lợn ở người tiềm ẩn trong tiết canh, thế nhưng số trường hợp nhập viện vì căn bệnh nguy hiểm này vẫn không giảm. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, trong tháng 5 và 6, liên tiếp nhiều ca bệnh đã nhập viện vì viêm màng não mủ do liên cầu khuẩn lợn. Những trường hợp trên đều có tiền sử nghiện rượu và "khoái khẩu" với món lòng lợn tiết canh. Đặc biệt, mới đây, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương vừa tiếp nhận 4 trường hợp phải cấp cứu do ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn, trong đó một người đã tử vong.

Làm nghề bán thịt lợn lại nghiện rượu nên món sở trường trong các bữa nhậu của anh Nguyễn Tuấn H. (36 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) là tiết canh. Từ ngày 3-6, anh H. sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, trên da mặt, đùi, cẳng chân xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử. Anh H. được gia đình đưa đến BV huyện Mỹ Đức xét nghiệm và được chẩn đoán sốc nhiễm trùng nghi do liên cầu khuẩn lợn. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới trung ương trong tình trạng sốc, suy đa phủ tạng, có ban xuất huyết hoại tử trên da nhiều vùng. Tại đây, bệnh nhân được lọc máu, thở máy, dùng các biện pháp hồi sức tích cực nhưng tiên lượng vẫn nguy kịch. Trước đó, bệnh nhân Vũ Quang M. (52 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội), nghiện món tiết canh và rượu. Ngày 20-5, bệnh nhân lên cơn sốt cao. Hai ngày sau, bệnh nhân xuất hiện các ban hoại tử và được đưa đến BV quận Hoàng Mai. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới trung ương trong tình trạng sốc nhiễm trùng, hôn mê, trên da toàn thân có nhiều màng xuất huyết hoại tử. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân M. dương tính với liên cầu khuẩn lợn cả trong máu và dịch não tủy. Sau khi sốc nhiễm trùng hôn mê, phải thở máy và hồi sức tích cực, gia đình đã xin cho bệnh nhân về, bệnh nhân đã tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khẳng định, trong tiết canh lợn tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, tả lỵ, liên cầu khuẩn…, trong đó, nguy hiểm nhất là bệnh liên cầu khuẩn. Bởi bệnh rất dễ gây biến chứng viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nguy cơ tử vong cao. Người bị viêm màng não do liên cầu khuẩn thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa với các biểu hiện như sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiện của viêm màng não. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong. Thống kê của Chương trình quản lý kháng sinh (AMS) của BV Bệnh Nhiệt đới trung ương cho thấy, gần 70% số ca viêm màng não mủ trong năm 2014 là do liên cầu khuẩn lợn gây ra.

Ăn tiết canh kèm uống rượu càng nguy hiểm

Với quan niệm của nhiều người, tiết canh vừa mát vừa bổ nên đã sử dụng thường xuyên. Thậm chí, có người cho rằng, ăn tiết canh kèm vài chén rượu là diệt được hết vi khuẩn. Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà chuyên môn, tiết canh là ổ bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, món ăn này sẽ nguy hiểm hơn đối với những người vừa uống rượu vừa ăn tiết canh có nhiễm khuẩn khiến bệnh thường diễn biến trầm trọng hơn. Không chỉ ăn tiết canh lợn, tiết canh dê... mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn bệnh và ăn các sản phẩm từ lợn chưa nấu chín đều có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, tác nhân gây bệnh liên cầu lợn là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis). Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là xoang mũi, tai, hầu họng lợn. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. Trong một đàn lợn khỏe cũng có một tỷ lệ nhất định các cá thể lợn mang vi khuẩn. Khi lợn bị ốm, sức đề kháng bị suy giảm thì liên cầu khuẩn mới gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn. Như vậy, nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng, con lợn đó không mang trong người liên cầu khuẩn. Đó là lý do tại sao, có những gia đình tự nuôi lợn, thấy lợn rất khỏe mạnh nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và tử vong. Thậm chí, nhiều người cẩn thận tìm mua lợn ở các vùng núi về chế biến tiết canh vì nghĩ là sạch nhưng cũng đã có người phải nhập viện chỉ ngay sau vài giờ thưởng thức món khoái khẩu này.

Mặc dù bệnh liên cầu khuẩn lợn không phát triển thành dịch, chỉ rải rác quanh năm nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh là rất cao. Do vậy, người dân không nên chủ quan với bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn phải nằm viện điều trị lâu dài, phải lọc máu với chi phí rất tốn kém. Sau điều trị, nhiều người có di chứng, phải cắt cụt tay, chân hoặc bị điếc. Vì vậy, không nên ăn tiết canh của bất kỳ động vật nào.

Thu Trang