Trên hết là lợi ích cộng đồng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 12/06/2015
Thực tế cho thấy, báo chí không còn độc quyền, độc giả không còn phải chờ những chương trình truyền hình hay đợi lúc báo phát hành để theo dõi thông tin mà họ có thể tiếp cận bất cứ lúc nào, với đủ kiểu loại hình. Trong bối cảnh như vậy, hơn lúc nào hết, công chúng đòi hỏi rất cao trách nhiệm xã hội của báo chí trong việc đưa đến độc giả những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất.
Một khi mọi người dân đều có thể tìm kiếm, phát tán và giải trí trên truyền thông xã hội thì sự chuẩn xác của thông tin rất cần được kiểm chứng và điều này được đặt lên vai các cơ quan báo chí, cũng đồng nghĩa với việc báo chí có trách nhiệm ngày càng lớn hơn đối với xã hội. Câu hỏi đặt ra là: Trách nhiệm xã hội của báo chí là gì và được thể hiện như thế nào? Có rất nhiều khái niệm khác nhau về trách nhiệm xã hội của báo chí, nhưng tựu trung là thông tin phải được chuyển tải đến bạn đọc phải trung thực, khách quan. Đây cũng là một trong nhiều thuộc tính cơ bản của báo chí. Tuy nhiên, sự trung thực, khách quan cần được hiểu như thế nào trong thế giới phẳng hiện nay? Đây tiếp tục là vấn đề cần được bàn thảo.
Nguyên tắc của báo chí là phải bảo đảm tính chân thật, khách quan, bởi báo chí là phương tiện để phản ánh sự thật, phản ánh cuộc sống. Thế nhưng, có phải chân thật, khách quan là bất kỳ vụ việc, sự kiện gì xảy ra trong đời sống đương đại đều đưa lên mặt báo? Những sự kiện báo chí không đưa, hoặc đưa chậm có phải là thiếu chân thật khách quan? Có lẽ một lần nữa phải khẳng định rằng: Tính chân thật của báo chí không thể hiểu như tính hiện thực của văn học. Do vậy tính chân thật, khách quan của báo chí không thể tách rời tính nhân văn và tính định hướng. Và một điều nữa cần phải khẳng định rằng: Trên thế giới này, không một cá nhân hay tổ chức nào bỏ tiền bạc, công sức đầu tư cho một tờ báo, một kênh phát thanh, truyền hình để người làm báo thích viết cái gì thì viết, thích nói cái gì thì nói... Vậy có thể nói: Tính chân thật, khách quan của báo chí trước hết cần được hiểu là thông tin một cách trung thực, chính xác các vụ việc, sự kiện giúp ích cho sự phát triển của xã hội, phù hợp với tiêu chí của cơ quan báo chí, truyền thông và lợi ích của dân tộc, đất nước, nhân dân.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy, trước hết, người làm báo phải làm tròn trách nhiệm công dân đối với xã hội, phải nâng cao năng lực thẩm định để đưa thông tin đến với bạn đọc một cách tin cậy và có định hướng. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm cải tạo xã hội của báo chí truyền thông. Nói cách khác, người làm báo phải có tư duy đúng, quan điểm đúng và luôn hướng tới cái đẹp trong cuộc sống. Bởi lẽ dù có sử dụng kỹ năng gì đi nữa, nếu người làm báo không hướng vào mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội thì sản phẩm của họ không thể mang tính nhân văn, không thể hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ của nhân loại. Rõ ràng không thể nói đến sự chân thật, khách quan hay trách nhiệm nếu báo chí đứng ngoài sự vận động phát triển của xã hội.