Khó tiêu thụ nông sản: Khâu chế biến chưa tương xứng
Kinh tế - Ngày đăng : 14:54, 11/06/2015
Trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu về vấn đề ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, nước ta đang thực hiện cơ chế thị trường nên việc tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường và định hướng sản xuất phải phù hợp với thị trường thế giới.
“Để thích ứng với thị trường kinh nghiệm hơn 20 năm vừa qua cho thấy, cách tốt nhất chúng ta phải lựa chọn và phát huy những lợi thế của nước ta, hỗ trợ bà con nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn với giá thành hạ hơn để trong mọi tình huống của thị trường thì nông sản của nước ta có khả năng cạnh tranh cao, vẫn có thể bán được nhiều hơn với giá có lợi cho nông dân”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, cùng với việc hỗ trợ người nông dân nâng cao khả năng cạnh tranh nông sản và hỗ trợ người nông dân lúc thị trường có những biến động bất lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để giúp đỡ các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản một cách thuận lợi và có hiệu quả, cần phải tập trung vào phát triển khâu bảo quản và chế biến. Hiện Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch tổng thể cũng như đề án cho từng chuyên ngành, đảm bảo chế biến ra những sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Về tình hình nông dân chạy theo phong trào, được mùa mất giá, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ NN&PTNT cũng như chính quyền các cấp rà soát, quy hoạch để hướng dẫn cho nông dân sản xuất những cây trồng, vật nuôi có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ tốt hơn. Mặt khác, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, về vốn để nông dân có thể sản xuất những sản phẩm có năng suất cao hơn, giá thành hạ hơn.
“Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, yêu cầu mới đặt ra là phải phát triển mạnh hơn hai thành phần trong chuỗi giá trị, đó là các tổ hợp tác, các hợp tác xã và các doanh nghiệp. Chỉ khi chúng ta phát triển theo chuỗi như vậy thì sự tự phát sản xuất của nông dân mới có thể được hạn chế, hiệu quả sản xuất sẽ ổn định hơn”, Bộ trưởng nói.
Toàn cảnh phiên chất vấn của Quốc hội |
Về chủ trương liên kết 4 nhà chưa thành công, theo Bộ trưởng, trên thực tế đối với một số loại sản phẩm như bò sữa và mía đường, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được thực hiện khá phổ biến. Nhưng đối với những sản phẩm mà nông dân không nhất thiết phải gắn bó với nhà máy chế biến hoặc với doanh nghiệp tiêu thụ thì sự liên kết lỏng lẻo hơn.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách để khuyến khích việc liên kết mạnh mẽ hơn. Trong năm 2014, Chính phủ đã triển khai thực hiện việc liên kết đối với cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, hơn 100 doanh nghiệp đã liên kết với nông dân trên diện tích 72 nghìn hecta, nhưng chỉ có 45 nghìn hecta thành công, diện tích còn lại bỏ cuộc giữa chừng. Nguyên nhân khiến mối liên kết vừa qua chưa thành công một phần quan trọng là doanh nghiệp nông nghiệp còn ít và những doanh nghiệp thực sự muốn liên kết, có năng lực về tài chính, có kho tàng, có cơ sở chế biến để có thể liên kết và thực hiện liên kết thì không nhiều.
Bên cạnh đó, ở nông thôn hiện nay, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, các tổ hợp tác và đặc biệt các hợp tác xã rất ít, doanh nghiệp rất khó khăn và gần như không thể liên kết trực tiếp với hàng chục nghìn hộ nông dân, cần phải có các tổ hợp tác và hợp tác xã để làm trung gian giữa doanh nghiệp và nông dân.
“Cái yếu trong khâu liên kết của chúng ta vẫn là thiếu doanh nghiệp mạnh, thiếu Tổ hợp tác, Hợp tác xã để hình thành những chuỗi sản xuất. Trong việc này, chúng tôi có trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành chưa hiệu quả, chúng tôi đang nỗ lực. Chúng tôi cũng trăn trở và cố gắng làm, nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi, chúng tôi sẽ tiếp tục làm quyết liệt, phối hợp với các bộ, các địa phương để triển khai thực hiện”, Bộ trưởng nói.
|
Giải đáp câu hỏi vì sao xuất khẩu gạo chất lượng cao của nước ta phát triển chậm và bao giờ nông dân làm giàu từ sản xuất lúa gạo, Bộ trưởng cho biết, nước ta đã rất cố gắng để xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường gạo chất lượng cao và đã có những tiến bộ. Năm 2014, chúng ta xuất khẩu gạo Zmin đạt hơn 1 triệu tấn trên tổng số 6,5 triệu tấn gạo xuất khẩu. Năm tháng đầu năm, chúng ta đã xuất khẩu được 128 nghìn tấn gạo Zmin và đang từng bước chiếm lĩnh, nâng cao thị phần gạo chất lượng cao hơn, trong đó có các gạo thơm, gạo đặc sản.
“Để cho một hộ trồng lúa sống được bằng thu nhập từ lúa thì phải có diện tích ít nhất là 2 ha, nhưng chúng ta chỉ có 4,1 triệu ha mà có tới 9,3 triệu hộ nông dân trồng lúa, như vậy bình quân mỗi hộ nông dân chỉ được nửa ha, cho nên việc làm giàu là rất khó”, Bộ trưởng nói.
Để người trồng lúa sống được và có nền tảng, Chính phủ đã cố gắng hỗ trợ cho nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo để có thu nhập. Hiện năng suất lúa của nước ta gấp rưỡi mức bình quân toàn thế giới. Chính phủ đang xây dựng một chương trình tái cơ cấu ngành lúa gạo để tiếp tục làm đồng bộ hơn, căn cơ hơn, hiệu quả cao hơn, nhưng cần phải có thời gian và phải có nguồn lực.
Về chất vấn việc tiêu thụ sản phẩm của ngư dân phụ thuộc vào thương lái, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ và Bộ đã nhìn nhận vấn đề này và đã có chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân, cho ngư dân vay vốn để ra khơi sản xuất. Đến nay, theo thống kê, Nhà nước đã cho ngư dân vay 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, đây chỉ là một giải pháp, ngoài ra, còn cần tổ chức lại sản xuất, hình thành tổ đội sản xuất, hệ thống dịch vụ hậu cần và phát triển mạnh hơn hệ thống chế biến, trực tiếp thu mua sản phẩm do ngư dân đưa về bờ.
Vấn đề kiểm soát dịch bệnh và kỹ thuật chăn nuôi, Bộ trưởng cho biết, Bộ đang dốc lực để có những cải tiến về con giống, bắt đầu từ việc chấn chỉnh lại đàn đực giống. Ngoài việc tăng cường nghiên cứu ở trong nước, Bộ đã cho nhập khẩu các giống tốt.
Đối với thức ăn chăn nuôi, theo Bộ trưởng, tồn tại lớn nhất trong thức ăn chăn nuôi của nước ta là thiếu đạm, mà điều kiện tự nhiên của nước ta lại không thuận lợi trong việc sản xuất những sản phẩm giàu đạm làm thức ăn chăn nuôi. Hiện chúng ta mới sản xuất được 160.000 tấn đỗ tương, quá ít so với yêu cầu. Năm 2014, chúng ta phải nhập khẩu 150.000 tấn đỗ tương và gần 4 triệu tấn khô dầu và hàng trăm nghìn tấn bột cá, bột xương có giàu đạm để pha vào trong thức ăn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, ngoài việc phổ biến các giống có năng suất cao hơn để làm thức ăn chăn nuôi thì điều quan trọng nhất vẫn là hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để cơ giới hóa sản xuất.
Tốc độ tăng chi cho nông nghiệp, nông thôn cao hơn tốc tộ tăng chi bình quân
Cùng tham gia trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng đã làm rõ thêm về vấn đề hỗ trợ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long chuyển đổi sản xuất từ đất lúa sang sản phẩm khác.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong những năm vừa qua, tốc độ tăng chi cho nông nghiệp, nông thôn tăng cao hơn tốc tộ tăng chi bình quân của ngân sách nhà nước. Tăng chi cho nông nghiệp, nông thôn những năm vừa qua là 20,1%/năm, trong khi tăng chi của ngân sách nhà nước là 16,1%/năm. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách, hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp, chính sách thuế.
“Trong điều kiện ngân sách khó khăn, chúng ta cũng đã bố trí cho nông nghiệp, nông thôn như vậy tôi cho là tương đối thỏa đáng”, Bộ trưởng nói.
Về hỗ trợ lúa cho trồng màu tại đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản nhắc các địa phương báo cáo nhu cầu kinh phí. Đến nay, 7 địa phương là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp và Cà Mau đã có báo cáo. Từ đầu năm, Bộ cũng đã ứng chi cho các địa phương 55,5 tỷ đồng để thực hiện việc này. Các địa phương khác chưa có báo cáo, Bộ sẽ đôn đốc và khi có báo cáo của địa phương sẽ xử lý ngay nguồn cho địa phương.