[Cập nhật] Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân: "Có lãng phí trong lĩnh vực khoa học"
Chính trị - Ngày đăng : 09:47, 12/06/2015
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cũng đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi của các đại biểu. Trả lời đại biểu Trần Thị Kim Thúy về việc vì sao Việt Nam vẫn chưa có thị trường công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã cho biết, thị trường công nghệ là thị trường muộn nhất trong tất cả các thị trường. Sau năm 2000, chúng ta mới bắt đầu xây dựng thị trường này. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập thị trường KHCN. Và đến năm 2014, Thủ tướng tiếp tục có quyết định phát triển thị trường công nghệ. Chúng ta cần quan tâm đến yếu tố pháp lý cho KHCN. Hiện nay, chúng ta còn yếu kém về định chế trung gian, các tổ chức làm dịch vụ của KHCN. Nên không thể định giá, giá trị công nghệ để kết nối giữa các nhà khoa học đến các doanh nghiệp cần sử dụng công nghệ. Thời gian qua, chúng tôi đã có một số sàn công nghệ ở Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM… gần đây đã phát triển. Các nhà khoa học và các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng. Các sàn này đã phát huy được vai trò kết nối trung gian của nó. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân chưa được tham gia thị trường này. Thời gian tới chúng tôi sẽ tìm các đầu tư cá nhân tham gia để phát triển tốt thị trường này.
Bộ trưởng Nguyễn Quân. |
Một trong các yếu tố khiến thị trường công nghệ chưa phát triển cũng là do thời gian qua chúng ta có khó khăn về biên chế, khó khăn về ngân sách nên không làm được các tổ chức trung gian để phát triển được thị trường không nghệ. Trong 10 năm tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển khâu yếu nhất này.
Trả lời câu hỏi về vấn đề tính hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học, liệu có hay không cơ chế xin cho? Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân thẳng thắn thừa nhận, hiện nay có khoảng trên dưới 3.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đa phần các đề tài “xếp ngăn kéo”, nhưng vì chúng đi trước thời đại nên không thể đưa vào ứng dụng ngay được. Đề tài ứng dụng thì thiếu ngân sách để đầu tư đi vào thực tế, nên nhiều kết quả nghiên cứu tốt thì thiếu nhà đầu tư để nó đưa nó vào thực tế. Còn một số đề tài nghiên cứu thiếu thực tế, nghiên cứu theo sở thích và ý tưởng nên không thể sử dụng được. Tuy nhiên từ nay trở đi, các đề tài phải được đặt hàng, không thể nghiên cứu theo ý thích. Bộ sẽ xem xét, nghiên cứu xem có đi vào thực tiễn được không mới cho phép đơn vị đặt hàng. Tuy nhiên, nếu chúng ta áp dụng nghiêm Luật KHCN năm 2013 thì sẽ ko còn điều này xảy ra.
Sau phần giải lao, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân tiếp tục nhận câu hỏi về vấn đề công khai minh bạch trong việc cấp kinh phí dự án, trả lời tiếp về vấn đề giống cây trồng, vật nuôi. Bộ trưởng cho rằng, vấn đề hỗ trợ kinh phí để giúp cho các ứng dụng khoa học về giống cây trồng, vật nuôi vào thực tế vẫn là vấn đề chủ chốt. Trong khi chúng ta vấp phải sự cạnh tranh của các nước lân cận, nên chúng ta chỉ chọn mua giống rẻ, không hiệu quả cao. Hiện nay, Bộ đang tiến hành lập Quỹ gen của tất cả giống cây trồng vật nuôi có giá trị cao của Việt Nam được bảo tồn và phát triển, song song với việc nhập khẩu các giống có giá trị cao của nước ngoài. Chúng ta đã làm được gây giống cá Tầm và cá Hồi phát triển tại Việt Nam. Tất nhiên điều này còn phải có thời gian phát triển giống còn là bảo quản sau khi thu hoạch. Trách nhiệm chúng tôi là chưa đảm bảo để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Thời gian tới chúng tôi sẽ ưu tiên đầu tư cho các doanh nghiệp tiềm năng có khả năng đưa giống cây trồng vật nuôi vào thực tế.
Về việc đảm bảo việc cấp kinh phí cho nghiên cứu khoa học làm sao để hiệu quả? Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, hiện nay, việc cấp kinh phí được chia ra 3 nhiệm vụ: nhiệm vụ cấp quốc gia do Nhà nước giao cho Bộ; nhiệm vụ cấp bộ và cấp tỉnh do Bộ và tỉnh quản lý; nhiệm vụ cấp cơ sở. Từ đó sẽ chia ra theo Luật ngân sách nhà nước. Đề tài đề án, xét duyệt từ năm trước đến tháng 7 hàng năm sẽ báo cáo Bộ Tài chính để xét duyệt nên thường bị chậm. Trách nhiệm này là của Bộ KHCN, từ nay chúng tôi sẽ áp dụng theo Luật KHCN 2013, và sẽ khắc phục triệt để tình trạng chậm, không hiệu quả của các nghiên cứu này.
Trả lời câu hỏi cho rằng, làm thế nào đảm bảo được tính công khai minh bạch trong việc xin kinh phí nghiên cứu dự án? Liệu có hay không cơ chế “xin cho”?
Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra các dự án không có hiệu quả, nếu không hiệu quả sẽ thu hồi vốn. Tiêu chí đánh giá của hiệu quả của công nghệ là năng suất, yếu tố tổng hợp của dự án. Yếu tố THP là yếu tố KHCN, vốn, lao động liên quan đến tăng trưởng GDP. Năm 2008, THP có giá trị âm (-), sau đó đã có giá trị dương (+), gần đây đã tăng 3,9%. Như vậy, nếu đầu tư KHCN đúng, hiệu quả, giám sát chặt chẽ sẽ đạt hiệu quả kinh tế tốt.
Luật 2013 cũng yêu cầu cơ chế đặt hàng dự án, quy trình thủ tục xin cấp kinh phí nghiên cứu đề tài rất chặt chẽ, do đó chắc chắn sẽ giải quyết triệt để các đề tài, dự án không hiệu quả. Ngoài ra, việc thành lập hội đồng khoa học khách quan, không phụ thuộc vào một cá nhân, không chỉ liên quan đến vài nhà khoa học quen thuộc, từ đó sẽ đảm bảo tính minh bạch. Công khai trên các báo để đảm bảo tính công bằng cho tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia đề tài đó.
Liên quan đến ý kiến của ĐB về nên trích mỗi kg nông sản thực phẩm xuất để đầu tư trở lại KHCN, người đứng đầu ngành khoa học công nghệ cho rằng, cách đây nhiều năm ông đã có ý kiến như vậy và ông hoàn toàn ủng hộ ý kiến mà ĐB nêu, nhưng thực hiện không đơn giản, vấn đề là phải có những quy định cụ thể về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Mạnh Hùng về quản lý sử dụng kinh phí cho khoa học thiếu minh bạch, có hiện tượng cán bộ quản lý gợi ý ăn chia với các Viện, các trường ảnh hưởng chất lượng đề tài nghiên cứu, Bộ trưởng KHCN cho biết, đến giờ phút này chưa ai phản ánh và cung cấp cho ông về việc trên. “Nếu có, ĐB có thể chuyển địa chỉ cho chúng tôi, tôi bảo đảm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật”-Bộ trưởng Bộ KHCN nói.
Về nguồn phóng xạ bị mất, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, trong 5 năm gần đây có 4 lần xảy ra mất nguồn phóng xa, trong đó 2 nguồn đã tìm lại được, 2 trường hợp chưa tìm thấy, rất may là chưa gây tác hại lớn. Ông cũng nhận trách nhiệm của Bộ KHCN về việc trên. Tuy nhiên ông cũng cho biết, khâu kiểm tra, giám sát, thanh tra hàng năm về phóng xạ làm chưa thật đầy đủ bởi hiện không còn thanh, kiểm tra liên ngành về phóng xạ, mà chỉ thông qua thanh tra của Sở KHCN. Với khoảng 3.000 cơ sở sử dụng phóng xạ, mà nhân lực kiểm tra mỏng nên công tác kiểm tra ít.
“Khi xảy ra mất phóng xạ, chúng tôi đều phối hợp với các Sở và UBND các tỉnh để truy tìm. Với trường hợp DN vừa rồi để mất phóng xạ, mức xử phạt cao nhất là 80 triệu đã được đưa ra. Tuy nhiên, mức này chưa đủ để răn đe. Vì vậy, chúng tôi mong chế tài xử phạt nâng lên để đủ mức răn đe” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói. Người đứng đầu ngành KHCN cũng cho biết, thời gian tới có thể sẽ gắn thiết bị định vị phóng xạ để dễ tìm kiếm hơn nếu phóng xạ bị thất lạc.
Trước câu hỏi của ĐB về lãng phí trong lĩnh vực khoa học, lúc đầu Bộ trưởng Nguyễn Quân không trả lời thẳng mà lại nói chi kinh phí cho khoa học ở nước ta theo đầu người thấp nhiều hơn so với thế giới. Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng “truy" đến cùng, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã thừa nhận là có lãng phí trong khoa học, và việc này liên quan đến cơ chế đầu tư không tới ngưỡng, đề tài không bám sát cuộc sống nên không dùng được.
Trả lời câu hỏi của 1 ĐB về những khó khăn khi liên kết 4 nhà, người đứng đầu Bộ KHCN cho biết, ông có quan điểm khác với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, theo ông Nhà nước có vai trò quan trọng nhất chứ không phải DN, vì Nhà nước không tạo cơ chế chính sách, không bảo đảm an toàn cho DN thì 3 nhà còn lại rất khó liên kết với nhau.
Ông cũng đưa ra mô hình liên kết 4 nhà thuyết phục nhất là Công ty bảo vệ thực vật An Giang. “Đây là mô hình 4 nhà tốt nhất hiện nay. DN có 2 viện nghiên cứu, có nhiều kỹ sư, kỹ sư đều là bạn của nông dân, tư vấn các vấn đề liên quan, sau đó DN làm toàn bộ khâu đầu đến cuối của cây trồng, kể cả chế biến và xuất khẩu. Nếu như các vùng nông thôn của chúng tổ chức theo công ty này chúng ta không còn phải băn khoăn về 4 nhà, sẽ không còn tình trạng được mùa rớt giá, giá xuất khẩu bị dìm thấp như hiện nay”-Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Liên quan đến vấn đề khác, trước lo lắng của ĐB Lê Thị Công, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành bãi rác công nghệ thế giới nếu không có giải pháp, hàng rào kỹ thuật.
Ông cho biết, năm trước Bộ đã xin ý kiến các bộ, ngành và xây dựng Thông tư 20 về việc trên nhưng khi ban hành lại có một số bất cập nên tạm dừng. 6 tháng đầu năm nay, Bộ KHCN đã tổ chức hội thảo để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo cuối cùng. “Quan điểm là chúng tôi là vẫn phải ban hành văn bản để hạn chế nhập thiết bị máy móc cũ nhằm tránh Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ thế giới. Trong dự thảo trên có quy định cơ chế hậu kiểm DN, DN được lựa chọn thời gian sử dụng máy móc chưa quá 10 năm hoặc chất lượng máy móc còn trên 70%...”.
Về DN làm tàu bằng chất lệu mới đã được Hải quân đăng kiểm nhưng Bộ GTVT lại không đăng kiểm, Bộ trưởng cho biết sẽ trao đổi lại xem lý do cụ thể.
Với thắc mắc của ĐB Lê Nam về tiền dành cho KHCN tiêu không hết nhưng nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích mà người dân sáng chế lại không có tiền để triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận có thực trạng trên. Tuy nhiên, theo ông, hiện luật ngân sách không có nội dung trong mục chi ngân sách cho các sáng chế nên các Sở KHCN chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần, không thể hỗ trợ kinh phí trực tiếp như các viện nghiên cứu. “Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Tài chính. Sắp tới hai bộ sẽ ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn hỗ trợ tài chính sáng kiến của người dân. Chúng tôi sẽ sớm ban hành thông tư này” - Bộ trưởng Bộ KHCN nói.
Buổi chiều Bộ trưởng Nguyễn Quân tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu.
Để có thể giải quyết những vướng mắc về vấn đề tiền đầu tư cho những sản phẩm công nghệ hữu ích mà người dân sáng chế lại không có tiền để triển khai. Hiện nay, chúng tôi đang thử lập Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ đầu tiên, được đầu tư cho nhóm khởi nghiệp đầu tiên. Lúc đầu chỉ đầu tư 200.000 USD, sau đó đã bán được cho 1 doanh nghiệp nước ngoài với giá 4 triệu USD. Điều này cho thấy nếu đầu tư mạo hiểm có thể có kết quả kinh tế rất lớn. Sau này Quỹ này sẽ không dùng ngân sách nhà nước.
Trả lời câu hỏi của ĐB Hoàng Thị Tố Nga về đổi mới công nghệ quốc gia, đầu tư công nghệ cao có hiệuh quả mà không bị trùng lắp, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện có 15 dự án cấp nhà nước và 25 công trình khác đang giao cho các bộ khác như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính… Chúng tôi sẽ cho rà soát toàn bộ các công trình đó, để không có các dự án trùng lặp để loại bỏ. Và mới đây nhà nước có chế độ chính sách ưu tiên để giải phóng mặt bằng khu Công nghệ cao Hòa Lạc, sau đó bộ sẽ cho tiến hành kêu gọi đầu tư, xây dựng hoàn thiện khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Trả lời thắc mắc về hiệu quả của Chương trình nông thôn miền núi, Bộ Trưởng Nguyễn Quân cho rằng, Chương trình nông thôn miền núi có từ năm 2001, Suốt 15 năm nay chương trình đã đem lại cho đời sống kinh tế người dân được nâng cao nhưng chưa phát triển đồng đều trên diện rộng được. Hạn chế là nguồn lực của chương trình còn rất khiêm tốn, vì nguồn kinh phí thấp mà nước ta có 63 tỉnh thành nên vẫn còn nhiều tỉnh thành chưa thể cấp vốn đồng bộ được. Cũng có ý kiến nói rằng dự án chồng chéo (ví dụ: dự án nấm bị chồng chéo), nhưng tôi khẳng định mỗi địa phương có một điều kiện địa lý khí hậu khác nhau phù hợp một loại nấm khác nhau như: tỉnh trồng nấm mỡ, tỉnh trồng nấm dược liệu…)
Còn về vấn đề các doanh nghiệp tiếp cận thông tin KHCN còn khó, Bộ trưởng khẳng định hiện nay hệ thống mạng của Bộ KHCN đã phát triển đồng bộ, nhưng việc truy cập vào tìm hiểu thông tin, các cơ sở dữ liệu còn khó một phần là do sự quan tâm đến cơ sở dữ liệu còn ít người quan tâm, thời gian tới chúng tôi sẽ tích cực truyền thông đến mọi người và các doanh nghiệp để có thể truy cập thông tin một cách dễ dàng hơn.
Đại biểu Trần Du Lịch thắc mắc về việc khả năng hấp thụ công nghệ của chúng ta còn yếu, đây chính là điều chúng tôi trăn trở nhất. Nhưng sắp tới, Bộ có hơn 50 thông tư mới sẽ thay đổi toàn bộ cục diện về vấn đề này. Chúng tôi sẽ thực hiện khoán chi đến tận cùng, các nhà khoa học không phải quá lo đến việc chứng minh hóa đơn, tài chính. Hy vọng thời gian tới có thông tư 93 sẽ làm cho các nhà khoa học thoát khỏi việc lo giấy tờ chứng minh tài chính nhiều hơn thời gian nghiên cứu.
Có đại biểu đặt ra vấn đề ngành KHCN chưa thực sự là Quốc sách, nhưng tôi cho rằng việc đầu tư cho KHCN chưa xứng là ngành quốc sách hàng đầu! Nếu chúng ta làm được việc kêu gọi đầu tư cho KHCN như Hàn Quốc, thì chúng ta sẽ thấy ngành KHCN là quốc sách hàng đầu. Tôi hy vọng KHCN sẽ được quan tâm như giáo dục, y tế thì chúng tôi sẽ được đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm phát triển nhanh hơn. Chúng ta phải tôn trọng nhà khoa học, giành cho các nhà khoa học những đầu tư tốt nhất. Chúng ta phải hội nhập quốc tế, không thể quản lý khoa học bằng ngân sách.
Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến doanh nghiệp làm tàu composit đã được Hải quân đăng kiểm nhưng Bộ GTVT lại không đăng kiểm, Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời rằng, việc đóng tàu bằng vật liệu này chưa có trong tiền lệ nên phải xin ý kiến phê chuẩn về quy chuẩn, quy phạm bằng vật liệu này mới cấp phép. Chúng tôi đang thử nghiệm rồi mới tiến hành cho đăng kiểm. Bộ trưởng Thăng cũng khẳng định, trong tháng 6/2015 sẽ giải quyết được cơ bản những thắc mắc cho doanh nghiệp đóng tàu bằng vật liệu mới PVC, sau đó cho chạy thử nghiệm rồi mới cấp phép lâu dài.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận:Qua chất vấn và trả lời tại hội trường cho thấy đảng, nhà nước và các đại biểu đặc biệt quan tâm đến nền KHCN nước nhà, cụ thể là quan tâm đến khoa học, công nghệ nước nhà…Từ đó rút ra đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học ở các lĩnh vực làm được rất nhiều công trình ứng dụng thành công tốt.
Qua tâm sự của Bộ trưởng thấy còn nhiều nỗi lo lắng: KHCN chưa phải là quốc sách hàng đầu, đi theo đó là hàng loạt vấn đề đặt ra: đầu tư còn quá thấp. Đầu tư từ doanh nghiệp, cá nhân, các định chế tài chính khác, từ ngân sách… còn ít. Nhưng rõ ràng công tác kêu gọi ngân sách đầu tư cho KHCN còn rất ít. Lo lắng về mức độ quản lý nhà nước: từ xét duyệt đề tài, quy trình thủ tục hành chính còn rất nhiều bất cập. Cơ chế tài chính cũng còn bất cập. Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa lậo được. Nhà khoa học trong 4 nhà đều thấy là vị trí nhà khoa học xâm nhập vào rất khó khăn…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ ra những tồn tại trên là do thị trường KHCN ra đời quá chậm, mà KHCN là yếu tố tri thức mà lại phát triển chậm. Định giá về sản phẩm trí tuệ rất khó khăn. Cái này phải để thị trường định giá. Cơ chế tự chủ trong nghiên cứu khoa học cho đến nay còn chậm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, qua phiên chất vấn này, yêu cầu Bộ trưởng tham mưu cho quốc hội làm sao để KHCN thực sự là Quốc sách. Tuy nhiên, phát triển thị trường KHCN phải đồng bộ trong đó phải theo đúng cơ chế thị trường. Người mua, người bán và ở giữa phải có trung gian để mua bán được thông suốt. Từ đó nhà khoa học được tôn vinh. Có những công trình nghiên cứu khoa học phải được đưa ra thị trường, phải được quốc hội dùng, phải được Bộ dùng, được thị trường dùng…Đúng ra thị trường phải đi sớm hơn, đi trước. Phải đưa ứng dụng KHCN vào thực tế. Tất cả mọi dịch vụ đều cần công nghệ. Kết nối nhà khoa học và người ứng dụng vào thực tiến. Đưa các tác phẩm có giá trị ra thị trường. Mô hình 4 nhà vận dụng nhiều hơn. Đưa tri thức vào nông nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đề nghị Bộ trưởng Bộ KHCN phối hợp các bộ khác để đưa giá trị công nghệ, đẩy mạnh thương hiệu để thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận. Sản phẩm mang tầm quốc gia, sản phẩm mang tầm quốc tế..
Kiên quyết tự chủ tài chính trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sẽ phát triển và nâng cao đời sống cán bộ. Phát triển các thành phần kinh tế tham gia vào nghiên cứu khoa học.
Từ đó chúng ta khuyến khích những người sản xuất ra sản phẩm khoa học, phải có cơ chế khuyến khích đủ mạnh. Phải có cơ chế đánh giá, đủ tài để đánh giá sản phẩm khoa học. Phải có cơ chế tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Phải xây dựng quy chế mạo hiểm, có thể huy động nguồn lực bên ngoài để làm. Xem xét lại những vướng mắc để báo cáo Chính phủ để cùng giải quyết những vướng mắc đó để ngành KHCN thực sự là “Quốc sách” hàng đầu.