Ngành y tế Hà Nội chủ động ứng phó với đại dịch MERS-CoV
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:22, 12/06/2015
Trước tốc độ lây lan nhanh và nguy cơ xâm nhập vào nước ta, ngành y tế Việt Nam đã chuẩn bị đến đâu và như thế nào để chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh nguy hiểm này ?.
Củng cố 65 đội chống dịch cơ động
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 11-6, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 14 trường hợp mắc mới MERS-CoV và 1 trường hợp tử vong. Như vậy, Hàn Quốc đã ghi nhận 122 trường hợp mắc MERS-CoV, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Tính đến ngày 11-6, tổng số trường hợp mắc bệnh MERS-CoV trên thế giới đã tiếp tục tăng lên tới 1.285 ca, trong đó 454 người đã tử vong tại 26 nước.
Trước nguy cơ dịch MERS-CoV có thể xâm nhập vào nước ta, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh khẳng định, dù chưa ghi nhận ca bệnh nhưng ngành y tế Thủ đô đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Những ngày qua, các đơn vị y tế cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho tất cả nhân viên về các biện pháp dự phòng lây nhiễm và phác đồ cấp cứu chẩn đoán điều trị bệnh. Trung tâm Y tế các quận, huyện đã phân công cán bộ y tế phụ trách theo từng khu vực, nắm chắc địa điểm hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch đến lưu trú, làm việc trên địa bàn, đặc biệt là tại cộng đồng nơi có nhiều người Hàn Quốc sinh sống như tòa nhà Keangnam, khách sạn Marriott… để giám sát phát hiện sớm những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, kịp thời cách ly, điều trị. Bên cạnh đó, ngành y tế Thủ đô đã củng cố 65 đội phòng, chống dịch cơ động, trong đó có 5 đội của Trung tâm Y tế dự phòng và 60 đội của Trung tâm y tế 30 quận, huyện, chủ động bảo đảm đầy đủ trang thiết bị phòng hộ, máy phun, hóa chất cho công tác điều tra, xử lý dịch. Khi có báo cáo xuất hiện dịch bệnh, các đội này sẽ được điều động ngay lập tức.
Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, bên cạnh công tác dự phòng, các bệnh viện (BV) cũng đã bố trí buồng khám sàng lọc bệnh nhân tại khoa khám bệnh và yêu cầu bác sĩ khi gặp các trường hợp viêm đường hô hấp đều phải khai thác tiền sử có đi từ vùng dịch về hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân trong vòng 14 ngày hay không và khuyến cáo khai báo nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh. Mặt khác, phải bố trí khu vực điều trị cách ly theo phân tuyến để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đồng thời xây dựng phương án phân tuyến tiếp nhận, cấp cứu, điều trị hợp lý theo từng cấp độ dịch. Cụ thể, trường hợp phát hiện ca đơn lẻ nhập cảnh qua sân bay Nội Bài sẽ chuyển bệnh nhân về BV Nhiệt đới trung ương. Khi BV Nhiệt đới trung ương quá tải, các bệnh nhân của Hà Nội sẽ được chuyển về BV Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông. Trường hợp số mắc tăng cao, tất cả các BV đều tham gia tiếp nhận bệnh nhân và triển khai phương án thành lập BV dã chiến khi cần thiết.
Sẽ tổ chức diễn tập chống dịch
Đại diện Cụm Cảng hàng không miền Bắc cho biết, từ khi dịch bệnh MERS-CoV diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc cho đến nay, tần suất chuyến bay quốc tế vẫn diễn ra liên tục, lượng khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam không có sự sụt giảm. Vị này cũng đề xuất, tại đây mới chỉ áp dụng kịch bản giám sát hành khách từ trên máy bay bước vào nhà ga, hiện chưa có kịch bản đối phó với hành khách đã mắc bệnh ngồi trên máy bay di chuyển đến Việt Nam. Ngoài ra, tại sân bay cần thiết phải tổ chức diễn tập tình huống giả định khi có hành khách mắc MERS-CoV nhập cảnh để từ đó nhân viên tại đây sẽ biết cách giải quyết khi có tình huống xảy ra trên thực tế.
Không thể chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các quận, huyện, thị xã cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, theo từng tình huống dịch bệnh và giải pháp thực hiện hiệu quả, nhất là tại những nơi tập trung đông người Hàn Quốc sinh sống; tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh nhưng không được gây hoang mang, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, Phó Chủ tịch thành phố giao nhiệm vụ cho Sở VH-TT&DL yêu cầu các khách sạn tuyên truyền cho khách các dấu hiệu nhận biết bệnh, cơ sở y tế cần liên hệ khi có dấu hiệu nghi ngờ. Đặc biệt, ngành y tế không chỉ tiếp tục tăng cường giám sát dịch ngay tại cửa khẩu hàng không mà còn phải tập trung chú ý đến cửa khẩu đường bộ và đường thủy. Khi phát hiện được ca bệnh đầu tiên, tập trung xử lý triệt để, không để lan rộng ra cộng đồng. Ngay trong tuần sau sẽ phải tổ chức diễn tập phòng chống dịch bệnh MERS-CoV để tăng tính chủ động và phản ứng nhanh với tình hình dịch bệnh.
Thuê phiên dịch tiếng Hàn trực đường dây nóng phòng dịch MERS-CoV Ngành y tế Hà Nội đã chủ động in các tờ rơi và poster bằng ba thứ tiếng, gồm: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hàn về các biện pháp chủ động phòng chống dịch MERS-CoV theo hướng dẫn của Bộ Y tế để cấp phát cho hành khách nhập cảnh và cộng đồng. Trong các tờ rơi có in điện thoại tư vấn cách phòng chống dịch bệnh MERS-CoV. Cụ thể, số điện thoại tư vấn bằng tiếng Anh, tiếng Việt: 0969082115 và số điện thoại tư vấn bằng tiếng Hàn: 0949396115. Sở Y tế Hà Nội đã thuê một phiên dịch tiếng Hàn trực đường dây này. Chiều 11-6, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, vào thời điểm này, người dân khi ra vào bệnh viện nên đeo khẩu trang. Ngoài ra, nếu không có việc cấp thiết thì nên hạn chế đến những quốc gia đang có dịch bệnh. |