Luật Trẻ em: Tôn trọng các bí mật đời tư của trẻ
Đời sống - Ngày đăng : 06:09, 13/06/2015
Trẻ có quyền bí mật thư tín, điện thoại, internet…
Một trong những điều luật được nhiều người quan tâm nhất là Điều 20 của dự thảo Luật Trẻ em. Trong đó quy định: "Trẻ em có quyền được giữ gìn, bảo mật thông tin, hình ảnh cá nhân, đời sống riêng tư; có quyền bí mật thư tín, điện tín, internet và các hình thức trao đổi thông tin cá nhân khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ, xâm phạm trái pháp luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của trẻ em theo quy định của pháp luật".
Trẻ em luôn cần được tạo những điều kiện tốt nhất để học tập và phát triển toàn diện. Ảnh: Nhật Nam |
Bà Lê Thị Giang (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) cho rằng, nội dung này của luật thực sự đã bó tay các bậc phụ huynh. Đến tuổi vị thành niên, con trai bà trở nên ít nói, ít chia sẻ với mẹ hơn. Để hiểu con, biết được con suy nghĩ gì, chơi với những bạn nào, quan tâm đến vấn đề gì, bà thường xuyên theo dõi con qua blog, kiểm tra các nội dung "chat", thư điện tử của con. Chính nhờ theo dõi con qua mạng, bà đã ngăn chặn kịp thời một vụ đánh nhau để trả thù cho bạn giữa các học sinh cùng khối học của con mình, uốn nắn kịp thời cho con không sa đà vào việc chia sẻ những phim ảnh không lành mạnh... Cũng như bà Giang, ông Lê Thái Sơn luôn bận rộn với công việc kinh doanh, chỉ có thể quản lý con qua các phương tiện cá nhân. Ông cho rằng, môi trường giao tiếp của trẻ bây giờ quá rộng, phức tạp; nếu bố mẹ không kiểm soát, ngăn ngừa những hành vi sai trái, định hướng kịp thời thì chúng sẽ hư rất nhanh. Nhờ bí mật kiểm tra điện thoại của con, ông từng phát hiện con bị bạn rủ rê sử dụng thuốc lắc.
Theo nhiều bậc phụ huynh, việc quản lý, dạy con qua bí mật kiểm soát sự riêng tư của trẻ hiện rất phổ biến trong các gia đình. Đây là cách giúp các bậc cha mẹ kịp thời ngăn chặn cái xấu, khuyến khích con phát triển những mặt tốt. Nay dự thảo Luật Trẻ em cấm kiểm soát, xâm phạm thư tín, điện thoại và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư… của trẻ, nhiều phụ huynh không biết sẽ theo dõi, quản lý để giáo dục, bảo vệ con như thế nào.
Trẻ có quyền định đoạt tài sản riêng
Tương tự, Điều 21 của dự thảo luật cho phép "trẻ em có quyền có tài sản, quyền thừa kế theo quy định của pháp luật; cha mẹ hoặc người giám hộ có quyền định đoạt tài sản riêng của trẻ em vì lợi ích tốt nhất của trẻ; phải có sự đồng thuận của trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên. Trẻ em từ đủ 15 tuổi trở lên có quyền định đoạt tài sản riêng"… Nội dung này đã khiến nhiều bậc phụ huynh, cộng đồng lo lắng. Sau mỗi dịp tết, không ít trẻ có hàng chục triệu đồng tiền mừng tuổi. Bên cạnh đó, số trẻ có bố mẹ ly thân, ly hôn, được sở hữu tài sản thừa kế từ ông, bà nội - ngoại, bố, mẹ ngày càng nhiều. Theo dự luật, trẻ em được tự ý sử dụng số tài sản riêng đó, bất kể mục đích tốt, xấu. Quan trọng hơn, có tốt không khi trẻ biết mình được sở hữu, có quyền quyết định, sử dụng một khối tài sản lớn. Quyền này có giúp trẻ tốt hơn lên hay khuyến khích chúng thử những thứ như chơi game, đánh bạc, lô đề; tạo điều kiện cho trẻ bị lợi dụng hoặc tệ hại hơn là trở thành mục tiêu của kẻ xấu (rủ rê sử dụng thuốc lá, ma túy để kiểm soát, chi phối). Nhiều người cho rằng, việc cho phép và tạo quyền cho trẻ dưới 18 tuổi được quyết định những vấn đề về bản thân khi trẻ chưa đủ năng lực là không hợp lý.
Về điều này, TS Lê Đình Nghị (Đại học Luật Hà Nội) lại cho rằng, dự thảo Luật Trẻ em đang tạo khuôn khổ pháp lý cho việc nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phù hợp với hoàn cảnh đất nước đổi mới, thực hiện Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã cam kết. Theo đó, dự thảo luật đang thực thi đúng nội dung Hiến pháp năm 2013, trong đó quy định trẻ em là một con người, có quyền công dân, quyền con người, phải được tôn trọng các bí mật đời tư. Thực ra, đây là bước phát triển tất yếu. Tại nhiều nước phát triển như Pháp, Anh, Đức, Hà Lan… các quyền này của trẻ đã được công nhận và thực thi nghiêm túc, có hiệu quả tích cực trong chăm sóc, giáo dục, quản lý trẻ em.
Việc xây dựng các quy định trên trong dự thảo Luật Trẻ em được coi là một bước tiến bộ mới, tuy nhiên, ban soạn thảo cũng cần cân nhắc với tập quán, trình độ phát triển để có lộ trình phù hợp. Song song với đó là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp mọi người hiểu và đồng thuận để công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng tốt hơn.