Thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng môi trường sống
Xã hội - Ngày đăng : 05:43, 15/06/2015
Triển khai chương trình, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã chủ động quán triệt, xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, đề án gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu được những kết quả rất tích cực.
Thực hiện Chương trình 07 đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo đô thị. Ảnh: Mạnh Hà |
Chú trọng quy hoạch chuyên ngành
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 07, từ năm 2011 đến nay, UBND TP Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh, hoàn thành công tác lập và phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành, các kế hoạch 5 năm và hằng năm làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Thành phố đã chỉ đạo tập trung bố trí nguồn vốn, tăng cường kiểm tra tiến độ các công trình trọng điểm, trong đó tập trung vào các công trình phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn, hệ thống chiếu sáng đô thị, công viên, vườn hoa. Đặc biệt, Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, tổ chức giao thông để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Chú trọng công tác quy hoạch chuyên ngành, Ban Chỉ đạo Chương trình 07 đã chỉ đạo các ngành chức năng của thành phố tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn chỉnh các quy hoạch về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, tài nguyên và môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, năm 2050 trình các bộ, ngành thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố phê duyệt, tiêu biểu như: Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội; quy hoạch hệ thống nghĩa trang thành phố; quy hoạch xử lý chất thải rắn; quy hoạch hệ thống cây xanh công viên vườn hoa và hồ nước; quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên nước; quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện nay, thành phố đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch về GTVT Thủ đô, vận tải đường sắt đô thị, vận tải thủy, vùng cấm khai thác và cho phép khai thác sử dụng nước, xả nước thải… Đối với các quy hoạch đã phê duyệt, UBND TP Hà Nội đã công bố quy hoạch, chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, các đề án, quy định chuyên ngành để triển khai thực hiện theo từng giai đoạn, lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư để huy động các nguồn vốn thực hiện ngoài ngân sách.
Công tác bảo đảm hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố được thực hiện có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm, phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố. Đến nay, vận chuyển hành khách công cộng đáp ứng 35% đến 40% nhu cầu đi lại của nhân dân, tăng từ 7% (năm 2008) lên 14% (năm 2014) và dự kiến đến hết năm 2015 tăng 15% nhu cầu đi lại của nhân dân. Diện tích đất dành cho giao thông cũng có chuyển biến, tăng từ 7% (năm 2008) lên 8,36% năm 2014), dự kiến đến hết năm 2015, tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,65% diện tích đất xây dựng đô thị. Thành phố đã chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT nhằm nhanh chóng hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng khung GTVT bao gồm các đoạn, tuyến còn lại trên đường vành đai, các dự án đường sắt đô thị, các nút giao, cầu vượt cho người đi bộ, các cầu qua sông và hệ thống giao thông tĩnh theo phương thức xã hội hóa. Nổi bật, đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông, giúp kiểm soát, điều khiển linh hoạt đèn tín hiệu giao thông, tránh ùn tắc.
Tương tự, lĩnh vực bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường cũng được thành phố quan tâm chỉ đạo các sở chuyên ngành thực hiện tích cực. Thành phố đã hoàn thành dự án cải tạo, nâng công suất các trạm, nhà máy cấp nước, duy trì, tăng nguồn nước và cấp ổn định với công suất 900.000 đến 930.000m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Theo thống kê, toàn thành phố có 96% dân đô thị được sử dụng nước sạch; công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến nơi tập trung đạt 98% ở 12 quận, thị xã Sơn Tây, 89% ở 17 huyện ngoại thành. Đặc biệt, thành phố có 100% khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung; 16% cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ
Được xác định là chương trình công tác quan trọng và đã có sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, quận, huyện, tuy nhiên đánh giá tổng thể, vẫn còn một số công trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị bị chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là công tác chuẩn bị đầu tư, công tác tư vấn còn bất cập, dẫn đến chưa đủ điều kiện để phê duyệt và ghi vốn thực hiện; tiến độ thực hiện các dự án BT xây dựng hạ tầng giao thông còn chưa bảo đảm; tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tồn tại bất cập. Ngoài ra, cơ chế, chính sách về GPMB còn nhiều vướng mắc, không đồng nhất khi áp dụng, dẫn đến không tạo sự đồng thuận của người dân, gây khiếu kiện. Việc bố trí vốn cho các dự án chưa đáp ứng nhu cầu, dẫn đến nhiều dự án phải tạm dừng, giãn, hoãn tiến độ...
Theo dự báo, trong thời gian tới, khủng hoảng kinh tế vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng đầu tư xây dựng, các kế hoạch, đề án. Vì thế, tại cuộc họp mới đây, Ban Chỉ đạo Chương trình 07 đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng còn lại của năm 2015, đó là: Hoàn chỉnh đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, các kế hoạch, đề án; tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, kỹ thuật đô thị; bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo đó, Sở QH-KT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để hoàn thành các quy hoạch chuyên ngành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Sở KH&ĐT phối hợp với Sở Tài chính đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa có hiệu quả; cân đối, bố trí vốn các dự án trọng điểm, quan trọng, ưu tiên GPMB, mua và xây nhà tái định cư. Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu, các sở, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết từ khâu quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thiết kế thẩm định, phê duyệt dự án, giao đất, xác định nguồn gốc đất và GPMB.
Yếu tố quan trọng được Ban Chỉ đạo nhấn mạnh là cần tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ thành phố trong việc xây dựng hạ tầng đô thị cấp bách như nghĩa trang, các cơ sở hỏa táng, các khu chôn lấp rác thải tập trung, nhà máy xử lý chất thải rắn…