Xây dựng Trạm biến áp An Hòa 2, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì): Bản chất sự việc là gì?

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:41, 13/06/2015

(HNM) - Thông tin tới đường dây nóng Báo Hànộimới (043.8247615 và 0912.438855), người dân xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) bức xúc phản ánh: Địa phương đang xây dựng Trạm biến áp (TBA) An Hòa 2 tại thôn An Hòa. Nhưng quá trình triển khai thực hiện dự án, chính quyền không tổ chức họp dân để thông báo công khai các quyết định, văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Không những thế, dự án xây mới TBA chỉ nhằm phục vụ việc sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp trên địa bàn xã. Vậy bản chất sự việc là thế nào?

Tìm hiểu thực tế tại thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, phóng viên (PV) Báo Hànộimới được nhiều người dân phản ánh: Khi triển khai thực hiện dự án xây dựng TBA An Hòa 2, cán bộ thôn chỉ đưa đại diện chủ đầu tư và đơn vị thi công đến gặp những hộ gia đình có vị trí cột nằm trên ruộng canh tác để thỏa thuận bồi thường. Theo thiết kế, đường dây điện cao áp đi qua địa bàn hai thôn Hiệu Lực và An Hòa, nhưng những hộ dân có ruộng nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện không được thông báo về dự án. Đến đầu tháng 4-2015, khi đơn vị thi công bắt đầu chôn cột tại các khu đồng Cỏ, gò Vun… thì người dân mới biết là có dự án xây mới TBA. Ông Nguyễn Văn Hưởng (thôn Hiệu Lực) cho rằng: Khi thực hiện dự án, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã vi phạm khoản 1, Điều 9, Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ, không thông báo cho "hộ gia đình, cá nhân là chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng và tài sản khác nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp biết". Người dân đặt câu hỏi: Phải chăng việc xây dựng TBA này nhằm phục vụ cho một doanh nghiệp đóng trên địa bàn thôn An Hòa nên chính quyền và chủ đầu tư không công khai rõ về dự án?

Được biết, thôn An Hòa có hơn 300 hộ dân, được cấp điện từ một TBA do ngành điện đầu tư xây dựng khoảng năm 2004. Do nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất tăng cao, trong khi hệ thống lưới điện đã xuống cấp, khu vực cuối nguồn điện áp xuống thấp, đặc biệt vào những giờ cao điểm, dẫn đến cháy các thiết bị điện, gây thiệt hại tài sản cho nhiều hộ gia đình. Đơn cử như trường hợp gia đình ông Phan Văn Hưng ở thôn An Hòa hiện nuôi 200 con lợn, 20 con bò sữa và khoảng 200 con gà, nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt của gia đình ông chỉ có đèn điện chiếu sáng, tivi, quạt cùng các loại máy vắt sữa, máy phay cỏ, máy bơm nước dùng trong chăn nuôi. Do điện áp luôn trong tình trạng quá thấp nên ông Hưng phải dùng ổn áp loại 7,5kvA (trước đó đã bị cháy một ổn áp 5kvA - PV). Còn gia đình anh Kiều Văn Huy (thôn An Hòa) luôn trong tình trạng bức xúc vì "lần lượt" bị cháy 1 tủ lạnh, 1 bộ âm ly và loa, 2 máy bơm nước, 2 quạt, 1 tivi, tổng thiệt hại ước tính hơn 10 triệu đồng. Mỗi lần thiết bị điện bị cháy, anh Huy yêu cầu cán bộ điện lực đến kiểm tra, sửa chữa, lập biên bản và đều nhận được kết luận nguyên nhân do… điện yếu. Do du cầu sử dụng điện của người dân An Hòa quá cấp thiết nên UBND xã đã trình UBND huyện Ba Vì, Công ty Điện lực Ba Vì để đề nghị được giúp đỡ, xây dựng thêm TBA. Cuối năm 2014, khi dự án xây TBA An Hòa 2 được UBND TP Hà Nội phê duyệt, Công ty Điện lực Ba Vì đã chuyển công văn tới UBND xã Tản Lĩnh, thông báo về việc thực hiện dự án. Theo đó, UBND xã đã giao cán bộ thôn phối hợp với chủ đầu tư thực hiện các công việc theo quy định và mời các hộ dân có vị trí cột nằm trên ruộng canh tác họp về vấn đề bồi thường GPMB…

Được biết, trong bản phụ lục kèm theo Quyết định số 4003/QĐ-EVN Hà Nội ngày 31-10-2014 của Tổng công ty Điện lực Hà Nội thể hiện: "Xây dựng công trình đường dây và TBA trên địa bàn huyện Ba Vì năm 2015 gồm các xã: Tản Lĩnh, Sơn Đà, Cổ Đô, Minh Quang và Vật Lại". Theo đó, xã Tản Lĩnh có dự án xây dựng mới TBA An Hòa 2, nằm trên địa bàn thôn An Hòa. Việc xây mới TBA An Hòa 2 cũng được thể hiện trong bản phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 14-2-2015 của UBND TP Hà Nội, với nội dung: "Xây mới TBA An Hòa 2, xã Tản Lĩnh; công suất đề nghị điều chỉnh quy hoạch 250kvA; điện áp 10(22)kV; lộ đường dây 975 E1.7; thời điểm vận hành năm 2015". Như vậy, rõ ràng việc thực hiện dự án xây dựng TBA An Hòa 2 là trên cơ sở các quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch do UBND thành phố và Tổng công ty Điện lực Hà Nội ban hành, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho các hộ dân thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh, không phải để phục vụ một cá nhân như thông tin bạn đọc phản ánh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án, chính quyền địa phương và chủ đầu tư mới chỉ thông tin đến các hộ có vị trí cột đi qua, khiến cho người dân trong thôn bị thiếu thông tin, gây nên bức xúc và hiểu chưa đúng mục tiêu của dự án.

Thiết nghĩ, dự án xây mới TBA An Hòa 2 sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân An Hòa trong sinh hoạt và phát triển kinh tế. UBND xã Tản Lĩnh và Công ty Điện lực Ba Vì cần phối hợp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các hộ dân được biết, để người dân cùng hợp tác với chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công sớm hoàn thiện công trình và đưa vào sử dụng, bảo đảm cung cấp điện cho nhân dân.

Trung Nguyên