Một gia đình gần 13 năm không có lối đi

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:44, 13/06/2015

(HNM) - Ông Nguyễn Đình Nghĩa, thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức) cho biết, từ năm 2004, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành quyết định cưỡng chế đối với hành vi lấn chiếm đất đai của hộ ông Nguyễn Đình Vui trên ngõ đi chung của xóm, bịt hết lối đi vào nhà ông.

Lối đi nhờ quá hẹp khiến việc đi lại của gia đình ông Nghĩa gặp nhiều khó khăn.


Tranh chấp kéo dài

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 xuống cấp, ông Nguyễn Đình Nghĩa không giấu nổi sự thất vọng sau nhiều năm đề nghị các cấp chính quyền huyện Hoài Đức và các cơ quan chức năng giải quyết tranh chấp ngõ đi chung giữa gia đình ông và hộ ông Nguyễn Đình Vui, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ông Nghĩa cho biết, ngõ đi vào nhà bị "lấp" từ năm 2002 nên suốt từ đó đến nay, việc đi lại của 8 thành viên trong gia đình ông; vận chuyển nông sản vào nhà của ông gặp rất nhiều khó khăn. Cũng trong gần 13 năm qua, mọi hoạt động đi lại của gia đình ông phải nhờ hàng xóm là nhà ông Nguyễn Đình Tý nhưng lối vào có đoạn chỉ rộng khoảng 50cm, do đó các phương tiện như xe cải tiến, xe máy của gia đình ông Nghĩa đều phải gửi các gia đình gần đó.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức và các tài liệu liên quan, nguồn gốc thửa đất của ông Vui và ông Nghĩa đang ở là đất cha ông để lại. Năm 1970, bố ông Nghĩa làm nhà có thỏa thuận với bố ông Vui để lại một phần diện tích làm ngõ đi chung. Từ đó hai gia đình sử dụng ngõ đi này. Bản đồ đo đạc năm 1986 tại xã Tiền Yên cũng thể hiện ngõ đi này là ngõ đi chung có chiều dài 16,5m, rộng 3m. Được biết, việc tranh chấp ngõ đi chung giữa hộ ông Nghĩa và ông Vui diễn ra từ tháng 8-2002, khi hộ ông Vui tiến hành đào móng, xây dựng các công trình phụ như giếng khoan, nhà tắm, bể nước, công trình vệ sinh trên diện tích ngõ đi chung này. Thế nhưng phải đến khi ông Nghĩa có đơn gửi chính quyền các cấp đề nghị giải quyết tranh chấp ngõ đi chung (đầu tháng 9-2002), UBND xã Tiền Yên mới biết. Lúc đó UBND xã mới kiểm tra và có văn bản yêu cầu ông Vui ngừng xây dựng và ban hành quyết định đình chỉ xây dựng công trình vi phạm của hộ ông Vui. Song bất chấp lệnh "đình chỉ" của UBND xã, hộ ông Vui vẫn cố tình xây dựng và hoàn thành công trình, bịt lối đi của hộ ông Nghĩa.

Qua nhiều lần hòa giải không thành, ngày 16-1-2004, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã ban hành Quyết định số 98/QĐ-KPHQ áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt về quản lý và sử dụng đất đai đối với ông Vui. Quyết định nêu rõ, toàn bộ các công trình ông Vui xây dựng trên phần đất công phải tháo dỡ, giải phóng để trả lại diện tích đã lấn chiếm và đưa vào sử dụng đúng mục đích là ngõ đi chung. Tuy nhiên, không những không chấp hành, ông Vui còn có đơn khiếu nại Quyết định số 98 nêu trên. Theo đó, ngày 17-3-2004, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành Quyết định 452/QĐ-UB về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Vui với nội dung "Giữ nguyên nội dung Quyết định số 98". Không đồng tình, ông Vui tiếp tục có đơn khiếu nại Quyết định số 452 gửi UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Quyết định số 817/QĐ-UB ngày 13-8-2004 của UBND tỉnh Hà Tây về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Vui một lần nữa "giữ nguyên nội dung Quyết định số 452/QĐ-UB" và khẳng định việc gia đình ông Vui xây dựng các công trình trên ngõ đi chung là trái với quy định của pháp luật.

Chính quyền thiếu quyết liệt

Thực hiện Quyết định số 817, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành Quyết định số 2483/QĐ-UB ngày 18-11-2004, về việc cưỡng chế thực hiện Quyết định số 98 của UBND huyện. Theo đó, UBND huyện Hoài Đức giao cho UBND xã Tiền Yên xây dựng kế hoạch cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trên đất ngõ đi chung của hộ ông Vui, xong trước ngày 30-11-2004. Quyết định nêu rõ như vậy, thế nhưng suốt bấy nhiêu năm qua, công trình vi phạm của hộ ông Vui vẫn tồn tại?

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới vì sao đến nay vi phạm chưa được xử lý, ông Tạ Đăng Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Tiền Yên cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về việc tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm của hộ ông Vui, từ năm 2006, UBND xã đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế, đã 2 lần tổ chức cưỡng chế đối với công trình vi phạm của hộ ông Vui, nhưng không thành. Lý do, công tác chuẩn bị chưa chu đáo; tại các buổi cưỡng chế, rất đông người dân thôn Tiền Lệ kéo đến nhà ông Vui không đồng tình với quyết định cưỡng chế, nhiều người phản đối quyết liệt, chuẩn bị gạch, đá, xăng nhằm mục đích chống trả lực lượng cưỡng chế… Hơn nữa, năm 2012, ông Vui có đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án Nhân dân huyện hủy Quyết định hành chính số 98 và Quyết định số 2483 của Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, nên việc xử lý phải tạm dừng.

Được biết, sau khi Tòa án Nhân dân huyện Hoài Đức, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm và phúc thẩm, không chấp nhận yêu cầu hủy hai quyết định nêu trên của ông Vui, UBND huyện Hoài Đức giao Thanh tra huyện đôn đốc UBND xã Tiền Yên thực hiện Quyết định số 2483. Theo đó, Thanh tra huyện Hoài Đức đề nghị Chủ tịch UBND xã Tiền Yên chủ động phối hợp với các ngành của huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Quyết định 2483 về việc cưỡng chế thực hiện Quyết định số 98; gửi kế hoạch về UBND huyện và Thanh tra huyện trước 30-12-2014. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà mãi đến ngày 8-4-2015 vừa qua, UBND xã Tiền Yên mới xây dựng xong kế hoạch tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên, khi được hỏi về thời gian cưỡng chế công trình vi phạm tại thôn Tiền Lệ, ông Tạ Đăng Nghiệp chưa đưa ra được câu trả lời chắc chắn.

Việc tranh chấp ngõ đi kéo dài nhiều năm không được xử lý dứt điểm cho thấy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức thiếu sự quyết liệt trong việc thực hiện quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nhằm hạn chế đơn thư kéo dài, ổn định tình hình địa phương, đề nghị UBND huyện Hoài Đức khẩn trương chỉ đạo xã Tiền Yên tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm trên đất ngõ đi chung của hộ ông Vui, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi cản trở việc cưỡng chế. 

Đỗ Hà