Vì sự bình an của người dân!
Xã hội - Ngày đăng : 05:33, 15/06/2015
Trên những trang báo dày đặc những dòng tít không dễ bỏ qua: "Dông lốc kinh hoàng tại Hà Nội, người chết, cây đổ ngổn ngang", "Mưa dông khủng khiếp quật ngã hàng loạt cây xanh tại Hà Nội", "Chỉ một trận tố lốc, Hà Nội đã tan hoang"... Phố phường trong cơn dông lốc được cư dân mạng mô tả với nhiều cung bậc cảm xúc: "Cửa kính trong nhà vỡ tan tành, điện mất, cửa sổ, cửa chính va vào nhau xủng xẻng thành một loại âm thanh đáng sợ..."; "Cái cây trước cửa nhà em đã gãy ngang thân, đập vào cả mái... Bé cháu gái sợ, mặt xanh như tàu lá..."... Phía sau những thông tin mang tính sẻ chia ấy không chỉ có sự sợ hãi, lo lắng bởi khí hậu biến đổi, không ai lường trước được thiên tai, trong khi đó, cây xanh Hà Nội vẫn rất đỗi "mong manh" như hết thảy chúng ta đều thấy.
Cũng trong sáng 14-6, lãnh đạo TP Hà Nội đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND 12 quận nội thành triển khai các giải pháp trợ giúp người dân ổn định cuộc sống. Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, cơn mưa dông chiều 13-6 kèm gió lốc có sức giật cấp 8, cấp 9, đã gây hậu quả nghiêm trọng: Hai người chết, nhiều người bị thương, hơn 1.000 cây xanh bật gốc, gãy cành, 98 cây chắn ngang đường gây cản trở giao thông, gần 140 nhà bị tốc mái, nhiều cột bê tông lưới điện bị đổ, gây mất điện trên diện rộng, nhiều ô tô, xe máy hư hại... Sau dông lốc, nhiều đường phố Hà Nội rơi vào tình trạng hỗn loạn. Quận Hai Bà Trưng "chịu trận" nặng nhất: 207 cây, 25 cột điện bị đổ, 11 ô tô bị đè rúm ró, cột ăng ten đổ vào nhà dân, nhiều nhà bị tốc mái..., rồi mất điện trên diện rộng...
Đâu là nguyên nhân chính gây ra những thiệt hại lớn như thế? Người ta vẫn nói "nắng mưa là bệnh của trời", khí hậu biến đổi khắc nghiệt, thiên tai có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, nhưng thiệt hại nhiều hay ít có phần do chủ quan của con người. Nói cách khác, do cung cách ứng xử với thiên nhiên và ứng phó thảm họa thiên nhiên của con người. Cả nghìn cây xanh gãy đổ, bật gốc trong dông lốc, nhưng thiệt hại không dừng ở đó mà nhân lên khi cây cối ập xuống nhà cửa, kho tàng, ô tô, xe máy... của người dân. Điều rất đáng nói là những cảnh báo về thiệt hại đã được đưa ra từ nhiều năm trước, những người có trách nhiệm đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện nhiều đề án để giảm thiểu thiệt hại. Thế nhưng cơ sự lại như câu ngạn ngữ "Cái gì đến cũng đến".
Cây xanh là thực thể của đô thị, không thể tồn tại mãi với thời gian dù là một phần không thể thiếu trong đời sống đô thị. Những người đã trồng cây cách đây 10-15 năm và trước đó sẽ nghĩ gì khi hàng loạt cây đổ, gãy "giết người", đè bẹp xe cộ, nhà cửa chính là những cây rễ chỉ bám hờ vào đất, thân cây giòn và mềm. Và những người từng "đốt nóng" dư luận bằng những lo ngại kiểu như "cây xanh bị đốn hạ như một cuộc thảm sát" sẽ nghĩ gì khi chỉ một cơn lốc tràn qua đã khiến cả nghìn cây xanh gục ngã, gãy gập, gây thiệt hại người và của? Những người từng cho rằng "việc chặt cây không khác gì giết đi những người bạn của con người" sẽ nghĩ gì trước những tuyến phố ngổn ngang ô tô, xe máy bẹp rúm, những nén hương thắp vội cho người xấu số vì sự "vô tình" của những "bạn cây"? Và nữa, những người đã vô ý hoặc cố tình làm sai chủ trương thay thế, trồng mới cây xanh trên nhiều tuyến phố của Hà Nội sẽ nghĩ gì trước những tai họa đã và rất có thể tiếp tục đổ xuống phố phường? Suy nghĩ cũng là một cách chiêm nghiệm để thấu đáo hơn trong tư duy và cung cách hành xử. Sẽ có người cố tình cho rằng đặt ra những câu hỏi như trên là "tát nước theo mưa", nhân chuyện lốc để nói chuyện cũ rằng chủ trương cải tạo, thay thế, trồng mới cây xanh là đúng! Thực ra, không phải chờ đến cơn lốc kinh hoàng mới khẳng định chủ trương đúng vì về bản chất chủ trương vốn tự thân đã đúng dù cho ai đó cố tình xuyên tạc bằng mọi cách. Vấn đề là khi triển khai một chủ trương đúng thì không được phép làm sai và hơn nữa, không được phép buông tay khi dư luận, báo chí vô tình hay cố ý hiểu sai, kể cả khi bị phê phán. Bở lẽ, việc làm đúng, ngay ngắn, mục đích vì cuộc sống người dân thì không sợ gì cả.
Trở lại với việc trồng mới và thay thế cây xanh trên một số tuyến phố của Hà Nội - vấn đề từng làm "nóng" dư luận, tiêu tốn không ít giấy mực của báo chí và đã được đặt lên bàn nghị sự của các đại biểu Quốc hội đúng vào ngày 13-6, ngày mà cuối buổi chiều đã xảy ra cơn mưa lốc kinh hoàng, một lần nữa cần khẳng định rằng, lãnh đạo thành phố đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với cây xanh vì một Hà Nội trải dài trong màu xanh của không gian truyền thống. Điều này đã được chứng minh trong quy hoạch thành phố với những không gian xanh, vành đai xanh...; đặc biệt, những năm gần đây, không ít dự án xây dựng đã được chuyển thành công viên, vườn hoa. Việc thay thế, trồng mới cây xanh trên một số tuyến phố cách đây mấy tháng có thể tạo ra một cú sốc với nhiều người, nhưng lắng lại trong suy nghĩ, hoàn toàn có thể xem là việc làm bình thường trong quản lý đô thị. Hơn nữa, đây lại là một phần của Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn năm 2014-2015 cần khẩn trương thực hiện trong bối cảnh mùa mưa bão đến gần và hệ thống cây xanh của thành phố đang tồn tại rất nhiều bất cập (cây không đúng chủng loại cây đô thị, cây trồng đã nhiều năm sâu mọt, có nguy cơ gãy đổ...). Chỉ có điều - xin một lần nữa nhắc lại nguyên tắc ai cũng biết - không ai được phép xuyên tạc sự thật, cũng như không ai được phép tự cho mình cái quyền làm sai chủ trương đúng!
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong ngày 13-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Trong quá trình triển khai thực hiện, có những sai sót nhất định. Điều quan trọng, TP Hà Nội đã chủ động thanh tra, kết luận và đã báo cáo với Chính phủ và Trung ương, chỉ đạo tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân vi phạm khuyết điểm trong quá trình chỉnh sửa cây xanh Hà Nội. Chính phủ rất hoan nghênh thái độ nghiêm túc của Hà Nội...
Việc Hà Nội triển khai cải tạo, thay thế, trồng mới cây xanh đô thị hai bên đường là một chủ trương đúng và hết sức cần thiết nhằm hạn chế xuống mức thấp nhất hiểm họa từ hệ thống cây xanh của thành phố hiện đang tồn tại rất nhiều vấn đề; đồng thời, xây dựng nền tảng cho một Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại (xanh là yếu tố đầu tiên và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng). Hơn nữa, để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu với những diễn biến ngày càng khó lường, Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn năm 2014-2015 phải được đẩy nhanh tiến độ. Nếu không, người dân thành phố sẽ tiếp tục gánh chịu nhiều hậu quả từ thiên tai và cả... nhân tai.
Điều quan trọng lúc này là rút kinh nghiệm từ bài học lớn trong tổ chức thực hiện Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn năm 2014-2015 để có những giải pháp đúng, đưa chủ trương, chính sách của thành phố vào cuộc sống. Cái giá phải trả của cơn dông lốc chiều 13-6 là quá lớn với nhiều người Hà Nội. Không ai muốn sống với âu lo, sợ hãi trong mùa mưa bão; không ai muốn trả giá thêm sau những mất mát và cũng không ai có thể đoán trước tai họa đến lúc nào. Và như một lẽ đương nhiên, khi những việc làm của cơ quan chức năng thật sự vì lợi ích cộng đồng, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân. Khi đã thật sự là "người trong cuộc", không ai khác, chính họ sẽ lên tiếng phản bác những hành động sai trái, những biểu hiện "lệch chuẩn", phản văn hóa hoặc những âm mưu thù địch, cản trở sự phát triển của xã hội.
Chúng ta hãy yêu cây xanh bằng trái tim và trách nhiệm, cùng tạo sự đồng thuận xã hội để chủ trương cải tạo, thay thế, trồng mới cây xanh trên các tuyến phố Hà Nội của thành phố phát huy hiệu quả cao nhất, để cây xanh Hà Nội vững vàng trước dông lốc, gió mưa. Và, để mọi người dân được hưởng sự bình an mỗi khi đi trên đường phố.