Phải thể hiện được nguyện vọng của đại đa số người dân
Chính trị - Ngày đăng : 05:39, 11/06/2015
- Có nhiều quốc gia đưa các vấn đề quan trọng ra trưng cầu ý dân không, thưa ông?
- Nhiều quốc gia đã đưa nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội ra trưng cầu ý dân, nhưng quy định khá chặt chẽ, ví dụ như nước Anh. Thế nhưng cũng có quốc gia toàn liên bang không trưng cầu ý dân, mà chỉ trưng cầu ở các tiểu bang như nước Mỹ. Cũng có những quốc gia thường xuyên tổ chức trưng cầu, điển hình như Thụy Sĩ. Với Việt Nam đây là luật mới nên phải học hỏi kinh nghiệm, chọn lọc những nội dung, mô hình phù hợp, thực hiện có lộ trình, nói cách khác là mở cửa từ từ.
- Hiện nay đang có khá nhiều quan điểm về phạm vi trưng cầu ý dân. Theo ông, nên tiến hành trên phạm vi cả nước hay chỉ theo vùng miền?
- Vấn đề này phải bàn thêm, nhưng theo tôi cần thực hiện theo nguyên tắc: Đã là trưng cầu ý dân thì phải liên quan đến vấn đề quan trọng của đất nước, cơ quan chức năng cần lấy ý kiến nhân dân để làm chỗ dựa cho quyết định cuối cùng. Nội dung trưng cầu ý dân cụ thể còn tùy thuộc tình hình thực tế. Đó có thể là các vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối nội, đối ngoại... nhưng phải liên quan trực tiếp đến chất lượng sống của người dân để người dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp.
- Trong dự thảo trưng cầu ý dân có nói “hai lần quá bán”, ví dụ cả nước có 100 triệu cử tri, chỉ cần quá 50 triệu tham gia bỏ phiếu là được, và trong số hơn 50 triệu đó chỉ cần 25 triệu thông qua là được. Quan điểm của ông thế nào?
- Như vậy “hai lần quá bán” có thể là 25% của tổng số cử tri cả nước, dễ dẫn đến một vấn đề khi được quyết định không đại diện cho tuyệt đại đa số ý kiến của nhân dân cả nước. Không nên quy định như vậy, lượng người đi bỏ phiếu phải là 2/3, kết quả cuối cùng vẫn phải 2/3 mới thể hiện được ý kiến, nguyện vọng của đại đa số người dân.
- Chân thành cảm ơn ông.