Chờ đợi thực hiện "lời hứa"

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:32, 15/06/2015

(HNM) - Sau hai ngày ruỡi, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc vào trưa 13-6. Bốn bộ trưởng đăng đàn trong trả lời chất vấn tại kỳ họp này, gồm: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Kết thúc phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trả lời các câu hỏi chung.

Các vấn đề được đại biểu chất vấn khá rộng, từ vĩ mô như: Nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, công nghiệp phụ trợ… đến những chuyện nhỏ nhưng liên quan trực tiếp đến dân sinh như: Giáo viên đánh giá cho học sinh qua nhận xét, hành tím rớt giá… Có vấn đề không mới như liên kết "bốn nhà" trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tình trạng "được mùa rớt giá" tiếp tục diễn ra nhưng chưa được giải quyết triệt để hay kết quả thực hiện "lời hứa" không như cử tri mong muốn tiếp tục được đưa ra chất vấn. Lại có những vấn đề lần đầu được chất vấn tại Quốc hội là các công trình nghiên cứu khoa học nghiệm thu xong "bỏ vào ngăn kéo", tình trạng sử dụng kinh phí còn lãng phí trong nghiên cứu, sức ép của kỳ thi "2 trong 1" đối với học sinh THPT. Có một điểm rất đáng chú ý là trong phiên chất vấn đã không còn câu hỏi, hỏi cho có, hay câu hỏi thiếu trọng tâm để chủ tọa nhắc nhở. Nhiều đại biểu trở đi trở lại vấn đề, truy đến cùng khi các "tư lệnh" ngành trả lời chung chung, vòng vo, thiếu cụ thể. Đặc biệt những câu hỏi ngắn gọn đi thẳng bản chất vấn đề của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã làm cho các "tư lệnh" ngành không thể né tránh.

Về phần trả lời của các "tư lệnh" ngành cũng như của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm rõ những điều mà dư luận hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ dẫn đến bức xúc như: Xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng là thế nào, tại sao các công trình nghiên cứu cơ bản phải nhét vào "ngăn kéo"... Nói chung, các "tư lệnh" ngành trả lời trơn tru, "thuộc bài" song có "tư lệnh" vẫn né tránh. Chẳng hạn như giá điện phải tăng nhưng cử tri chỉ biết lý do tăng là để thu hút đầu tư vào ngành, trong khi giá điện tăng có nguyên nhân từ chính nội tại ngành điện song người tiêu dùng phải gánh chịu vì độc quyền doanh nghiệp chưa được trả lời thỏa đáng. Phần nhận trách nhiệm của các bộ trưởng khá chung chung, không rõ nguyên nhân là do cơ chế hay do khả năng lãnh đạo.

Phiên chất vấn chỉ có hai ngày rưỡi mà các bộ trưởng nhận quá nhiều câu hỏi đã cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm và lo lắng của các đại biểu Quốc hội và qua đó cũng lộ ra nhiều bất cập trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Ai cũng biết khoa học công nghệ là chìa khóa mở ra thành công kinh tế song đầu tư cho khoa học vẫn dàn trải, trung bình một đơn vị nghiên cứu chỉ có 1 tỷ đồng/năm. Ai cũng biết muốn phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cần phải có chính sách hỗ trợ kèm theo đó là quỹ đầu tư nhưng cho đến nay, sau nhiều năm có chủ trương, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội từ nhiều năm nay luôn thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước vì các đại biểu thay mặt họ nói lên mong muốn và nguyện vọng với các bộ, ngành và Chính phủ. Họ quan tâm vì các bộ trưởng hứa gì và thực hiện lời hứa sau kỳ họp thế nào. Đó là mong muốn chính đáng mà các bộ trưởng không thể khác phải có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành hiệu quả, chứ không thể chỉ hứa, nhận lỗi rồi… để đấy.

Thủy Tiên