Ra mắt cuốn sách "Nhà báo Điều tra"
Sách - Ngày đăng : 15:21, 14/06/2015
Tác giả - nhà báo Đức Hiển chia sẻ với đông đảo độc giả tại buổi ra mắt. |
Cuốn sách dày 183 trang do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tổng hợp nhiều chủ đề xoay quanh câu chuyện nghề báo, nhà báo viết về mảng phóng sự điều tra như Vì sao tôi viết; Báo cáo đề tài; Phối hợp điều tra; Khi nhà báo viết sai... đem đến cho độc giả một góc nhìn chân thật và rõ nét những "góc cạnh" của nghề báo vốn được xem là một trong những nghề nguy hiểm trong xã hội.
Xuất thân từ trường luật, tác giả - nhà báo Đức Hiển chia sẻ đôi lúc vẫn cảm thấy lúng túng khi viết bài điều tra những vấn đề liên quan đến pháp luật. "Đôi khi chỉ một từ dùng không đúng ngữ cảnh cũng có thể khiến bạn rơi vào thế bị động khi bị kiện ra tòa", tác giả - nhà báo Đức Hiển chia sẻ tại buổi ra mắt.
Từ những trải nghiệm, kinh nghiệm qua nhiều năm làm báo, đặc biệt là mảng phóng sự điều tra, tác giả - nhà báo Đức Hiển đã trả lời hàng chục câu hỏi của bạn đọc, đồng nghiệp, sinh viên báo chí tại buổi ra mắt sáng nay. "Đối với lứa chúng tôi, cộng tác năm bảy năm mà vẫn chưa được vào nghề chính thức là chuyện bình thường. Bây giờ báo điện tử nhiều quá, cơ hội nghề nghiệp dành cho các bạn yêu thích nghề báo cũng mở rộng hơn. Tuy nhiên, đằng sau đó là sự dễ dãi với nghề", tác giả - nhà báo Đức Hiển chia sẻ với đông đảo bạn trẻ.
Chia sẻ về những khó khăn trong nghề, nhất là những nhà báo điều tra, tác giả - nhà báo Đức Hiển cho biết, đôi khi quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ kéo dài hàng năm trời, và đôi khi một loạt bài điều tra tốn kém hàng trăm triệu đồng. "Do đó, trong bối cảnh hiện nay không ít tờ báo rất khó đầu tư nhiều vào mảng điều tra nếu chỉ nhìn vào hiệu quả ở khía cạnh kinh tế. Đây là trở ngại của những người đang và sẽ dấn thân vào nghề", tác giả - nhà báo Đức Hiển nhận định.
Nói về những cống hiến của tác giả - nhà báo Đức Hiển, nhà báo Nam Đồng (nguyên Tổng Biên tập báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các loạt bài điều tra của Đức Hiển như mũi nhọn xung kích góp phần cùng đồng đội tạo ra điều mà Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận định: "Hiện tượng trong làng báo!"