Thiếu cả thương hiệu mạnh và thông tin thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 06:01, 15/06/2015
Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng sản phẩm chưa tốt, số lượng xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu ở dạng thô nên giá bán không cao. Trong khi đó, các nghiên cứu quan trọng ở khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nhập khẩu... còn thiếu, cũng ảnh hưởng đến tình hình cung - cầu.
Xuất khẩu nông sản đang gặp nhiều khó khăn do giá nông sản thế giới bị sụt giảm. Ảnh: Giang Sơn |
90% xuất khẩu dưới dạng thô
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính 5 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 5,62 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm rất mạnh ở các mặt hàng gạo (14,6%), cà phê (38%). Nhiều tổ chức thế giới dự báo, trong năm nay và cả 10 năm tới, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn khó khăn do giá nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục sụt giảm.
Còn theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích: Từ năm 2012 đến nay, giá xuất khẩu nông sản liên tục sụt giảm. Điểm yếu của nông sản Việt Nam là chất lượng thấp và giá cả khó cạnh tranh. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu gạo vào tốp đầu của thế giới nhưng không có thương hiệu, không kiểm soát được hóa chất, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn đến thực trạng giá còn rất khiêm tốn. Đến 90% các mặt hàng nông sản cũng dừng lại ở mức xuất thô chứ chưa chế biến nên giá cả thấp và tăng giảm thất thường, được mùa giá giảm và ngược lại. Chất lượng hàng nông sản đang gần không đáp ứng được với yêu cầu của thế giới, chẳng hạn như mặt hàng cà phê, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta, nhưng thế giới lại ưa chuộng cà phê Arabia... Bên cạnh đó, hệ thống thông tin dữ liệu còn bất cập, nhu cầu kinh doanh đòi hỏi được cung cấp thông tin từ phía Nhà nước như sản xuất, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, tồn kho thì các dữ liệu này "kín như bưng". Các doanh nghiệp cũng như Nhà nước chưa có những nghiên cứu cụ thể về doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu nên đã ảnh hưởng đến quá trình vận hành chuỗi, dễ bị thiên lệch và khó khăn trong định hình chiến lược đề xuất chính sách nhằm cải thiện hoặc nâng cấp chuỗi giá trị.
Cần sớm đổi mới tư duy
Để phát triển bền vững, quan trọng là phải nâng cao chất lượng hàng nông sản. Trong các chính sách của Nhà nước cần chú ý tới việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị gia tăng. Doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa theo quy trình kỹ thuật bảo đảm an toàn, có địa chỉ tiêu thụ cụ thể thì xuất khẩu nông sản mới thuận lợi.
Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có hai vấn đề quan trọng để nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông sản là chất lượng và kiểm soát được chất lượng. Để làm được, nông dân phải đóng vai trò chủ lực nhưng nằm trong sự tổ chức của doanh nghiệp. Cần chú trọng tới yếu tố phát triển thị trường, có đội ngũ dự báo thông tin ở trong và ngoài nước để sản xuất dựa được trên các đánh giá nhu cầu thị trường. Đối với thị trường xuất khẩu phải có chiến lược lâu dài nhằm gia tăng doanh thu. Các mặt hàng kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD thì mức gia tăng không thể dựa vào số lượng và may rủi của thời tiết mà cần đa dạng chủng loại và có thêm nhiều phân khúc sản phẩm.
Ông Lê Thanh Hòa, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Khi gia nhập WTO, Việt Nam bảo hộ các ngành hàng sản xuất có ưu thế như gạo, cà phê..., giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp cũng như nguồn vốn cho việc đầu tư khoa học công nghệ cao vào sản xuất cũng như khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm; hạn chế việc xuất khẩu thô, tăng số lượng xuất khẩu ở dạng tinh để nâng cao giá bán; đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản... Đó là những thuận lợi rất lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp phải quan tâm, phối hợp với cơ quan quản lý trong nước để tìm hiểu quy định trong việc đưa các sản phẩm nông sản vào thị trường các nước.