Doanh nghiệp cần sự chia sẻ

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:06, 15/06/2015

(HNM) - Thông tin đáng mừng là đến nay, Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại với các đối tác, quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới.


Như vậy, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 55 nước, trong đó có 15 nước trong nhóm 20 nền kinh tế phát triển của thế giới. Điều này cũng có nghĩa hội nhập không còn là xu thế mà là chuyện hằng ngày với doanh nghiệp trong nước, mở ra cơ hội làm ăn, phát triển, đưa hàng hóa Việt Nam vươn xa khắp thế giới.

Nhưng, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ còn quá nhiều việc phải làm để đủ sức cạnh tranh, đứng vững khi hội nhập, bước vào các sân chơi lớn mà mọi thứ đều công khai, minh bạch, bình đẳng. Rõ nhất là lãi suất vốn vay doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng. Chắc chắn doanh nghiệp "nội" sẽ không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp "ngoại" khi lãi suất vay vốn 9-10%/năm trong khi doanh nghiệp ngoại chỉ phải trả 1-2%/năm. Chi phí vay vốn quá lớn dẫn tới các chi phí khác cũng không thể giảm được. Thứ nữa, với điều kiện thị trường, điều kiện của nền kinh tế hiện nay, lợi nhuận doanh nghiệp đạt được chỉ 3-5% nên với chi phí vay vốn lớn, doanh nghiệp cũng không thể "hấp thụ" được. Từ đó, dẫn đến nghịch lý, có những gói tín dụng lãi suất thấp doanh nghiệp lại không có nhu cầu, trong khi doanh nghiệp cần tiền để sản xuất kinh doanh lại phải vay nguồn vốn lãi suất cao. Chưa kể, ngoài chi phí vốn, doanh nghiệp Việt Nam (kể cả các tổng công ty lớn) thua kém doanh nghiệp ngoại ở nhiều mặt khác, từ kỹ năng quản trị chuyên nghiệp đến thương hiệu, thị trường…

Vậy phải làm thế nào? Thực ra, trong bối cảnh hiện nay, cả doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan hoạch định chính sách đều hiểu việc giảm ngay lãi suất bằng với doanh nghiệp ngoại là không thể. Bởi hiện cả ngân hàng và doanh nghiệp, trong đó có nhiều tổng công ty nhà nước, vẫn đang phải trả giá cho những sai lầm từ những năm 2008 - 2009. Cùng với đó, việc giảm lãi suất vốn vay phải đi kèm các chính sách, nhất là phụ thuộc vào mục tiêu phát triển và sức khỏe nền kinh tế… Tuy nhiên, nhìn vào chặng đường hội nhập, doanh nghiệp cũng như cơ quan hoạch định chính sách đều cần phải có bước đi phù hợp từ bây giờ.

Kính Lúp